Ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách
Ảnh minh họa |
Đại biểu Phạm Văn Tuân - Thái Bình và nhiều đại biểu cho rằng, quy hoạch là một trong những công cụ hữu hiệu để giúp các cấp, các ngành định hướng mục tiêu phát triển, xây dựng các chính sách, kế hoạch, chương trình làm căn cứ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và thực hiện những nhiệm vụ chính trị, cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược trong từng thời kỳ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và của từng địa phương, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Song, công tác quy hoạch chưa theo kịp trước sự đổi mới và bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn trong thực hiện, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành và cản trở các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, DN.
Tình trạng không ăn khớp giữa quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, nhiều quy hoạch chi tiết triển khai trước khi có quy hoạch tổng thể hoặc không căn cứ vào quy hoạch tổng thể dẫn đến việc phải thay đổi nhiều lần và phải điều chỉnh thường xuyên.
Vì vậy, việc ban hành Luật quy hoạch là cần thiết và cấp bách hiện nay để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch thời gian vừa qua. Luật quy hoạch sẽ là giải pháp quan trọng để đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Để hoàn thiện và bảo đảm tính khả thi của dự án luật, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung làm rõ các quy định về nguyên tắc, trình tự tổ chức lập và thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Về nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung, làm rõ hơn các nguyên tắc trong dự thảo để bảo đảm tính dự báo kịp thời, khách quan, ổn định tính khả thi và thực tế của hoạt động quy hoạch, tránh tình trạng quy hoạch thường xuyên thay đổi, phá vỡ quy hoạch như trong thời gian vừa qua.
Nguyên tắc quy hoạch phải bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phát huy được lợi thế, tiềm năng của từng vùng, từng địa phương nhưng không làm gia tăng sự chênh lệch và phát triển giữa các vùng và các địa phương.
Thứ hai, cần lập quy hoạch tổng thể quốc gia để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống quy hoạch trong cả nước, tránh tình trạng quản lý chia cắt cục bộ, thiếu liên kết vùng và liên kết các địa phương và sản phẩm ngành, tạo không gian phát triển thống nhất, khắc phục sự mâu thuẫn giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng, ngành và quy hoạch cấp tỉnh.
Về trình tự lập và thẩm định, phê duyệt quy hoạch, Ban soạn thảo cần làm rõ và cụ thể hơn theo hướng cấp quốc gia, cấp ngành, cấp vùng và cấp tỉnh. Vì vậy, nên quy định Chính phủ trình Quốc hội quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia.
Chính phủ phê duyệt quyết định quy hoạch cấp ngành, cấp vùng, đối với cấp tỉnh và cấp huyện thì Ủy ban nhân dân các cấp trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt quy hoạch.
Quy định như vậy phù hợp với Hiến pháp và đã được quy định về chức năng của Quốc hội, quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế-xã hội và những vấn đề quan trọng của đất nước.
Mặt khác, đối với quy hoạch vùng, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu xác định rõ hơn cơ quan, tổ chức nào thực hiện trình tự lập và thẩm định quy hoạch vì nước ta không có cấp hành chính vùng.