Xuất khẩu nỗ lực chạy nước rút cuối năm
Đưa sản phẩm Việt vào thị trường xuất khẩu mới | |
2 năm thực thi EVFTA: Xuất khẩu phát huy tốt nhưng vẫn cần lưu ý | |
Khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới |
Nỗ lực tìm kiếm thị trường, xoay chuyển đơn hàng
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%, chiếm 74,1%.
Trong 9 tháng năm nay, có 32 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm gần 2/3 tổng kim ngạch. Có thể nói, đà tăng trưởng xuất khẩu của 9 tháng năm nay duy trì được ở mức hai con số là nhờ 6 mặt hàng này vẫn giữ được mức tăng tương ứng. Cụ thể, điện thoại và linh kiện tăng 10,7%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 13,3%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 29,8%; dệt may tăng 24,3%; giày dép tăng 36,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 10%.
Nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn |
Mặc dù kinh tế thế giới chưa hết ảm đạm, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, khiến nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng thế giới sẽ “thắt lưng buộc bụng” ngày càng chặt. Song trên thực tế, xu hướng này vẫn chưa ảnh hưởng quá tiêu cực tới các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Công ty Chứng khoán VNDirect và Ngân hàng HSBC nhận định, xu hướng tích cực được duy trì là nhờ nhiều đơn hàng sản xuất dịch chuyển về Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc theo đuổi chính sách chống dịch cứng rắn. Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam cũng tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để mở rộng thị trường tiềm năng cho các ngành hàng xuất khẩu.
Nhờ tận dụng tốt yếu tố thuận lợi trong bối cảnh chung bất lợi, một số ngành hàng đã có sự ứng biến tốt. Điển hình là ngành xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ. Trong tháng 6, 7/2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này giảm liên tiếp sau khi tăng nhẹ 5 tháng đầu năm. Tính chung 7 tháng, xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Vào thời điểm đó, đã dấy lên khá nhiều dự báo xấu về triển vọng xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ cả năm 2022. Tuy nhiên, sang tháng 8/2022 những dấu hiệu tươi sáng đã le lói trở lại và kết thúc 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này nhảy lên mức tăng trưởng 10%, nằm ngoài mong đợi.
Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp lý giải, để lội ngược dòng như vậy, các doanh nghiệp ngành xuất khẩu gỗ đã linh hoạt chuyển đổi nhóm hàng và thị trường. Cụ thể, kim ngạch sụt giảm trong giai đoạn tháng 6, 7 do nhóm hàng chủ lực là đồ gỗ nội thất gặp khó tại thị trường Hoa Kỳ. Trước tình thế đó, các doanh nghiệp trong ngành đã xoay sang đẩy mạnh xuất khẩu dăm gỗ và viên nén vào các thị trường nhỏ hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhờ đó đã phần nào giải quyết được bài toán đơn hàng nhằm cầm cự trong giai đoạn khó khăn.
Xu hướng giảm tốc đã rõ nét hơn
Một số ngành khác thuộc nhóm nông, lâm, thuỷ sản đã nỗ lực vượt bậc để mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, qua đó góp phần giữ đà tăng trưởng xuất khẩu của cả nước. Tính chung 9 tháng năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,9 tỷ USD, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, và cao hơn cả giá trị xuất siêu tổng thể của tất cả các nhóm ngành.
Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu, châu Mỹ, Bộ Công thương đánh giá, sau ba năm đi vào thực thi, Hiệp định EVFTA đã tạo ra cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam sang 27 nước thành viên EU. Trong đó, nhóm ngành nông, lâm, thuỷ sản đã tận dụng tốt các ưu đãi của EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng ở mức rất cao, như cà phê tăng 54,4%; thủy sản tăng 41,9%; rau quả tăng 18%; hồ tiêu tăng 25%; gạo tăng 22,2%... Nhờ đẩy mạnh khai thác thị trường và đa dạng hoá mặt hàng xuất khẩu, nên xuất siêu sang EU trong 9 tháng ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng tới 48,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận định về sức cầu hàng hóa tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong quý cuối năm 2022, Bộ Công thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng ở những thị trường là đối tác lớn của Việt Nam tuy chậm lại nhưng chưa giảm mạnh. Bởi, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới vẫn sẽ gia tăng dịp cuối năm. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cũng chung dự báo này. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về đơn đặt hàng xuất khẩu, xu hướng quý IV/2022 so với quý III/2022, có 37,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng mới; 44,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định; chỉ có 18% dự kiến giảm.
Nằm trong nhóm ngành đã chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản giảm tốc của xuất khẩu, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, nếu trong 8 tháng đầu năm bình quân ngành này có thể xuất được 3,7-3,8 tỷ USD/tháng, thì dự kiến bình quân 4 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1-3,2 tỷ USD. “Đối thủ” lớn nhất đối với ngành dệt may vào thời điểm này chính là hàng hóa tồn kho tại các thị trường xuất khẩu chủ lực đang ở mức rất cao. “Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021, nhưng giá hàng dệt may lại giảm 9%, cho thấy tồn kho tăng rất cao”, ông Trường nhấn mạnh.
Nhìn chung, xu hướng giảm tốc của xuất khẩu hàng hoá đã trở nên rõ nét hơn, thể hiện ở kim ngạch tháng 9/2022 giảm 14,3% so với tháng trước; quý III/2022 cũng giảm nhẹ 0,5% so với quý trước. Một số cơ quan, tổ chức dự báo xuất siêu năm nay có thể duy trì ở mức 4-8 tỷ USD; riêng Bộ Công thương đặt ra kịch bản thặng dư 1 tỷ USD. Diễn biến thực tế đã cho thấy việc duy trì cán cân thương mại thặng dư là một trong những yếu tố hỗ trợ tích cực cho việc điều hành chính sách vĩ mô và cần được chú trọng trong thời gian tới.