Tháo điểm nghẽn dòng tiền cho nhà ở xã hội
Thêm 3 dự án nhà ở xã hội, tổng quy mô hơn 3.500 căn hộ Tạo cơ chế cho nhà ở xã hội Giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm là do nguồn cung nhà ở còn hạn chế |
Bà Vũ Thị Hợp, Tổng Giám đốc Công ty CPTM Dạ Hợp (Hòa Bình) cho biết, đối với nhà ở xã hội, công ty đã đầu tư từ năm 2014 và hiện tại đang triển khai dự án tại phường Hữu Nghị, thành phố Hòa Bình nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho công nhân. Đặc biệt là nhu cầu của Tập đoàn Meiko Nhật Bản khi vào đầu tư tại Khu công nghiệp Bờ trái sông Đà.
Theo bà Hợp, trong quá trình triển khai dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng... Mới đây, để giải quyết khó khăn về giải phóng mặt bằng, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Công văn số 8353/VP UBND-KTN về việc giải phóng mặt bằng để đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân mua, thuê và thuê mua (giai đoạn II) tại phường Hữu Nghị. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng cũng chỉ đạt khoảng 90%.
Liên quan đến nguồn vốn, theo bà Hợp, hiện công ty đang thực hiện dự án tại phường Hữu Nghị vào khoảng 500 tỷ đồng. Tuy nhiên đến thời điểm này công ty đã đầu tư được 4 tháng nhưng không được giải ngân do điều kiện để được giải ngân là phải giải phóng mặt bằng 100% mà công ty mới giải phóng được 90%. Đây là điểm khó thực tế mà nhiều doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội đang gặp phải, cũng là lý do mà gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng khó giải ngân trong thực tiễn bởi nhiều vướng mắc về pháp lý mà doanh nghiệp chưa đủ điều kiện để vay.
Bên cạnh đó, do thu nhập người dân tại các địa phương rất thấp, chỉ từ 7 - 9 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều công nhân thu nhập mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng, nên họ lựa chọn thuê nhà chứ không chọn mua nhà ở xã hội. Chính vì vậy, công ty rất mong có những chính sách ưu đãi đối với các địa phương để người dân, công nhân có thể tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp để có thể tiếp cận nhà ở xã hội.
Trên thực tế, việc triển khai các dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương còn chậm. Có thể kể đến như Hà Nội có 1.700 căn, đáp ứng 9%; TP. Hồ Chí Minh với 4.900 căn, đáp ứng 19%. Nhiều địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi...
Nhà ở xã hội để cho thuê mới thể hiện rõ nhất bản chất và tinh thần của chính sách nhà ở xã hội |
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề bất cập liên quan đến chính sách tín dụng cho nhà ở xã hội hiện nay không phải nằm ở lãi suất cao hay thấp mà là bất hợp lý trong việc xây dựng chính sách về nhà ở xã hội nói chung. Nếu người mua nhà ở xã hội đáp ứng đủ điều kiện thì họ không thể mua được, kể cả cho vay với lãi suất 0%, vì thu nhập của họ chỉ đủ sống. Trong khi đó, nhà đầu tư nhà ở xã hội rất khó bán đúng đối tượng dễ dẫn đến vi phạm khi duyệt bán nhà sai đối tượng. Do đó, chương trình nhà ở xã hội cần thay đổi theo hướng nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về đất và vốn để xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp để họ có thể thuê nhà ở xã hội với giá phù hợp. Chỉ có như vậy mới khắc phục được hạn chế, bất cập, thậm chí sai phạm và bất bình đẳng của chương trình nhà ở xã hội hiện nay.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chuyên gia BĐS nhận định, ngoài các sản phẩm nhà ở xã hội để bán và cho thuê mua thì vấn đề nhà ở xã hội để cho thuê cũng cần có chính sách thúc đẩy phát triển. Bởi nhà ở xã hội chủ yếu hướng đến nhóm đối tượng có thu nhập thấp, thường dưới ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân, hầu như không đủ khả năng để mua, kể cả có sự hỗ trợ của Nhà nước về vay vốn tín dụng lãi suất ưu đãi. “Do đó, nhà ở xã hội để cho thuê mới thể hiện rõ nhất bản chất và tinh thần của chính sách nhà ở xã hội”, vị này nói.
Ở góc độ ngân hàng, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, các NHTM cũng rất muốn giải ngân cho các dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án chưa hoàn thiện các thủ tục nên chưa đủ điều kiện để được giải ngân. Các NHTM cũng gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng do các dự án nhà ở xã hội tại nhiều địa phương đã triển khai nhưng chưa đủ điều kiện được vay.
Theo ông Ấn, để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nên sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ hoạt động xây dựng. Hiện nay, tỷ trọng nợ công trên GDP của Việt Nam không lớn so với các nước, trong khi ngân sách vay và phát hành trái phiếu Chính phủ có lãi suất khá thấp, chỉ từ 3-4%/năm. Nếu dành một phần nguồn lực đó cho nhà ở xã hội hoặc cho thuê thì sẽ khả thi hơn và sẽ thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội nhiều hơn.