TP. Hồ Chí Minh: Nguồn cung biệt thự và nhà phố khan hiếm
Hà Nội: Lượng mở bán căn hộ trong quý thấp kỷ lục | |
Bất động sản ‘đứng hình’ vì Covid-19 | |
Doanh nghiệp bất động sản lạc quan giữa khó khăn? |
Nguồn cung sơ cấp khan hiếm
Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu - Tư vấn, Savills TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn cung sơ cấp quý I/2020 tại TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 1.200 căn, tăng 46% theo quý nhưng giảm 6% theo năm.
Sự tăng trưởng chủ yếu nhờ đóng góp của hai dự án lớn: Zeitgeist - River County 1 mở bán tháng 1 và Verosa Park mở bán vào đầu tháng 2. Bốn trên năm dự án gia nhập thị trường trong quý vừa qua là trước thời điểm cách ly xã hội.
Do dịch Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã buộc phải dừng thi công và có thể trì hoãn việc mở bán vào 6 tháng cuối năm 2020.
Ba quận dẫn đầu là Quận 2, 9 và Nhà Bè với 72% nguồn cung sơ cấp, tập trung ở các dự án phức hợp của các chủ đầu tư lớn và uy tín.
Cũng theo Savills TP. Hồ Chí Minh, lượng giao dịch trong quý I đạt 500 căn, tăng 103% theo quý nhưng giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ năm 2019. Nhà ở liền thổ vẫn được xem là kênh đầu tư dài hạn với tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với chứng khoán hoặc lãi suất ngân hàng.
Nhà đầu tư có xu hướng thận trọng hơn khi mức độ không chắc chắn của thị trường ngày càng tăng. Tuy nhiên, một số ít vẫn tìm kiếm cơ hội đầu tư lâu dài ở các sản phẩm tốt. 65% tổng lượng giao dịch của thị trường đến từ đợt mở bán mới các dự án phức hợp của GS E&C và Khang Điền.
Dòng tiền bị thắt chặt đã thúc đẩy các chủ đầu tư giảm giá và kéo dài thời hạn thanh toán. Tuy nhiên, sự vắng bóng các dự án lớn khiến doanh thu và tỷ lệ hấp thụ của thị trường đất nền quý I/2020 giảm đến mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Nguyên do là các khách hàng ngại rủi ro thường chuộng đầu tư ở các dự án lớn với tính thanh khoản cao.
Tuy nhiên, theo bà Trang: “Nguồn cung khan hiếm cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu và các sản phẩm cao cấp sẽ duy trì tiềm năng của thị trường trong trung hạn”.
Cạnh tranh từ các thị trường vùng ven
Cũng theo bà Trang, do nguồn cung mới khan hiếm và lượng hàng tồn kho giá cao, thị trường nhà ở TP.Hồ Chí Minh ngày càng cạnh tranh với các đô thị vệ tinh như Đồng Nai, Bình Dương với quỹ đất lớn và giá cả phải chăng hơn. Nguồn cung tương lai hơn 16.200 căn từ hai tỉnh này kỳ vọng sẽ đáp ứng một phần nhu cầu nhà ở và đầu tư của người mua đến TP. Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh nhà đầu tư hướng đến các cơ hội đầu tư khác với giá thấp và tiềm năng tăng trưởng dài hạn, việc cơ sở hạ tầng kết nối thành phố với các tỉnh lân cận ngày càng phát triển và thuận tiện như các dự án đường vành đai, hệ thống cầu nối TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai và cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ góp phần thúc đẩy mật độ dân cư ở các đô thị vệ tinh.
Về triển vọng tương lai, bất động sản đươc dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong ngắn hạn. Tiến độ nhiều dự án sẽ kéo dài do trì trệ ở khâu giải phóng mặt bằng và xây dựng. Tuy nhiên, trong dài hạn, cùng với tốc độ tăng nhanh dân số và quy mô hộ gia đình ngày càng giảm, nhu cầu nhà ở vẫn trên đà tăng trưởng. Khách hàng đầu tư trong giai đoạn này sẽ nhiều cơ hội để mua bất động sản với giá hợp lý kèm theo các chương trình khuyến mãi của chủ đầu tư.
“Đến năm 2023, thị trường sẽ đón hơn 19.000 sản phẩm mới, trong đó 50% là ở các quận phía Đông. Biệt thư/Nhà phố được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu với 88% nguồn cung tương lai”, bà Võ Thị Khánh Trang cho hay.