Thương mại điện tử: Động lực hỗ trợ phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Thương mại điện tử: Đòn bẩy tăng trưởng cho ngành logistics | |
Thương mại điện tử: Cần hành lang pháp lý phù hợp để phát triển bền vững |
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu tại hội thảo |
Nhiều bước tiến mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu trên môi trường trực tuyến. Đặc biệt, qua sàn thương mại điện tử Amazon, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đặt hàng cũng như tiếp cận khách hàng ở những khối thị trường lớn, khó tính như: Bắc Mỹ, Nhật Bản, EU….
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biễn phức tạp trên thế giới từ đầu năm đến nay, thương mại điện tử là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam và đang trở thành công cụ không thể thiếu đối với doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cùng chung quan điểm này, TS. Nguyễn Trần Hưng, Trưởng Khoa Hệ thống thông tin kinh tế và thương mại điện tử Trường Đại học Thương Mại cho biết, thương mại điện tử tại Việt Nam đang hội tụ rất nhiều lợi thế về dân số trẻ, sự phổ cập của các thiết bị di động thông minh cùng với sự hoàn thiện về nền tảng luật pháp, thanh toán và logistics.
Điều này đã được thể hiện rõ khi “Việt Nam trở thành một trong những thị trường thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong giai đoạn 2020 - 2025 với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng trên 30%”, TS. Nguyễn Trần Hưng nói.
Cụ thể, thị trường đã ghi nhận sự tham gia sâu hơn, rộng hơn và ganh đua mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài tham gia vào thị trường TMĐT Việt Nam như SBI Holdings của Nhật Bản rót thêm vào Sendo 51 triệu USD đầu năm 2018, Alibaba đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada Đông Nam Á và SEA tăng thêm 1.200 tỷ đồng tương đương 50 triệu USD vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam.
Đặc biệt, theo Báo cáo e-Conomy Southeast Asia 2019 do Google, Temasek cùng với đối tác Bain & Company thực hiện, Việt Nam và Indonesia là 2 thị trường có sự tăng trưởng đột phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng vượt mức 40%/năm. Trong năm 2019, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỷ USD và dự báo có triển vọng bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025.
Góp phần vào kết quả chung của thị trường thương mại điện tử cũng bao gồm nhiều bước tiến về công nghệ trong lĩnh vực thanh toán số, truyền thông thương hiệu tích hợp, xu hướng ứng dụng công nghệ maketing trong mô hình bán lẻ trực tuyến và các giải pháp phát hiện người bán hàng gian lận trong thị trường trực tuyến bằng phương pháp học máy SVM…
Đơn cử, trong lĩnh vực thanh toán, TS. Đặng Hương Giang cho rằng, sự bựng nổ và lan toả của khoa học công nghệ, sự thay đổi trong xu hướng sản xuất và tiêu dùng và đòi hỏi từ chính sự sống còn của ngay bản thân ngân hàng đã làm cho quá trình tiến tới ngân hàng số của các ngân hàng thêm mạnh mẽ hơn trước.
Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Trường Phi, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Maxbuy cho biết, việc tự động hoá quy trình bán hàng tạo ra cơ hội bán hàng hoặc nuôi dưỡng cơ hội bán hàng mới, tăng trải nghiệm của khách hàng đối với doanh nghiệp trên môi trường số; giảm thiểu sự phụ thuộc về chi phí cũng như việc mang về khách hàng mới từ các kênh quảng cáo…
Toàn cảnh hội thảo |
Bên cạnh đó, TS. Lê Trung Hiếu, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã, đang trở thành những điều kiện rất tốt để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng kênh trực tuyến nhằm tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Đại dịch tạo đà và đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử của doanh nghiệp Việt Nam, khi khách hàng ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam không còn cách nào khác là buộc phải ngồi trước màn hình máy tính để tìm kiếm sản phẩm và thực hiện các giao dịch mua bán, thanh toán qua các thiết bị điện tử… Do đó, kỳ vọng thúc đẩy thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể phát triển nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới”, TS. Lê Trung Hiếu nhấn mạnh.
Vẫn còn nhiều thách thức
Mặc dù, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có sự phát triển khá nhanh và ấn tượng nhưng các nhà nghiên cứu cũng nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề còn tồn tại, cần giải quyết.
TS. Nguyễn Trần Hưng đã chỉ ra rằng niềm tin của người tiêu dùng với các giao dịch trực tuyến chưa cao khi hầu hết giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam chủ yếu sử dụng hình thức COD (thanh toán khi nhận hàng); thất thu thuế trong thương mại điện tử vẫn còn đang diễn ra; các vấn đề về hàng giả, hàng nhái, hàng kém phẩm chất, hàng hóa không đúng với mô tả của người bán và vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi tham gia các giao dịch mua sắm trực tuyến còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực cho thương mại điện tử ở nước ta hiện nay thực sự đang thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng…
Trước thực tế đó, TS. Ngô Tuấn Anh, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể, Chính phủ và doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng cho thương mại điện tử phát triển, hoàn thiện mô hình thanh toán thương mại điện tử, xây dựng hệ thống giám sát và quản lý hoạt động trên môi trường trực tuyến..., nhằm tận dụng tối đa những lợi ích mà thương mại điện tử đem lại trong việc quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để mở rộng mạng lưới kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có một chiến lược được hoạch định rõ ràng trong việc chống lại vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trên môi trường mạng, đảm bảo an ninh an toàn mạng. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền thực thi quyền sở hữu trí tuệ tới cộng đồng doanh nghiệp và người dân, phổ biến các cam kết và công ước quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do… Đặc biệt, cần có các chế tài xử phạt đủ sức răn đe đối với việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, an ninh an toàn trên môi trường mạng, có như vậy mới có thể thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững.