Xây dựng hệ sinh thái riêng cho kinh tế tập thể
Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Đổi mới hoạt động kinh tế tập thể | |
Diễn đàn kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ được tổ chức vào ngày 11/12 | |
Đến năm 2025 thành lập mới 10.000 tổ chức kinh tế tập thể |
Trụ đỡ ứng phó biến đổi khí hậu và khủng hoảng
Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam tổ chức đã diễn ra sáng 11/12 tại Hà Nội với sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương điểm ra 2 vấn đề lớn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế đó là biến đổi khí hậu và độ mở nền kinh tế cao khiến Việt Nam dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam là một điểm sáng hiếm hoi trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19, mà một trong những động lực chính là KTTT với nòng cốt là HTX.
Ảnh minh họa |
Nói rõ thêm KTTT tạo sức mạnh tập thể trong cạnh tranh và ứng phó với biến đổi khí hậu với các cú sốc bên ngoài như đại dịch Covid-19 vừa qua, ông Tú Anh cho biết, các HTX có vai trò qua trọng trong việc tổ chức nâng cao nhận thức cho các thành viên thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới sản xuất xanh, góp phần giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc sử dụng tiết kiệm nguồn nguyên liệu hiện có, tham gia bảo vệ phát triển rừng; đồng thời có chính sách bảo hiểm, hỗ trợ đối tượng tổn thương cao khi có khủng hoảng. Từ đó ông khẳng định KTTT là sự bổ sung cho công cụ khắc phục những yếu kém thị trường với việc liên minh cùng nhau phát triển như liên minh tiêu dùng, sản xuất, marketing...
Trưởng đại diện Agriterra Việt Nam Harm Haverkort cũng chỉ ra hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức như phải sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm hơn đáp ứng nhu cầu dân số tăng cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt với một quốc gia chịu ảnh hướng lớn từ biến đổi khí hậu như Việt Nam, “để ứng phó với thực tế này, các cơ quan quản lý cần có kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế với một chủ đề bao trùm là ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo sự thống nhất hành động của các bên. Trong đó HTX có thể đóng vai trò quan trọng thông qua việc tự tăng cường khả năng chống chịu, áp dụng tập quán sản xuất bền vững, và giảm thải khí nhà kính”, vị chuyên gia này khuyến nghị.
Kinh nghiệm mà ông chia sẻ tại Hà Lan cho thấy chỉ với một Dutch Lady áp dụng mô hình HTX thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu đã giúp nước này giảm tới 40% khí phát thải toàn ngành nông nghiệp khi sản xuất sữa áp dụng nhiều biện pháp giảm phát thải như phân hủy sinh học, tuabin gió, năng lượng mặt trời, trồng rừng quanh nông trại, giảm thải khí mê tan như cung cấp thêm tảo biển trong thành phần sản phẩm sữa, thay đổi thức ăn cho bò.
Liên kết, hợp tác là tất yếu
Số liệu từ Liên minh HTX Việt Nam cho thấy trong 5 năm qua, Liên minh đã chủ trì xây dựng 200 mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị đưa mô hình HTX sản xuất theo chuỗi giá trị lên 1500 mô hình. Các HTX này không chỉ có bước đột biến trong phát triển với doanh thu tăng mà hơn thế góp phần tăng thu nhập cho các thành viên từ 5-10%.
Liên kết hợp tác đang trở thành xu hướng tất yếu với nhiều mô hình mới. Như riêng lĩnh vực nông nghiệp, hiện số HTX nông nghiệp có thành viên là DN đã tăng từ 300 HTX trước 2015 lên 2.217 HTX năm 2020. Đặc biệt gần đây xuất kiện mô hình mới sáng tạo HTX trong HTX. Thành viên pháp nhân của HTX không chỉ là DN mà còn có cả HTX này là thành viên của HTX, bước đầu khắc phục một phần hạn chế nhỏ lẻ manh mún của các HTX hiện hành.
Vấn đề cần có những đầu tàu kết nối và kéo các HTX phát triển thêm một lần nữa được minh chứng thông qua chia sẻ của Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòng trong việc hỗ trợ 2 loại hình HTX làm lúa và rau màu. Theo đó, tập đoàn ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với DN rồi dựa trên tiêu chí này đặt hàng HTX sản xuất theo yêu cầu của đơn hàng. Bên cạnh đó Lộc Trời còn cùng bà con tổ chức sản xuất lại, tác động vào chất lượng hàng hóa thông qua quá trình quản lý chuyển giao kỹ thuật. Với những HTX khó về vốn, Lộc Trời đóng vai trò kết nối, bảo lãnh để ngân hàng cho vay. Cách thức thay đổi hệ sinh thái này đã làm thay đổi cách hành xử giữa DN đặt hàng với nông dân và HTX trong mối quan hệ cộng sinh mà HTX là hạt nhân hệ sinh thái là cầu nối với DN.
Tại diễn đàn, các nhà quản lý và các chuyên gia đều chung nhận định, mô hình KTTT là xu hướng tất yếu của những nền kinh tế thị trường phát triển, giúp khắc phục hạn chế sản xuất cá thể đặc biệt khu vực nông thôn, giúp họ liên kết tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Các diễn giả cũng đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy mô hình KTTT, HTX phát triển…
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, chúng ta phải phát triển KTTT nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền. Đặc biệt, cần tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các hiệp hội, liên hiệp HTX. Phát triển KTTT theo hướng gắn sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng cộng đồng thân thiện, văn minh, nhất là ở khu vực nông thôn.
Cho rằng phải phát triển KTTT phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xu hướng phát triển và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình, nhanh chóng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để khuyến khích, hỗ trợ KTTT, HTX phát triển nhằm hướng đến mục tiêu 5 năm tới thành lập mới 10.000 tổ chức KTTT; thu hút khoảng 8 triệu thành viên tham gia, xây dựng 3.000 mô hình tổ chức KTTT ứng dụng công nghệ cao, có sản phẩm gắn với chuỗi giá trị, phát triển bền vững…