WB: Việt Nam nên đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
WB khuyến nghị, Chính phủ nên xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. |
Tăng trưởng thấp do xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo thu hẹp.
Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2023 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố cho biết, tốc độ tăng trưởng thấp của Việt Nam trong quý I phần lớn là do sự thu hẹp của ngành công nghiệp (-0,4% so với cùng kỳ). Sự suy giảm trong ngành công nghiệp phản ánh mức giảm 11,8% trong xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy yếu.
Trong quý I/2023, các ngành dịch vụ tăng trưởng 6,8% và đóng góp 2,9 điểm % vào GDP. Nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá ổn định ở mức 2,5% - và đóng góp 0,3 điểm % vào tăng trưởng GDP trong quý I/2023.
Bất chấp sự sụt giảm chung trong quý I/2023, sản xuất công nghiệp đã có những dấu hiệu cải thiện tạm thời trong tháng 3/2023. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IPI) quý I/2023 thấp hơn 1,6% so với quý I/2022. Tuy nhiên, IPI đã được cải thiện vào tháng 3/2023, tăng 9,4% (so với tháng trước), đối lập với mức giảm mạnh vào tháng 1 (-22,7% so với tháng trước, một phần do nghỉ Tết) và mức tăng trưởng yếu (3,5% so với tháng trước) vào tháng 2.
Một điểm sáng được WB ghi nhận là hầu hết các ngành và phân ngành công nghiệp đều ghi nhận mức tăng trưởng (so cùng kỳ tháng) trong tháng 3/2023 đặc biệt là ngành khai khoáng, dệt may, sản xuất kim loại và sản xuất phương tiện vận tải. Sản xuất các sản phẩm điện tử và nội thất là hai trường hợp ngoại lệ, giảm lần lượt 13% và 21,7% (so với cùng kỳ) vào tháng 3/2023.
Sự sụt giảm này phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu điện thoại thông minh (-42% so với cùng kỳ), máy tính và các sản phẩm thiết bị điện tử khác (-11% so với cùng kỳ) và đồ nội thất (-22,8% so với cùng kỳ). Triển vọng phục hồi của lĩnh vực sản xuất vẫn không chắc chắn khi Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) quay trở lại vùng thu hẹp (47,7) vào tháng 3 sau đợt phục hồi ngắn vào tháng 2 trên mốc 50 (51,2).
Cũng theo WB, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 1,9% (tháng/tháng) và 13,4% (so cùng kỳ) vào tháng 3/2023. Đây là tháng thứ 13 liên tiếp doanh số bán lẻ ghi nhận mức tăng hai con số so với cùng kỳ, phần lớn là do yếu tố nền (điểm so sánh) thấp liên quan đến các đợt phong tỏa do COVID-19 trong quý III/2021.
Doanh thu bán lẻ tiếp tục tăng mạnh. Đơn vị: %. Nguồn : WB |
Bên cạnh đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng vững chắc, tăng 11,3% so với cùng kỳ trong tháng 3. Mặc dù chỉ đóng góp khoảng 20% tổng doanh số bán lẻ, doanh số bán hàng của các ngành dịch vụ đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 3 năm 2023, với doanh thu của cơ sở lưu trú và ăn uống tăng 25,5% (so với cùng kỳ) và doanh thu của dịch vụ lữ hành tăng 113,9% (so với cùng kỳ). Lượng khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt trong quý I/2023, so với 91 nghìn lượt quý I/2022.
Trong khi đó, xuất khẩu và nhập khẩu giảm lần lượt là 11,8% (so cùng kỳ) và 14,6% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023. Điều này phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu ở một số tiểu ngành chính: điện tử, máy móc, dệt may, giày dép và các sản phẩm đầu vào nhập khẩu liên quan.Ngoài ra, sự sụt giảm vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong năm 2022 tiếp tục diễn ra trong quý I/2023 (-40% so với cùng kỳ) trong bối cảnh bất định toàn cầu ở mức cao, phản ánh tác động của những bất định đến triển vọng kinh tế toàn cầu và việc thắt chặt chính sách điều kiện tài chính ở các nền kinh tế phát triển. Giải ngân vốn FDI (hay tình hình thực hiện các cam kết FDI) bắt đầu chậm lại trong quý I/2023.
Báo cáo cho rằng, tăng trưởng tín dụng giảm tốc từ 14,17% (so với cùng kỳ) trong quý IV/2022 xuống 9,5% (so với cùng kỳ) trong quý I/2023 – mức thấp nhất kể từ năm 2020. Điều này phản ánh sự chậm lại trong hoạt động kinh tế (đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và bất động sản).
Để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN đã quyết định cắt giảm lãi suất chính sách 100 điểm cơ bản vào giữa tháng 3/2023 và thêm 50 điểm cơ bản vào cuối tháng. Theo đó, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, qua đó giúp nới lỏng các điều kiện tài chính trong nước.
WB đánh giá, tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý 1/2023 do xuất khẩu sản phẩm chế tạo giảm mạnh, vì vậy cần được theo dõi chặt chẽ. Nếu nhu cầu trong nước và bên ngoài vẫn tiếp tục yếu, chính phủ nên xem xét hỗ trợ tổng cầu thông qua đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Dự kiến tăng giá điện và tiền lương khu vực công trong những tháng tới có thể gây áp lực lên lạm phát. Khả năng Mỹ tiếp tục thắt chặt tài chính để kiểm soát lạm phát có thể ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá, nhất là khi NHNN vừa giảm một số lãinsuất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
“Việc giám sát chặt chẽ khu vực tài chính là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục có nhiều bất ổn và nền kinh tế trong nước đang chậm lại, bao gồm cả sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 20% khoản vay của khu vực tài chính.’ - WB khuyến nghị.