Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ gặp mặt doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) để ghi nhận, biểu dương những đóng góp, lắng nghe những mong muốn, nguyện vọng của cộng đồng doanh nhân và khẳng định tiếp tục chia sẻ, đồng hành với đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Cuộc gặp do Văn phòng Chính phủ (VPCP) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Cùng dự cuộc gặp mặt có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương.
Đặc biệt, dự cuộc gặp mặt có 72 đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.
Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, bày tỏ mong muốn đội ngũ các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục lớn mạnh, trưởng thành, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày doanh nhân Việt Nam năm nay được kỷ niệm trong bối cảnh khác với mọi năm, chúng ta phòng chống đại dịch trên phạm vi cả nước. Dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề tới phát triển kinh tế xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta đã đạt được những thành tích, thành tựu quan trọng, tích cực suốt đầu năm tới nay về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhất là kết quả chống dịch vừa qua. Trên phạm vi cả nước, chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh theo các tiêu chí của Bộ Y tế, dù trải qua thời gian hết sức khó khăn, nhất là tại các tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và một số tỉnh phía nam. Đây là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự cố gắng và đóng góp rất quan trọng của đội ngũ doanh nhân. “Xin gửi lời cảm ơn, tri ân tới tất cả hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân có mặt hôm nay cũng như nhiều người vì nhiều lý do khác nhau không có mặt tại Hội trường này”, Thủ tướng nói.
Sự kiện hôm nay một mặt thể hiện tình cảm nhân ngày truyền thống của đội ngũ doanh nhân, thể hiện tri ân, ghi nhận, đánh giá của nhân dân, Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đồng thời tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp, xây dựng, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, trên cơ sở đó, tiếp tục có chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả với cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, thay mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhìn nhận, năm 2021 được đánh dấu bằng những khó khăn chưa từng có do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều DN đối mặt với đứt gãy sản xuất, đứt gãy thị trường, đứt gãy dòng tiền và lao động. Chủ tịch VCCI bày tỏ, chính trong thời điểm khó khăn này, cộng đồng doanh nhân, DN vô cùng ấm lòng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ. Cách đây hơn 2 tuần lễ, vào ngày 26/9, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, doanh nhân 63 tỉnh, thành phố để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN trong bối cảnh COVID-19; sau hội nghị nhiều giải pháp cụ thể hỗ trợ DN đã được triển khai. Và hôm nay, nhân kỷ niệm 17 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Thủ tướng tiếp tục gặp gỡ, động viên đại diện giới doanh nhân Việt Nam.
Ông Phạm Tấn Công khẳng định, khi đại dịch COVID-19 đang gây khó khăn to lớn cho hoạt động của các DN, giới doanh nhân Việt Nam vẫn vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Những chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Thủ tướng, sự vào cuộc sâu sát, rốt ráo của các bộ trưởng, đặc biệt là chủ trương mới đây của Chính phủ về chuyển trạng thái sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19", về quyết tâm vừa duy trì sản xuất kinh doanh an toàn, vừa chống dịch hiệu quả, khôi phục kinh tế khiến cộng đồng DN rất phấn chấn. Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 cùng với một loạt các giải pháp, chính sách được chính phủ và các bộ, ngành đưa ra linh hoạt, mau lẹ giúp các DN đang khó khăn cảm nhận được quyết tâm, nỗ lực hỗ trợ DN của Chính phủ. Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn hơn 1 tháng, Thủ tướng đã có một loạt cuộc gặp gỡ cộng đồng DN, lắng nghe phản ánh những khó khăn, những đề xuất, kiến nghị của DN.
Tại cuộc gặp gỡ nhân ngày vui chung của cộng đồng doanh nhân, DN, Chủ tịch VCCI thay mặt giới doanh nhân gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Thủ tướng và các lãnh đạo các bộ, ngành về những hỗ trợ cho DN trong bối cảnh COVID-19. Ông Công cũng bày tỏ tin tưởng và mong rằng, các giải pháp, chính sách đã đề ra sẽ được quyết liệt triển khai, phản hồi của các DN về các vướng mắc trong tiếp cận các cơ chế, chính sách mới sẽ được lắng nghe, kịp thời gỡ bỏ.
“Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm, vì vậy, các DN cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp. Các DN cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại của các cơ quan Nhà nước để tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp. Đặc biệt, các DN mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các DN, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn được đóng góp trí tuệ vào chương trình phục hồi tổng thể cấp quốc gia cũng như ở các ngành, các địa phương”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Cho rằng hành trình phía trước để đưa Việt Nam sánh vai các quốc gia phát triển vào năm 2045 còn rất nhiều chông gai, thách thức, Chủ tịch VCCI khẳng định, cộng đồng DN xác định “trong nguy có cơ”, lấy dịch COVID-19 là cơ hội, là động lực để nâng cao năng lực quản trị, khả năng ứng phó với các biến động của thị trường, thực hiện chuyển đổi số, cơ cấu lại lực lượng lao động theo hướng bền vững.
“Đường đến vinh quang bao giờ cũng nhiều chông gai. Nhưng lửa thử vàng, gian nan thử sức, cộng đồng DN Việt Nam xin bày tỏ tinh thần đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm cùng Chính phủ vượt qua đại dịch, đồng hành vượt qua mọi khó khăn như câu chuyện lịch sử Tuần lễ vàng 76 năm trước; quyết duy trì và phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, giữ vững cơ đồ, vị thế mới của đất nước, thực hiện cho được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 và khát vọng của dân tộc xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.
Các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), đánh giá: Trong hai năm qua, đất nước ta đứng trước những khó khăn, thách thức lớn, Đảng và Nhà nước đã đưa ra nhiều chính sách, kêu gọi sự đồng lòng, đoàn kết của các giai tầng trong xã hội trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội đạt nhiều kết quả.
Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng đắn, cần thiết, đồng thời đánh giá cao những chỉ đạo, quyết liệt sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng sẽ giúp các địa phương khôi phục và thúc đẩy sản xuất, với chiến lược cách ly hẹp nhất nhưng chặt nhất như tại Phủ Lý, Hà Nam, hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.
Bà Nga cho rằng, những lời hiệu triệu, kêu gọi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Thủ tướng Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là những sáng kiến lập Quỹ Vaccine phòng chống COVID-19; sáng kiến Sóng và máy tính cho em…. Chủ tịch Tập đoàn BRG khẳng định đây là những chương trình rất nhân văn, đi vào lòng người, được cộng đồng doanh nghiệp nỗ lực tham gia, trong đó Tập đoàn BRG đã đóng góp hàng trăm tỷ đồng với các trang thiết bị cho phòng chống dịch. “Cộng đồng doanh nghiệp cam kết nỗ lực hết mình, mang hết “Tâm - Tài - Trí -Tín” để đóng góp xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng đất nước và phòng chống dịch COVID-19”, bà Nguyễn Thị Nga khẳng định.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC đề nghị giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC thay mặt hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin và 3.600 cán bộ, công nhân viên của công ty bày tỏ tri ân các lực lượng tuyến đầu ngày đêm quên mình, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc, đồng lòng của người dân trong phòng chống dịch. Người dân và doanh nghiệp rất tin tưởng vào chiến lược chống dịch của Chính phủ. Cho biết ngành công nghệ thông tin đã có nhiều đóng góp vào phòng chống dịch và vẫn có tăng trưởng khá trong những tháng đầu năm 2021, ông Chính khẳng định công nghệ và chuyển đổi số sẽ là xu thế trong thời gian hậu COVID-19. Việt Nam đã có chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin. Đã có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là cứ điểm cung cấp công nghệ số toàn cầu như Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển.
Ông Chính bày tỏ mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; giao các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đầu tư các dự án hạ tầng số quy mô lớn…
Bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Thái Hương, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, cho biết: Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực xây dựng hình ảnh, khát vọng dân tộc đánh thức tiềm năng, sức sáng tạo của nữ doanh nhân.
Nhắc lại những ngày giãn cách căng thẳng nhất vừa qua khi đại dịch gây ra sự khủng hoảng chưa từng có, bà Thái Hương cho rằng, ngay khi dịch bùng phát, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc, lấy sức khỏe, an toàn của người dân làm trọng tâm để đưa ra các quyết sách. Chính phủ luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, tham khảo những mô hình phòng chống dịch có hiệu quả trên thế giới. Dịch bùng phát nhanh, nghiêm trọng nhưng Chính phủ đã làm mọi cách trong điều kiện có thể.
“Sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành thực sự đã truyền cảm hứng cho giới doanh nhân. Đến giờ hình ảnh áo sơ mi Thủ tướng đẫm mồ hôi khi chỉ đạo phòng chống dịch ở Bình Dương hay hình ảnh những y bác sĩ, công an, bộ đội ăn bữa cơm vội vàng… đã đánh thức chúng tôi nỗ lực cống hiến, vượt khó khăn, thách thức, phát triển bền vững…”, bà Thái Hương xúc động chia sẻ.
Đánh giá cao việc liên tiếp trong tháng 8 và 9, Thủ tướng đã tổ chức 2 Hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp…, Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP cuối năm 3% là khả thi.
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel): Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), cho biết, doanh nghiệp Việt Nam hiểu rằng không phải ai khác, mà chính họ là lực lượng chính đóng góp cho ngân sách Nhà nước, phát triển kinh tế đất nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đóng góp cho việc kinh tế Việt Nam có tăng trưởng hay không, hình ảnh Việt Nam đến với thế giới thế nào.
Ông Dũng đánh giá, Chính phủ đã tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình. Lực lượng doanh nhân đã nhận được định hướng chỉ đạo, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Hàng loạt chỉ thị đã được ban hành để phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mục tiêu hướng tới là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, tham gia tích cực vào chuỗi gía trị toàn cầu, tầm cơ khu vực và thế giới.
Trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, Chính phủ đã và đang nỗ lực hết sức để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần vượt khó, ý chí tự lực tự cường đã đóng góp vào chiến lược chống dịch, nỗ lực thích ứng tình hình mới, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Kinh doanh luôn gắn liền với trách nhiệm xã hội, cộng đồng là triết lý chưa bao giờ thay đổi của Viettel, đi cùng nhau không chỉ để đi thật xa, mà phải đi thật nhanh.
Bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo của mình, Viettel tuyên bố sứ mệnh tiên phong, chủ lực sáng tạo xã hội số, với mong muốn tổng hợp sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Với tất cả thế mạnh về công nghiệp hạ tầng, tài chính, công nghệ và con người, Viettel đã nỗ lực hết sức cùng Chính phủ, nhân dân thực hiện mục tiêu kép. COVID-19 buộc chúng ta phải chuyển đổi số nhanh hơn, quyết liệt chuyển đổi số y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, xây dựng đô thị thông minh và Chính phủ số.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nhấn mạnh những đóng góp của các hợp tác xã với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong nông nghiệp, vận tải hàng hóa, thương mại và dịch vụ (chiếm gần 40% thị phần siêu thị hiện đại tại TPHCM…), đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là những nơi giãn cách xã hội, nâng cao đời sống hội viên…
Ông Cường cho rằng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền đã rất quan tâm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã rất mạnh mẽ, quyết liệt trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng hợp tác xã với hàng loạt Nghị quyết được ban hành trong thời gian qua, do đó hợp tác xã sẽ phát huy bản chất kinh tế-xã hội nhân văn sâu sắc, tự lực tự cường cùng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân phát triển kinh tế-xã hội, cùng cả nước vượt qua những khó khăn do dịch bệnh.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group: Việt Nam đã có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, không ngừng nỗ lực quyết tâm đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển đất nước. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group, cho rằng, mặc dù bận trăm công nghìn việc, việc Thủ tướng tổ chức gặp mặt giới doanh nhân đã đem đến niềm vinh dự tự hào cho các doanh nhân Việt Nam.
