Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua sàn thương mại điện tử
Làm sao đưa nông sản tới người dân vùng dịch | |
Hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản | |
Khẩn trương thiết lập các “vùng xanh” sản xuất, lưu thông hàng hóa |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết trong tháng 8 này, có nhiều loại nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch, nên rất dễ xảy ra nguy cơ dư thừa nguồn hàng ở vùng sản xuất mà lại thiếu hụt ở các địa phương đang và sẽ phải áp dụng biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở phía Nam sẽ có hơn 1,1 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500 nghìn tấn. Hiện các loại trái cây có sản lượng lớn đang và sắp cho thu hoạch như xoài 40 nghìn tấn, chuối 109 nghìn tấn, sầu riêng 75 nghìn tấn, cam 40 nghìn tấn, nhãn 405 nghìn tấn, dứa 30 nghìn tấn, mít khoảng 10 nghìn tấn…
Trong bối cảnh đó, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử là giải pháp hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh, lại dần tạo ra một kênh tiêu thụ an toàn, hiệu quả, bền vững, vừa đảm bảo giá cả, giúp gây dựng thương hiệu cho nông dân và hàng nông sản.
Nhiều địa phương đã chủ động kênh bán sản phẩm nông nghiệp |
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định 1034/QĐ-BTTTT phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch này hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản.
Ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bộ xác định rõ hai nhiệm vụ khi triển khai kế hoạch đó là tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, đặc biệt là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) để đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, tập trung phát huy tối đa tiêu thụ trong nước.
Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu (Vietnam Post), các mặt hàng đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn là những đặc sản nổi tiếng hoặc sản phẩm chất lượng cao từ các hộ sản xuất nông nghiệp uy tín do đơn vị trực tiếp tìm kiếm, khảo sát và lựa chọn. Thông qua sàn, các sản phẩm của địa phương không chỉ có thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, tiếp cận đa dạng các đối tượng người tiêu dùng trên cả nước, mà còn có thể tạo được thương hiệu riêng, khẳng định chất lượng.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều hình thức hướng dẫn linh hoạt cho người nông dân đưa sản phẩm lên sàn như livestream, gửi hướng dẫn dạng hình ảnh hoặc video, đào tạo online cho các hộ sản xuất nông nghiệp về cách tạo tài khoản… Do vậy, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, người nông dân vẫn có thể tự tạo gian hàng và đăng bán các sản phẩm, nông sản thông qua sàn thương mại điện tử.
Sau một thời gian triển khai Quyết định 1034 về kế hoạch đưa toàn bộ 13 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể lên sàn thương mại điện tử, đến nay một số địa phương như Bắc Giang, Lạng Sơn hay Hải Dương đã thu được một số kết quả tích cực. Anh Hưng - người trồng na ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, khác với những năm trước, năm nay, những quả na từ vườn nhà đã được bán trên sàn thương mại điện tử. Mỗi ngày, anh Hưng đóng hơn 20 đơn hàng gửi đi các tỉnh.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, Lạng Sơn là một trong những tỉnh đầu tiên triển khai Kế hoạch 1034 và đã bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Tính đến ngày 10/8, Lạng Sơn đã tạo được 4.445 gian hàng, số ví điện tử/tài khoản thanh toán điện tử là 2.971, số đơn hàng 2.759 đơn, 3.500 loại sản phẩm, tổng doanh thu hơn 500 triệu đồng.
Còn đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên cho biết, hiện hơn 200 sản phẩm nông sản Hưng Yên đã lên sàn thương mại điện tử, trong đó có 55 sản phẩm OCOP của tỉnh. Hiện nay sản phẩm chủ lực của tỉnh là nhãn lồng đang vào mùa vụ chính. Các nhà vườn cũng đang tìm các phương thức kết nối để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hưng Yên, tỉnh đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như thói quen của bà con nông dân chủ yếu là buôn bán qua thương lái, kỹ năng bán hàng qua các sàn thương mại điện tử còn hạn chế.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phan Trọng Lê cho rằng, việc định hướng, tạo thói quen bán hàng qua sàn thương mại điện tử cho bà con nông dân là chìa khóa quan trọng để nâng tầm giá trị và mở rộng thị phần tiêu thụ nông sản của người dân tại thị trường nội địa. Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là phần lớn bà con nông dân chưa quen với việc sử dụng công nghệ, nên còn nhiều bỡ ngỡ khi thực hiện các thao tác và xử lý đơn hàng trên sàn thương mại điện tử.