Ba biến số quan trọng và thế lưỡng nan
Nợ công: Vẫn đảm bảo chi trả đầy đủ, đúng hạn | |
Xây dựng thể chế quản lý nợ công đủ mạnh |
Hồi tuần trước, Bộ Tài chính đã công bố chính thức Bản tin Nợ công số 4, sau tới hơn một năm rưỡi so với thời điểm cơ quan này công bố Bản tin số 3 (cuối tháng 11/2014). Điều chỉnh nhẹ ở các chỉ tiêu chốt năm 2013 so với bản tin trước, cập nhật thêm con số ước cho năm 2014 là những điểm mới. Và dù niên độ tính toán không có sự cập nhật cho tới gần đây, ngay trong bối cảnh nợ công đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm hiện nay, nhưng hiển hiện trong Bản tin vừa phát đi vẫn là nhiều vấn đề đáng quan ngại.
Chậm tiến độ, không giải ngân được vốn làm giảm hiệu quả nợ vay |
Cho dù chỉ tiêu nợ công so với GDP suốt từ năm 2010 đến 2014 dao động nhiều, từ 56,3% năm 2010 xuống 50,8% năm 2012 để rồi lại đi lên 58% năm 2014, nhưng hai chuỗi số liệu đáng chú ý nhất trong Bản tin số 4 mới công bố chính là dư nợ Chính phủ và trả nợ trong kỳ.
Với dư nợ Chính phủ, đến năm 2014 con số này đã lên tới gần 86 tỷ USD, tăng xấp xỉ 83% so với năm 2010. Hay nói cách khác là mỗi năm trong giai đoạn này nợ Chính phủ tăng trung bình gần 21%. Nhưng trả nợ trong kỳ còn tăng đột biến hơn nữa. Đến năm 2014, con số này lên tới gần 12,3 tỷ USD, tăng hơn 161% so với năm 2010, hay tăng bình quân khoảng 40,3%/năm.
Đương nhiên, số liệu cập nhật hơn có thể sẽ còn rất khác. Chẳng hạn như một tham khảo sau đây, theo báo cáo nghiên cứu về nợ công của Trung tâm Nghiên cứu BIDV, đến cuối năm 2015 dư nợ công lên đến 2.608 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 115 tỷ USD - PV), gấp 1,9 lần so với cuối năm 2011.
Với dân số Việt Nam khoảng 93 triệu người, ước tính số nợ phải gánh tương đương khoảng 28 triệu đồng/người. Riêng về số tương đối, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, biến động khá mạnh so với tỷ lệ tương ứng cuối năm 2014 mới là 58% và đang áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội.
Dù cho rằng nợ công không quá quan trọng về tỷ lệ so với GDP, bởi tỷ lệ này nhỏ cũng chưa chắc đã an toàn, và ngược lại cao không hẳn đã quá rủi ro, nhưng PGS-TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cảnh báo có 3 biến số cần lưu ý đối với nợ công của Việt Nam hiện nay. Đó là: tốc độ tăng nợ đang cao lên rất nhanh, đặc biệt là vay trong nước; lãi suất tăng lên; thời hạn vay ngắn đi. Theo ông Thiên, chính các biến số nói trên mới chính là rủi ro của nợ công Việt Nam hiện nay.
Tham khảo tại Bản tin nợ công số 4, dư nợ nước ngoài của Chính phủ trong so sánh năm 2014 với 2010 có tốc độ tăng trên 36% thì con số tương ứng của dư nợ trong nước tăng tới hơn 52%. Từ chỗ nợ nước ngoài cao hơn nợ trong nước vào năm 2010, thì đến cuối năm 2014 nợ trong nước đã cao hơn hẳn. Nhưng đồng thời với nợ trong nước gia tăng thì lãi suất khoản vay cũng tăng theo và kỳ hạn trả nợ ngắn lại.
Bởi nếu như trước đây, nợ công hầu hết là nợ nước ngoài, với vốn vay ODA lãi suất khá ưu đãi. Nhưng từ năm 2010, khi Việt Nam bắt đầu gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình, nợ nước ngoài có mức độ ưu đãi giảm dần.
Trong khi đó, nợ trong nước tăng nhanh nhưng đa phần là nợ ngắn hạn từ 3-5 năm với lãi suất khá cao, chỉ trong mấy tháng gần đây mới đẩy được kỳ hạn trung bình của trái phiếu Chính phủ lên 6-8 năm.
Đồng thời với đó, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao. Chính vì thế, nợ công tiếp tục nằm trong thế lưỡng nan: phải tăng vay để bù đắp thâm hụt, nhưng vay thêm thì tiếp tục đẩy nợ lên cao và tăng áp lực trả nợ.
“Vấn đề không phải là hướng nợ vào trong nước, mà phải kiểm soát được nợ bằng cách cấu trúc lại chi tiêu ngân sách, tái cấu trúc đầu tư công”, ông Thiên nói. Quan điểm này cũng đã được Ngân hàng Thế giới chia sẻ. Theo tổ chức này, ICOR của Việt Nam trong giai đoạn 2001-2005 mới ở mức 4,88 thì giai đoạn 2006-2010 lên đến 6,96 và giai đoạn 2011 - 2014 ở mức 6,92.
Từ góc độ đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vấn đề chính đối với việc giảm áp lực nợ công hiện nay còn nằm ở bất cập chi tiêu công. Bởi nếu sử dụng hiệu quả nợ vay sẽ có khả năng trả được nợ, khi đó vay nhiều cũng không đáng ngại. Ngược lại, sử dụng không hiệu quả, lãng phí khiến nợ chồng lên nợ, trở thành một “mối nguy” ngày càng lớn.
“Không thể để lặp lại mãi tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn thấp thế này”, ông Trần Đình Thiên khuyến nghị thêm khi đề cập đến một góc độ khác của vấn đề. Bởi hiện còn có chuyện nợ đã vay và phải tính lãi trả, nhưng vẫn thường “đủng đỉnh” trong ngân khố quốc gia mà không thể giải ngân vào các dự án đầu tư hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.