Trung tâm thương mại - Miền đất hứa của các thương hiệu
Trung tâm thương mại đang trở thành điểm đến lý tưởng để các thương hiệu xa xỉ |
Doanh nghiệp hiện nay có nhiều lựa chọn mặt bằng bán lẻ, từ trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, trung tâm bách hóa đến shophouse (nhà phố). Trong đó, trung tâm mua sắm là mô hình chiếm ưu thế. Ví dụ tại thị trường Hà Nội, tính đến quý III/2024, trung tâm mua sắm chiếm 63% tỷ trọng nguồn cung.
Vị trí đắc địa là yếu tố hàng đầu thu hút khách thuê vào các trung tâm thương mại. Theo bà Trịnh Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Bộ phận Cho thuê Thương mại của Savills Hà Nội, khả năng kết nối thuận tiện đến các khu dân cư, văn phòng và tiện ích xung quanh là yếu tố quyết định. Các trung tâm thương mại tọa lạc tại các khu vực đông dân thường sở hữu lượng khách hàng tiềm năng lớn.
Điều này được minh chứng rõ nét qua thành công của các dự án như Lotte Mall West Lake Hanoi và Hinode City Mall. Cụ thể, Lotte Mall West Lake Hanoi, nằm tại trung tâm kinh tế mới của Hà Nội, thu hút khách hàng nhờ vị trí đắc địa gần hồ Tây và các khu dân cư lớn. Trong khi đó, Hinode City Mall, tọa lạc tại quận Hai Bà Trưng, được nhiều thương hiệu lớn quan tâm nhờ khả năng kết nối thuận tiện đến các trường đại học, bệnh viện và các khu vực khác trong thành phố.
Sự thành công của một trung tâm thương mại không chỉ phụ thuộc vào vị trí đắc địa mà còn nằm ở chiến lược kinh doanh thông minh. Việc sắp xếp hợp lý các loại hình dịch vụ, tạo nên một hệ sinh thái mua sắm, ẩm thực và giải trí trọn vẹn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Mô hình "all-in-one" của các trung tâm thương mại lớn nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Các thương hiệu "cánh chim đầu đàn" như siêu thị, rạp chiếu phim, cùng với sự đa dạng của các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, tạo nên sức hút không thể chối từ. Khu vực ẩm thực, giải trí không chỉ phục vụ nhu cầu cơ bản mà còn mang đến những trải nghiệm thú vị, kéo dài thời gian lưu trú của khách hàng.
Bên cạnh đó, hiệu quả vận hành cũng đóng vai trò quyết định. Các trung tâm thương mại hiện đại thường được quản lý bởi các đơn vị chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho khách hàng. Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, các tiêu chuẩn về an toàn phòng cháy chữa cháy ngày càng được siết chặt, khiến trung tâm thương mại trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều thương hiệu.
Để duy trì sức hút và thu hút khách hàng, các trung tâm thương mại không ngừng đầu tư vào hoạt động marketing và truyền thông. Điều này không chỉ giúp các thương hiệu đối tác tăng doanh thu mà còn củng cố vị thế của trung tâm thương mại trên thị trường.
Việt Nam hiện là một trong những thị trường F&B hấp dẫn nhất thế giới (theo Euromonitor International). Mô hình “all-in-one” của các trung tâm thương mại đã tạo ra một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho các thương hiệu F&B. Với sự đa dạng về ẩm thực, từ fast food đến nhà hàng cao cấp, trung tâm thương mại đã trở thành điểm đến lý tưởng để khách hàng thư giãn và thưởng thức sau những giờ mua sắm. Chính vì vậy, mô hình này ngày càng được ưa chuộng bởi các thương hiệu F&B.
Bên cạnh F&B, ngành mỹ phẩm, đặc biệt là phân khúc cao cấp, cũng đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ tại các trung tâm thương mại Việt Nam. Theo EuroMonitor International, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam dự kiến đạt 3,5 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng trung bình 6%/năm. Điều này cho thấy tiềm năng lớn của thị trường này.
Bà Trịnh Huỳnh Mai cho hay, sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu tại Việt Nam đã tạo ra một thị trường tiêu dùng hàng hiệu vô cùng sôi động. Các trung tâm thương mại đang trở thành điểm đến lý tưởng để các thương hiệu xa xỉ tiếp cận nhóm khách hàng này. Xu hướng tiêu dùng hàng hiệu tại chỗ ngày càng tăng, thay thế cho việc mua sắm ở nước ngoài như trước đây.