TP. Hồ Chí Minh: Đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng
Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, TP.HCM đặt ra mục tiêu mỗi người dân phải được đảm bảo nhu cầu nhà ở và dịch vụ công cộng; phát triển quỹ đất cây xanh trong các khu vực hiện hữu; môi trường không khí đảm bảo sức khỏe; người dân được tiếp cận với thực phẩm sạch giá rẻ, với nền nông nghiệp đô thị kỹ thuật cao.
Về mục tiêu đến năm 2040, TP.HCM hoàn thiện hệ thống hạ tầng kết nối vùng giữa TP.HCM và các địa phương lân cận cũng như kết nối giữa các khu vực khác nhau của TP.HCM; phát triển đô thị tích hợp với hệ thống giao thông công cộng (TOD), theo đó định hướng phát triển đô thị mật độ cao, kết hợp các chức năng khác nhau xung quanh các nhà ga giao thông công cộng sức chở lớn... Dự báo, đến năm 2040, TP.HCM có khoảng 13 - 14 triệu người (tầm nhìn đến năm 2060 là 16 triệu người). Quy mô đất đai xây dựng đô thị đến năm 2040 khoảng 100.000 - 110.000ha. TP.HCM rà soát tổng thể, dự báo các nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới và đề xuất một bản quy hoạch điều chỉnh mang tính khả thi cao, điều chỉnh việc sử dụng đất có hiệu quả hơn, tạo thêm dư địa phát triển từ giá trị đất và bảo đảm khả năng dự trữ cho tương lai.
Về tầm nhìn đến năm 2060, TP.HCM là thành phố đổi mới, sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn, trung tâm kinh tế tri thức và giao thương quốc tế của Việt Nam, trung tâm dịch vụ của châu Á - Thái Bình Dương, là thành phố có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn, có tính đa dạng văn hóa, bảo tồn di sản và cảnh quan sông nước, có hạ tầng đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, đối với quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, ông Nhã cho biết, phạm vi lập quy hoạch có diện tích khoảng 21.156ha, theo định hướng đô thị sáng tạo, tương tác cao, trở thành hạt nhân thực hiện cuộc CMCN 4.0 của TP.HCM dựa trên nền tảng phát triển kinh tế - xã hội - môi trường gắn liền với kinh tế tri thức, khoa học công nghệ và hợp tác phát triển. Về tính chất đô thị, TP.Thủ Đức hình thành và phát triển trên hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia, là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM. TP.Thủ Đức là trung tâm hạt nhân phát triển các hoạt động kinh tế tri thức, phát triển kinh tế sáng tạo… Hiện nay, dân số thường trú tại TP. Thủ Đức là hơn 1 triệu người. Dự báo đến năm 2030, dân số cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người; đạt từ 1,9-2,2 triệu người vào năm 2040; đạt mức 3 triệu người vào năm 2060.
Góp ý về hạ tầng xã hội TP. Thủ Đức, đại biểu HĐND Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, dù được quy hoạch là Khu đô thị sáng tạo hiện đại, nhưng nền tảng văn hóa nơi đây vẫn chưa thực sự tiệm cận với văn hóa đô thị hiện đại. Trong khi đó, báo cáo điều chỉnh quy hoạch lần này chưa thấy đề cập mục tiêu cụ thể về văn hóa cho khu vực TP. Thủ Đức.
Trước đó, góp ý về quy hoạch TP.HCM, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, phải đặt trong bối cảnh quan hệ với ĐBSCL, các tỉnh Đông Nam bộ… Thực tế hiện nay cho thấy, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là những cực tăng trưởng đối trọng với TP.HCM; tốc độ phát triển dự án bất động sản hay thu hút vốn FDI những địa phương này tăng rất nhanh. TP.HCM cơ cấu kinh tế là thương mại - dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp, đặc biệt phải xác định nông nghiệp sẽ phát triển như thế nào... Do đó, thành phố phải tính đến nguồn lực, đề án cần dành một phần để nói về TP.HCM hiện nay khi lợi thế về đất đai, lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, lợi thế cạnh tranh không còn nhiều.
Lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định các định hướng, chủ trương quan trọng của TP.HCM trong quy hoạch là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành dịch vụ; Phát triển TP.HCM thành đô thị thông minh; phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP.HCM - là nền tảng hình thành TP. Thủ Đức; phát triển Khu đô thị biển Cần Giờ; xây dựng 4 huyện ngoại thành phát triển thành quận.
Trong tờ trình gửi UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP.HCM, Sở Nội vụ TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chuyển 3 huyện: Nhà Bè, Hóc Môn và Bình Chánh; trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai ở 2 huyện còn lại là Cần Giờ và Củ Chi. |