Thể chế: Mấu chốt cho phát triển bền vững
Năm 2020, Chính phủ tập trung cho thể chế và giải phóng nguồn lực | |
Hãy để doanh nghiệp nhà nước tự do kinh doanh |
Méo mó khó cạnh tranh
“Thể chế vẫn là mấu chốt quyết định hiệu quả của nền kinh tế”, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh. Theo vị chuyên gia này, nếu DN sản xuất ra một sản phẩm và dịch vụ nhưng ngoài chi phí sản phẩm còn phải cõng trên lưng gánh nặng của thể chế - mà trên khía cạnh kinh tế là các gánh nặng về chi phí, đặc biệt là chi phí phi chính thức thì sẽ làm tăng giá sản phẩm, dịch vụ tăng cao, khiến cho DN khó cạnh tranh. Chưa kể, gánh nặng về chi phí còn tạo ra những hệ lụy khác làm méo mó thị trường... Điều đó rõ ràng làm giảm đi động lực sáng tạo và làm méo mó cạnh tranh và giảm đi sự phát triển kinh tế nói chung.
Nỗ lực của Chính phủ để cải thiện thể chế, đặc biệt là cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) có thể nhìn thấy ở 7 nghị quyết chuyên đề về cải thiện MTKD cắt giảm chi phí cho DN được ban hành trong 5 năm qua cùng với chương trình hành động phát triển kinh tế tư nhân với các chỉ tiêu được đặt ra hết sức cụ thể.
Theo các chuyên gia, đây là điều chưa từng có trong lịch sử. Điểm đặc biệt tiến bộ, như luật sư Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận xét, đó là việc Chính phủ đã lấy các chuẩn mực của quốc tế về MTKD và năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường trong nước đưa chúng ta xích gần hơn với các chuẩn mực chung của quốc tế. Chính phủ cũng đã chỉ đạo lấy sự hài lòng của người dân và DN để đo đếm về mức độ cải thiện.
“Đó là hai xu hướng rất tốt, nhưng có một điều nhận thấy là chúng ta chưa gắn liền những thành công hay thất bại từ các hoạt động cải cách đó để quy trách nhiệm về từng bộ, từng ngành, từng cá nhân cụ thể. Nếu không làm được rõ chuyện đó thì cũng đồng nghĩa chúng ta mới chỉ đọc ra được các con số, phát hiện ra bệnh mà không chữa được bệnh, hoặc giả có chữa thì cũng không chữa được cơ bản”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Quyết liệt phải đi kèm với giám sát
Thế nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, những nỗ lực lớn chưa từng có và xuyên suốt trong cả thời gian dài như vậy nhưng kết quả mang lại thì chưa được như kỳ vọng, đặc biệt khi so sánh với các nước trong khu vực, thậm chí có những lĩnh vực đang tụt lại. Trong 5 năm qua, thứ hạng trên bảng xếp hạng MTKD trung bình chỉ tăng được 1,2 bậc/năm; điểm tuyệt đối chỉ tăng trung bình 1 điểm/năm; các cải cách được ghi nhận ngày càng ít đi… là những vấn đề đáng suy ngẫm.
Đơn cử theo “Báo cáo MTKD 2020” của WB, nhóm tiêu chí Thể chế có tổng điểm chỉ đạt 49,8 điểm. Có một số hạn chế đáng kể khiến tổng điểm thấp, như tiêu chí về mức độ minh bạch hóa ngân sách giảm điểm mạnh, chỉ đạt 15 điểm và xếp thứ 84, giảm mạnh từ thứ 42 (65,4 điểm) năm 2018; tiêu chí minh bạch (thông qua đo lường Chỉ số nhận thức tham nhũng của DN và các chuyên gia trong nước đối với mức độ tham nhũng ở khu vực hành chính công) chỉ đạt 33 điểm và xếp hạng 101, thấp hơn so với năm 2018 (35 điểm và xếp hạng 91)…
“Chúng ta có thể tự ghi nhận về rất nhiều những cải cách nhưng quan trọng nhất là cải cách nào để được thế giới ghi nhận. Giai đoạn 2014-2019, xếp hạng MTKD của WB ghi nhận chúng ta tăng 7 bậc, nhưng Indonesia tăng tới 41 bậc (từ thứ 114 lên vị trí 73 hiện nay), hay Thái Lan – dù thứ hạng của họ đã ở vị trí rất cao – nhưng vẫn tăng được thêm 5 bậc”, ông Hiếu chỉ ra và cho rằng, điều đó cho thấy chúng ta mới có “nhúc nhích” về cải cách, chứ chưa có sự bứt phá mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, khi đo lường tác động của cải cách để xem thực sự cải cách có đến được DN không thì vẫn thấy có những cải cách dù được ghi nhận ở các bộ, ngành, nhưng DN lại phản ánh ngược lại là kém tích cực hơn, sự hài lòng vì thế cũng giảm đi. Trong khi hiện nay các bộ và chính quyền địa phương chính có vai trò quan trọng nhất trong cuộc cải cách này, bởi họ vừa là người trực tiếp tham mưu thể chế và khi có chương trình cải cách thì họ cũng là người trực tiếp thực thi.
Bởi vậy theo ông Hiếu, toàn bộ chương trình cải cách hiện nay đang được thực thi theo cách “Top down”, tức là từ trên Chính phủ áp xuống, sẽ rất khó thành công, bởi chương trình thực hiện cải cách hôm nay là do các bộ, địa phương thực hiện và ngày mai chính cũng họ lại đề xuất, tham mưu chính sách mới. Và không ai dám đảm bảo rằng, trong tham mưu về các điều kiện kinh doanh mới mà các bộ đề xuất, sẽ có ít hơn các điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm, cũng như những điều kiện đã được cắt giảm sẽ không hiện hữu trở lại trong các quy định mới.
Trong khi theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh tuy nhiên cần có cách tiếp cận mới trong hoạch định, xây dựng và thực thi chính sách dựa vào cơ sở khoa học để thuyết phục, phù hợp hơn. Cùng với đó, cần có quy trình và cơ quan đầu mối theo dõi, đánh giá sự phù hợp, tác động, chất lượng của chính sách, cũng như tính hiệu lực, hiệu quả của khâu thực thi chính sách. Đồng thời, hết sức chú trọng đến tính minh bạch và giải trình, trong khi khối DN cần áp dụng chuẩn mực quản trị DN tiệm cận các nguyên tắc của OECD.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia, để đảm bảo cải cách thể chế hiệu quả trong Chính phủ phải duy trì một cơ quan có tên gọi là “Regulatory Oversight Body” (cơ quan giám sát và thực thi cải cách). Cơ quan này được luật định và được trao các thẩm quyền như điều phối và phối hợp trong hoạch định và thực thi chính sách; chủ động nghiên cứu các lĩnh vực ưu tiên cải cách; nghiên cứu các thực tiễn luật pháp tốt và giúp nâng cao năng lực hoạch định chính sách cho các cơ quan có liên quan...