Trong thời gian qua, mặc dù thảm họa dịch bệnh lớn nhất trong lịch sử nhưng đã chứng minh ý chí quyết tâm, sự đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ. Giới doanh nhân cũng luôn nhận được sự quan tâm, khích lệ của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và chính quyền các cấp. Các luật về doanh nghiệp, đầu tư, các nghị quyết của Chính phủ ban hành rất kịp thời. Nhiều câu nói của Thủ tướng đã thể hiện ý chí mạnh mẽ, quyết liệt, in đậm trong tâm trí các doanh nhân, đồng thời là kim chỉ nam cho con đường phát triển doanh nghiệp.
"Việt Nam đã có đội ngũ doanh nhân hùng mạnh, không ngừng nỗ lực quyết tâm đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển đất nước. Hiện nay, đã chuyển sang thời kỳ bình thường mới, cộng đồng doanh nghiệp sẽ nhanh hơn, quyết liệt hơn nữa", ông Hiển bày tỏ tin tưởng.
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng: Thủ tướng luôn dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển kinh tế và sự đóng góp của giới doanh nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT FLC, Phó Chủ tịch HĐQT hãng hàng không Bamboo Airways, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng: Thủ tướng luôn dành sự quan tâm rất lớn cho phát triển kinh tế và sự đóng góp của giới doanh nhân. Thủ tướng cũng rất quan tâm cải cách thể chế để các doanh nghiệp có cơ sở phát triển.
“Chúng tôi mong tinh thần chỉ đạo, các chủ trương, quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng sớm đi vào thực tiễn thông qua các văn bản pháp luật, hệ thống pháp luật. Chúng tôi cũng rất mong các quy định pháp luật về đất đai và nhà ở, hai lĩnh vực vô cùng quan trọng không chỉ cho cộng đồng DN bất động sản nói riêng, DN nói chung cũng như các địa phương, có thể phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục có những cơ sở vững chắc, tạo đà cho sự phát triển. Một lần nữa, chúng tôi tiếp tục bày tỏ sự đồng lòng đến các quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng, chúng ta quyết tâm vượt qua, khắc phục những khó khăn trong đại dịch để có những bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn sắp tới”, bà Dung nói.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch Công ty Động lực, nêu 2 kiến nghị. Thứ nhất cho phép mở lại các hoạt động thể thao cho người dân luyện tập. Các hoạt động thể thao nâng cao đóng cửa rất lâu rồi, các đội tuyển lâu không được thi đấu trong khi cơ hội thi đấu là rất quan trọng, bởi nếu không được luyện tập, thì thi đấu rất khó có thành tích. Thứ hai, các vận động viên cần được ưu tiên tiêm vaccine. “Tôi mong muốn trong thời gian tới các trận đấu thể thao sẽ được bình thường hoá trở lại”, ông Thành bày tỏ.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup: Thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đều đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch và có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Vingroup, cho biết trong thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng đều đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch và có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch. Nhân dịp này, ông Quang thông báo tiến độ Vingroup nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine tiên tiến nhất tại Mỹ, với mục tiêu đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác phòng chống dịch.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, khẳng định đội ngũ doanh nhân xác định vai trò, sứ mệnh của mình trong sự phát triển của đất nước. Bà Thanh cho rằng, trong chiến lược phát triển kinh doanh bền vững, bao trùm của các doanh nghiệp thời gian tới, bên cạnh việc thích ứng an toàn với dịch bệnh thì việc quản trị nguồn lực lao động, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng có vai trò rất quan trọng. Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về các vấn đề này thông qua các hiệp hội doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, kiến nghị đưa vào Luật DN khái niệm DN do phụ nữ làm chủ, giúp xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, cho biết Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị triển khai nhiều hoạt động trong thời gian vừa qua. Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành đã có các gói cứu trợ trực tiếp cho DN về thuế và tài chính, tín dụng, bảo hiểm xã hội… Tuy nhiên, hiện nay sự thụ hưởng của cộng đồng DN đang còn khiêm tốn, một trong những nguyên nhân là do khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng, thời gian và quy trình.
