TP.HCM: Quy hoạch khu công nghiệp công nghệ cao mới
Trong quá trình thực hiện, UBND TP.HCM sẽ lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Ảnh minh họa |
Theo tờ trình của UBND TP.HCM, để tạo điều kiện thuận lợi trong chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay, trong đó có kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng khu công nghiệp mới (380ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, nên UBND TP.HCM nhận thấy cần thiết phải lập quy hoạch phân khu khu công nghiệp này trước. Vì nếu phải chờ cho tới khi có Quy hoạch TP.HCM (Quy hoạch tỉnh) được duyệt (như ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì sẽ rất lâu.
Tương tự, công tác lập điều chỉnh đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM cũng đang triển khai (trong giai đoạn đấu thầu lựa chọn tư vấn để rà soát, đánh giá lại quy hoạch), do đó việc tiến hành cũng đòi hỏi cần có thời gian và lộ trình thực hiện theo quy định.
Theo UBND TP.HCM, khu đất (380ha) nằm trong tổng thể toàn khu 668ha được Thủ tướng Chính phủ châp thuận chuyển đổi sang đất công nghiệp (theo Nghị quyết số 80/2018/NQ và kế hoạch kỳ cuối 2016-2020). Toàn bộ khu 668ha dự kiến sẽ hình thành một khu công nghiệp tập trung để thay thế cho 3 khu công nghiệp (khoảng 675ha) đã kiến nghị xóa bó trước đây gồm các khu: Bàu Đưng (200ha), Phước Hiệp (175ha) tại huyện Củ Chi và khu Xuân Thới Thượng (300ha) tại huyện Hóc Môn. Việc chuyển đổi và thay thế này cũng là đê đảm bảo tống diện tích đất công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phân khai cho TP.HCM từ năm 2004.
Bên cạnh đó, khu 380ha còn gần với các khu công nghiệp hiện có như khu công nghiệp Vĩnh Lộc, khu công nghiệp Phạm Văn Hai,... có thể hình thành được một khu công nghiệp tập trung có tính liên kết về nghiên cứu, sản xuất, thương mại, phân phối và lưu thông hàng hóa thuận lợi...
Khi chuyển đổi thành khu công nghiệp cho doanh nghiệp khởi nghiệp với tính chất phù hợp, có hàm lượng chất xám cao (thu hút người lao động và quản lý có trình độ) gắn với các dịch vụ đô thị, thương mại, logistics và công nghiệp phụ trợ, không gây ô nhiễm môi trường sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sử dụng đất như hiện nay.
Khu công nghiệp mới thuận lợi về kết nối giao thông, hạ tầng, vị trí khu vực tiếp cận được các đường giao thông chính như Quốc lộ 1A, đường Cao tốc TP.HCM - Trung Lương, trục Vành đai 3 cắt ngang khu đất và tuyến đường Tây Bắc nối TP.HCM với tỉnh Long An (theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt).
Dự kiến khu công nghiệp mới được xây dựng là khu công nghiệp có chất lượng và có tính cạnh tranh cao, phù họp với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Khu công nghiệpcó tính chất chuyên biệt để ưu tiên cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, vừa để phát triển nghiên cứu, hỗ trợ, sáng tạo, phục vụ cho nhu cầu khởi nghiệp, vừa để sản xuất.