TP.HCM: Doanh nghiệp “đau đầu” khi xây dựng nhà ở xã hội
Thêm 9 dự án nhà ở xã hội được vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% | |
Chuyện doanh nghiệp xây nhà ở xã hội | |
Tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người dân |
Tiềm năng thị trường rất lớn
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế TP.HCM, thành phố hiện có 285.000 công nhân tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng chỉ có 15% được thuê chỗ ở tại các nhà lưu trú công nhân (chưa bao gồm 95.000 công nhân các cụm công nghiệp). Bên cạnh đó, trong số khoảng 3 triệu người nhập cư thì chủ yếu là công nhân lao động và phần lớn muốn thuê nhà ở xã hội, hoặc phòng trọ. Chưa hết, hiện TP.HCM có 122.111 công chức, viên chức, nhưng mới chỉ có hơn 5.000 cán bộ được hỗ trợ vay ưu đãi với lãi suất 4,7%/năm trong 20 năm để mua nhà.
Điều đáng nói, mặc dù nhu cầu về nhà ở, phòng trọ tại TP.HCM là vô cùng bức thiết, nhưng đến nay, vẫn là “cung không đủ cầu”. Thực tế, tại thành phố có khoảng 60.470 cơ sở nhà trọ của cá nhân, hộ gia đình với 560.219 phòng trọ đã giải quyết chỗ ở cho khoảng 1,4 triệu công nhân lao động thuê phòng trọ với giá thuê khoảng 800 nghìn cho đến 1,5 triệu đồng/tháng (chiếm đến khoảng 20% thu nhập của công nhân lao động).
Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố, có đến khoảng 56,8% công nhân lao động có thu nhập rất thấp và trên 60% công nhân lao động nhập cư chỉ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, phòng trọ để sau một thời gian 10-15 năm làm việc tích lũy được một số vốn rồi trở về quê.
Còn nhiều khó khăn trong xây dựng nhà ở xã hội cần được giải quyết sớm. |
Về phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2020, cả nước đạt 41% kế hoạch. Riêng TP.HCM giai đoạn 2016-2020 xây dựng được 15.000 căn nhà ở xã hội đạt 75% kế hoạch, nhưng kết quả này chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội và nhà lưu trú công nhân vốn rất lớn của xã hội.
Quá nhiều vướng mắc
Nguyên nhân chính của những vấn đề trên vẫn là từ những vướng mắc của doanh nghiệp, của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đang tồn tại nhiều năm nay chưa được tháo gỡ. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho biết, điều làm “đau đầu” các doanh nghiệp khi tham gia xây dựng nhà ở xã hội chính là quy trình thủ tục đầu tư rất rắc rối, nhiêu khê.
Điển hình là quy định cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần” theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền không dám phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án nhà ở xã hội do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Điều này dẫn đến hồ sơ không được giải quyết kịp thời do phải chờ đợi thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, rất nhiêu khê.
“Ngoài ra, đến nay, dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Điều 58 Luật Nhà ở 2014 và Điều 9 Nghị định 100/2015/NĐ-CP; Tổng cục Thuế đã có Văn bản số 4216 trả lời chỉ cho giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án nhà ở xã hội. Hơn nữa, người có nhu cầu cũng rất khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi khiến cho doanh nghiệp không mặn mà bỏ vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội” - ông Nghĩa chia sẻ thêm
Trước mắt cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân hiện đang rất rắc rối, nhiêu khê để động viên doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội. |
Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, để mục tiêu phát triển nhà ở xã hội có thể đạt được, trước tiên cần tháo bỏ những “nút thắt” liên quan đến quy định luật pháp.
Cụ thể, cần sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện.
Ngoài ra, do ngân sách nhà nước có hạn nên nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hóa để doanh nghiệp tư nhân thực hiện và có chính sách ưu đãi thực chất để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.
Hiện nay tại nhiều dự án, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại quy mô dưới 10ha có thể được nộp vào ngân sách nhà nước giá trị quỹ đất 20% bằng tiền, và có quy định chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất trên toàn bộ diện tích đất dự án thì được xem là đã hoàn thành nghĩa vụ về nhà ở xã hội dẫn đến thất thu ngân sách nhà nước để phát triển nhà ở xã hội (quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2015/NĐ-CP trước khi được sửa đổi, bổ sung).
Chính vì vậy, nên quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án; hoặc được hoán đổi quỹ đất 20% nhà ở xã hội của dự án nhà ở thương mại bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc đảm bảo giá trị tương đương. Đồng thời, bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở giá phù hợp thu nhập của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng 1/2 mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.
Theo các chuyên gia, trước mắt cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân hiện đang rất rắc rối, nhiêu khê để động viên doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội. Còn về lâu dài, để chương trình phát triển nhà ở xã hội đi vào chiều sâu và đạt kết quả tốt, cần bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn “vốn mồi” thực hiện chính sách nhà ở an dân.