Bà Minh kiến nghị trong các chiến lược quốc gia thành phần sẽ đồng bộ với chiến lược quốc gia phát triển bền vững, ví dụ chiến lược quốc gia về bình đẳng giới có quy định tỉ lệ DN do phụ nữ làm chủ nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội lại không có quy định này. Do đó, rất khó để đồng bộ trong chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như sự phấn đấu của phụ nữ. Bà Minh kiến nghị đưa vào Luật DN khái niệm DN do phụ nữ làm chủ, hiện nay rất nhiều nước đã có khái niệm này như Anh, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Đưa khái niệm này vào sẽ xác định được đối tượng để thực hiện các gói hỗ trợ, các chương trình, dự án một cách tốt nhất, thiết thực nhất, giúp có các số liệu chính xác báo cáo trong các diễn đàn về thúc đẩy bình đẳng giới…
Trong chương trình thời gian tới, cộng đồng DN còn nhiều khó khăn do tác động và biến đổi của COVID-19 khó lường. Sự phục hồi của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN do phụ nữ làm chủ khó khăn; do đó bà Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục có những gói hỗ trợ đặc thù cho DN do phụ nữ làm chủ, DN sử dụng nhiều lao động nữ, DN sử dụng lao động người khuyết tật. Nhắc đến việc, khi so sánh với các gói hỗ trợ của các nước, UNDP khuyến nghị Chính phủ Việt Nam trích 5% GDP từ nay đến cuối năm để hỗ trợ trực tiếp DN tư nhân, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm đến kiến nghị này.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết ngành có đóng góp rất lớn vào GDP Việt Nam. Ông Hiệp đề xuất các giải pháp trước thực trạng các doanh nghiệp trong ngành hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trở lại; kiến nghị xử lý một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi xử lý các tranh chấp do tác động của dịch bệnh, vấn đề lãi suất cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng…
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch.
“Chúng ta nhớ rất rõ, thời điểm dịch cao trào, Thủ tướng hết sức quyết liệt trong công tác chống dịch, đi đầu và luôn luôn xuất hiện ở tuyến đầu. Hình ảnh của Thủ tướng đã truyền cảm hứng cho Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ban ngành liên quan tập trung vào chống dịch. Đó là hình ảnh giới doanh nhân thấy rất xúc động, đánh giá rất cao và có niềm tin để cùng nhau đồng lòng, chung sức vượt qua đại dịch”, ông Sơn chia sẻ. “Chúng tôi lấy hình ảnh đó là cơ sở, động lực quyết tâm vượt qua khó khăn vừa qua”.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, kiến nghị:
Thứ nhất, Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu: Tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.
“Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc”, ông Sơn nói.
Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.
Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cùng với đó là đào tạo lại lực lượng lao động, tăng cường kỹ năng để lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cần đoàn kết, hợp tác tìm hướng đi mới, liên kết, tập trung đẩy mạnh công nghệ số để thích ứng điều kiện bình thường mới.
“Chúng tôi luôn có niềm tin vào chỉ đạo, quyết sách kịp thời và hiệu quả của Chính phủ. Cuộc gặp gỡ hôm nay là sự khích lệ lớn đối với doanh nghiệp và doanh nhân vượt qua khó khăn để phục hồi sau đại dịch”, ông Sơn khẳng định.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng: Ngân hàng Nhà nước có sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chủ động cho các doanh nghiệp thiết kế kế hoạch sản xuất kinh doanh. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Là lãnh đạo Bộ, ngành đầu tiên phát biểu tại buổi gặp mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của mọi chính sách và hệ thống ngân hàng luôn quán triệt quan điểm này của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bà Hồng gửi lời cảm ơn của hệ thống ngân hàng với các doanh nghiệp, doanh nhân, nhấn mạnh thành công của doanh nghiệp tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của hệ thống ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước có sứ mệnh, nhiệm vụ quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chủ động cho các doanh nghiệp thiết kế kế hoạch sản xuất kinh doanh. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ. Trong 9 tháng qua, các cơ quan đã phối hợp triển khai chính sách tiền tệ, tài khóa hài hòa và hợp lý, giữ được ổn định vĩ mô trong bối cảnh có nhiều tác động bất lợi. Điều này thể hiện ở lạm phát thấp, thị trường tiền tệ, tỉ giá, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm…
Khi doanh nghiệp và người dân bị tác động bởi dịch bệnh thì ngân hàng vào cuộc rất quyết liệt theo chỉ đạo của Thủ tướng, các nghị quyết của Chính phủ, ban hành ngay thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… Từ năm 2020 tới nay, riêng về khoản miễn phí khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm và ước lượng tổng hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng lên tới khoảng 60 nghìn tỷ đồng cho cộng đồng doanh nghiệp. Các giải pháp của NHNN được các tổ chức quốc tế đánh giá là phù hợp xu thế quốc tế.
