Tận dụng thị trường Campuchia
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng dịch Covid-19 mau qua | |
Quỹ đầu tư nhận định trái chiều về thị trường Việt Nam | |
Nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn |
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Giao dịch quốc tế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia tuy số lượng không nhiều như tại các thị trường lớn là Hoa Kỳ (Mỹ), Châu Âu (EU) hay Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc..., nhưng lại là thị trường tiêu thụ rất đa dạng chủng loại hàng Việt.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu sang Campuchia 2 tháng đầu năm 2020, có 5 nhóm đạt trị giá trên chục triệu USD là sắt thép đạt 57,67 triệu USD; hàng dệt, may đạt 44,95 triệu USD; xăng dầu đạt 33,45 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 20,42 triệu USD… Trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm, DN Việt cũng tăng xuất khẩu nhóm hàng thủy sản và rau quả sang Campuchia, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 173,4% đạt 4,77 triệu USD, và rau quả đạt 157,61% đạt 430 USD (trong 2 tháng đầu năm 2020).
Doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế tại thị trường Campuchia |
Lợi thế lớn của DN Việt Nam tại thị trường Campuchia là những ưu đãi đặc biệt Chính phủ nước này dành riêng cho Việt Nam, tốt hơn hẳn ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác. Đó là thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2019-2020 được hai nước ký ngày 26/2/2019, có những ưu đãi về thuế suất thuế nhập khẩu (0%) đối với các mặt hàng có xuất xứ từ hai nước.
Trong đó, Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi 0% đối với 26 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Campuchia gồm thịt và phụ phẩm, rau quả tươi hoặc ướp lạnh (cà chua, súp lơ, củ cải, đậu hạt, bí ngô…) và nhiên liệu diesel. Đối với các mặt hàng nhiên liệu diesel, đây là lần đầu tiên phía Campuchia dành ưu đãi về thuế quan đối với sản phẩm nhập khẩu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cam kết dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với 32 mặt hàng có xuất xứ từ Campuchia như gia cầm sống, thịt và phụ phẩm, quả chanh, bánh ga tô, thóc gạo, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch). Việc dành ưu đãi thuế quan này tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu (cao su, nguyên liệu thô cho ngành may mặc) để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), hiện nay Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Campuchia. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực và ổn định, đạt bình quân 9,8%. Ngoài ra, thị trường Campuchia còn được xem là thị trường tiêu dùng nội địa nối dài, rất quan trọng của DN sản xuất hàng tiêu dùng Việt Nam. Hầu hết sản phẩm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như nhôm nhựa gia dụng, quần áo, giày dép, dược phẩm, thực phẩm chế biến… của Việt Nam đều tiêu thụ tốt tại thị trường Campuchia (thông qua hệ thống chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa của Campuchia). Bởi Campuchia hiện là một quốc gia đang phát triển nhanh, nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh mẽ với mọi mặt hàng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Câu lạc bộ DN Hàng Việt Nam chất lượng cao nhận xét, thói quen mua sắm tiêu dùng hàng hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng Campuchia khá tương đồng với người Việt. Vì vậy, nhóm sản phẩm hóa mỹ phẩm (dầu gội, nước tẩy rửa gia dụng…), thực phẩm ăn liền (mì gói, bánh kẹo, đồ hộp, dầu ăn…), giày dép, quần áo thời trang, sản phẩm nhôm nhựa gia dụng, nữ trang… của DN Việt rất được ưa chuộng tại thị trường này. Tuy không phát triển bùng nổ, nhưng DN Việt luôn có nhà phân phối liên kết để tiêu thụ hàng Việt tại thị trường Campuchia.