Thị trường bất động sản: Để thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc
Thị trường bất động sản kỳ vọng gỡ được “nút thắt” Cần động lực mạnh hơn giúp thị trường bất động sản sớm "đảo chiều" |
Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút đầu tư, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Trong đó, đã có 48 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, dẫn đầu tư là Singapore, tiếp theo là Hàn Quốc, British VirginIslands (quần đảo Virgin thuộc Anh) và Nhật Bản.
Trong số 45 tỉnh, thành hiện có đầu tư FDI vào lĩnh vực bất động sản, TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 16 tỷ USD, chiếm 24,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hà Nội, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn, với hình thức ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có quy mô lên đến hàng tỷ USD như dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, Công ty TNHH phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ, bên cạnh việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản đã góp phần chuẩn hóa thị trường bất động sản tại Việt Nam, tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, giúp Việt Nam có những công trình đạt tiêu chuẩn tương đương với các nước trong khu vực và thế giới. Không chỉ bất động sản công nghiệp mà cả các phân khúc nhà ở, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… cũng đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, một số dự án bất động sản đã có xu hướng tích hợp được các tiêu chí xanh, công năng xanh vào chu trình phát triển và vận hành.
Phần lớn doanh nghiệp FDI tham gia vào lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô lớn |
Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư như chính trị ổn định, an toàn, tăng trưởng tốt, nguồn nhân lực dồi dào; thị trường tiềm năng, vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài thuận lợi cho xây dựng các bất động sản nghỉ dưỡng. Hệ thống luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, minh bạch và đang tiếp tục được hoàn thiện.
Theo GS.TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), những nỗ lực trong việc giảm bớt rào cản về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng cũng góp phần giúp cho triển vọng của nền kinh tế được tươi sáng hơn, thúc đẩy nhu cầu về bất động sản và giúp Việt Nam tiếp tục nới rộng khoảng cách về tốc độ tăng trưởng kinh tế với các quốc gia cùng đang được xếp hạng tín nhiệm BB.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, một số dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn kém hiệu quả, chậm triển khai, thậm chí nảy sinh các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội. Theo GS.TS. Nguyễn Mại, việc thu hút FDI vào bất động sản tại Việt Nam vẫn còn một số trở ngại như hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ, không kịp thời hoàn thiện như quy định về condotel (căn hộ và khách sạn), officetel (văn phòng và khách sạn); thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu, đặc biệt là đất đai vô cùng phức tạp; chưa có cơ chế khuyến khích đầu tư xanh vào bất động sản… Tất cả các yếu tố đó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực bất động sản trong thời gian tới.
Nhằm tiến tới chọn lọc kỹ hơn các nhà đầu tư FDI chất lượng vào lĩnh vực bất động sản, Việt Nam cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về pháp lý về thị trường này, đặc biệt là loại hình bất động sản mới (thành phố thông minh, bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản kết hợp với chăm sóc sức khỏe, condotel, officetel...) phù hợp với thông lệ quốc tế. Chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các nhà đầu tư có năng lực tài chính tốt, có giải pháp gắn với mô hình chuyển đổi kinh tế xanh, bền vững; đồng thời đề cao trách nhiệm của nhà đầu tư đối với môi trường, xã hội trong quá trình đầu tư tại Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, cạnh tranh, thông thoáng, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án sử dụng đất lớn nhưng chậm triển khai, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Theo GS.TS. Nguyễn Mại, cần đẩy mạnh số hóa, giảm thiểu thời gian với thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch để nhà đầu tư thực hiện nhanh chóng và có hiệu quả các dự án bất động sản, góp phần vào định hướng và mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.