Thời gian qua, các tổ chức tín dụng cũng gặp khó khăn nhưng đã nỗ lực bảo đảm thanh toán và cung ứng dịch vụ cho các doanh nghiệp và người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ trong hoạt động; hết sức quan tâm, hưởng ứng các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, như đóng góp thiết thực vào Quỹ Vaccine, chương trình Sóng và máy tính cho em…
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng quyết liệt chỉ đạo xây dựng chương trình hồi phục và phát triển kinh tế-xã hội. NHNN nhận thức được những khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ như áp lực lạm phát từ bên ngoài, khả năng phát sinh nợ xấu. Thống đốc NHNN cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng đồng thời bảo đảm an toàn hệ thống, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô…, đề nghị các doanh nghiệp cũng hết sức chia sẻ với hệ thống ngân hàng trong quá trình này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà: Nhờ có đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, kinh tế nước ta có sự phát triển và tăng trưởng, gia tăng về kim ngạch xuất nhập khẩu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đồng hành cùng doanh nghiệp và doanh nhân trong việc phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
“Nhờ có đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân, kinh tế nước ta có sự phát triển và tăng trưởng, gia tăng về kim ngạch xuất nhập khẩu. Cũng chính từ đó, thu ngân sách có tăng, hầu như thu năm sau vượt năm trước, bảo đảm nguồn lực phát triển kinh tế và an sinh xã hội”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhìn nhận.
Trước tình hình mới, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội các nghị quyết, nghị định, quyết định về các giải pháp giãn, hoãn, tiền thuế phải nộp, giảm thuế, tiền thuê đất, giảm các khoản phí và lệ phí. Riêng gói hỗ trợ về tài chính, thuế, phí… nếu thực hiện từ nay đến cuối năm thì tổng kinh phí là 138 nghìn tỷ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Bộ Tài chính cũng phối hợp các bộ, ngành đảm bảo nguồn lực mua vaccine, mua thiết bị y tế, giải pháp phòng chống dịch, xuất cấp gạo dự trữ hỗ trợ cho đồng bào vùng dịch, vùng khó khăn. Đồng thời, dưới sự chỉ đạo chung, quyết liệt của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả quan trọng, tiếp tục góp phần để doanh nghiệp duy trì sản xuất kinh doanh, đảm đời sống của người dân.
Về giải pháp thời gian tới, ông Hà cho rằng có hai nội dung. Thứ nhất là cần bảo đảm sự thông suốt của chuỗi sản xuất và cung ứng. Đây không phải chỉ có sản xuất và cung ứng trong nước, mà còn liên thông với thị trường bên ngoài. Giải pháp về nguồn cung, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa là rất quan trọng. Trong bối cảnh hiện nay, khuyến khích tiêu dùng nội địa trong nước cũng là cần thiết.
Vấn đề thứ hai là đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy. Dòng tiền này có mối liên hệ giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Về chính sách tài khoá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp và doanh nhân để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chính sách ưu đãi thuế phí, để bảo đảm chúng ta có nguồn lực hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục bố trí nguồn lực tiêm chủng vaccine mở rộng và giải pháp phòng, chống dịch, hỗ trợ vùng dịch.
“Về phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, chúng tôi sẽ cùng với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế lãi suất đối với doanh nghiệp vay vốn ngân hàng có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.