Thương mại điện tử: Con đường để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử: Một quyết định cần thiết! | |
COVID-19 thúc đẩy người tiêu dùng sử dụng dịch vụ kỹ thuật số | |
Thúc đẩy thương mại điện tử |
Xu thế thương mại toàn cầu
Sự ra đời của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã giúp cho lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) phát triển nhanh chóng trong thời gian qua và trở thành một phương thức hữu hiệu để các doanh nghiệp mở lối vào các chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 khiến cho hoạt động xuất khẩu trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. TMĐT xuyên biên giới đã trở thành một phương thức hữu hiệu để các doanh nghiệp trong nước có thêm lối ra cho hàng hóa, dịch vụ, giảm thiểu rủi ro do chuỗi cung ứng truyền thống bị đứt đoạn hoặc đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch, góp phần thúc đẩy xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, hiện có 32% doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến. Chỉ riêng số liệu từ Amazon Global Selling Việt Nam, hiện nay đã có hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng qua kênh TMĐT này với doanh thu năm 2020 vượt 1 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Mặc dù ảnh hưởng đại dịch, 6 tháng đầu năm 2021, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu đạt hơn 8 tỷ USD |
Tại Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu cho doanh nghiệp Đà Nẵng qua thương mại điện tử với Amazon” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết: Bất chấp những khó khăn và thách thức do ảnh hưởng của đại dịch, TMĐT của nước ta trong năm 2020 vừa qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc: tăng 18% về quy mô, thị trường và đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa; có tới 53% dân số Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến... Dự báo, vào năm 2023, tổng doanh thu TMĐT toàn cầu đạt gần 2.900 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh xuất khẩu vô cùng hiệu quả cho các doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro do chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ truyền thống bị đứt đoạn hoặc đình trệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việt Nam cũng là một trong những nước trên thế giới tiên phong sử dụng mạng 5G (dự kiến phổ biến vào năm 2023, 2024), sẽ mở ra cơ hội trải nghiệm mua sắm trực tuyến mới mẻ cho người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Phương Trinh, Quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: Xu hướng tiêu dùng của người tiêu dùng trên toàn cầu đã có sự thay đổi rõ rệt theo sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, cùng với biến động do dịch Covid-19 gây ra. TMĐT đã trở thành xu thế kinh doanh của thương mại toàn cầu. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành phương án để các nhà sản xuất, kinh doanh tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thói quen mua sắm đang có sự chuyển biến mạnh mẽ từ mua hàng truyền thống sang mua hàng trực tuyến. Khảo sát của Amazon Global Selling đối với người tiêu dùng Mỹ cho biết, 75% người tiêu dùng tin dùng nhà bán lẻ mới; 36% người tiêu dùng sẽ sẵn sàng thử nhãn hiệu mới. Đây là cơ hội rất lớn để các sản phẩm Việt Nam tìm kiếm và tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.
Xây dựng chiến lược xuất khẩu trực tuyến
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Phó giám đốc Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết: Mặc dù bị tác động tiêu cực của đại dịch, song nhờ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từ chính quyền, các sở, ban, ngành hữu quan, đặc biệt là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng năm 2020 đạt gần 1,6 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2021 đạt hơn hơn 805,5 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, điểm yếu của doanh nghiệp xuất khẩu địa phương là phần lớn có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh và vốn hạn chế, việc tiếp cận với chuỗi cung ứng và người tiêu dùng toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn.
Cục trưởng Đặng Hoàng Hải cho rằng, để hàng hóa Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng kết nối với thị trường toàn cầu, ngoài các giải pháp của các cơ quan quản lý, mấu chốt là các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc thích ứng với xu hướng kinh doanh xuất nhập khẩu trực tuyến. Doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược xuất khẩu trực tuyến để thích ứng, cũng như tận dụng được các cơ hội mà TMĐT mang lại.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Trinh, quản lý tài khoản cấp cao Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ. Doanh nghiệp muốn thúc đẩy thương mại xuyên biên giới phải xây dựng được chiến lược xuất khẩu trực tuyến. Trong đó, lưu ý lựa chọn danh mục sản phẩm phù hợp, tối ưu hóa vận hành với dịch vụ quy trình bán hàng (FBA); lên kế hoạch quảng cáo linh hoạt; xây dựng thương hiệu tầm quốc tế.
Đại diện Amazon Global Selling Việt Nam đưa ra khuyến nghị cho doanh nghiệp xuất khẩu muốn tận dụng được TMĐT toàn cầu cần phải “bán cái người ta cần, chứ không phải bán cái mình có”. Cùng với đó, khi thực hiện TMĐT xuyên biên giới, bản thân doanh nghiệp phải luôn trong trạng thái chuẩn bị đầy đủ mọi thủ tục hồ sơ hàng hóa, đặc biệt là các chứng chỉ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm để đảm bảo hàng hóa không gặp sự cố về thủ tục trong quá trình giao nhận...
Phát biểu về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp không chỉ chuyển đổi trong lĩnh vực xây dựng website quảng bá sản phẩm, mà toàn bộ hệ sinh thái cho TMĐT, giao dịch, vận chuyển, logistics, xuất nhập khẩu trực tuyến… cũng phải đồng thời chuyển đổi và phát triển lên một tầm cao mới.
Một thực tế, hiện nay mặc dù TMĐT là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu trong đại dịch Covid-19, tuy vậy phần lớn đang gặp không ít khó khăn. Bởi hầu hết doanh nghiệp sử dụng TMĐT trên nền tảng mạng xã hội sẵn có phổ biến như bán hàng online cá nhân, hộ kinh doanh thiếu vắng sự tham gia của các doanh nghiệp TMĐT quy mô lớn xuyên biên giới. Quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn nhất định do nguồn vốn, nhân lực và kiến thức kinh doanh trên TMĐT còn hạn chế, điều này dẫn đến việc doanh nghiệp không biết đến các chính sách hỗ trợ từ các sàn TMĐT.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Đặng Hoàng Hải cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển TMĐT qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 431/QĐ-Ttg Phê duyệt Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục điểm yếu, cũng như hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển TMĐT theo hướng hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, phát triển TMĐT tại các địa phương.
Theo Bộ Công thương, trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, có 25 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thống kê cho thấy, mặt hàng điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 25,1 tỷ USD, tiếp đến là xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đạt 23,7 tỷ USD, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 17 tỷ USD, ; hàng dệt và may mặc đạt 15,2 tỷ USD, giày dép đạt 10,4 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,4 tỷ USD. Trong 6 tháng vừa qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 45,1 tỷ USD, Trung Quốc 24,6 tỷ USD, EU đạt 19,3 tỷ USD, ASEAN 13,8 tỷ USD, Hàn Quốc đạt 10,5 tỷ USD, Nhật Bản đạt 9,9 tỷ USD. |