Bản tin kinh tế - tài chính tuần 4 tháng 12/2017
Tăng trưởng bứt tốc và dấu ấn Chính phủ kiến tạo | |
Dự trữ ngoại hối có thể đạt trên 50 tỷ USD: "Tấm đệm" tốt cho nền kinh tế |
KINH TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
Kinh tế toàn cầu phục hồi vững chắc trong năm 2017, các hoạt động kinh tế đều ghi nhận kết quả khả quan hơn so với dự báo
Dự báo đà thuận lợi này có thể kéo sang năm 2018, giúp kinh tế thế giới duy trì tăng trưởng ổn định trong ngắn hạn. Đầu tư toàn cầu và tiêu dùng cá nhân vẫn sẽ tiếp tục là động lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, không ít thách thức vẫn đi kèm, chủ yếu xuất phát từ các biện pháp nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng sẽ bị siết chặt hơn trong năm tới, xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng có thể là rào cản thương mại gây bất lợi cho tăng trưởng.
Kinh tế toàn cầu 2018 tăng trưởng nhanh nhất trong 7 năm
PwC vừa qua đã đưa ra cập nhật dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, theo đó, cơ quan này dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,7% trong năm tới, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2011.
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, PwC xem xét lại dự báo tăng trưởng toàn cầu của mình, được củng cố nhờ đợt phục hồi mạnh mẽ ở khu vực đồng euro và tăng trưởng vững chắc hơn ở Mỹ. PwC cũng cho biết tỷ lệ thất nghiệp ở các nước phát triển G7 sẽ đạ t mức thấp nhất trong vòng 40 năm, giảm xuống dưới 5%.
Kinh tế Anh được IMF dự báo triển vọng năm 2018 sẽ thấp hơn năm 2017 (giảm 0,1 điểm %) do tác động từ Brexit
IMF cho rằng, mặc dù kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, song những bất ổn từ Brexit và lạm phát cao hơn mục tiêu (2,9-3,1%). Mặc dù Chính phủ Anh đã kiểm soát đáng kể thâm hụt ngân sách song kinh tế Anh đang đối mặt với tình trạng lạm phát cao, áp lực tiền lương, đầu tư cơ bản chậm, năng suất lao động thấp.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) giữ nguyên chính sách tiền tệ
Theo đó, BOJ đã giữ nguyên lãi suất chính sách ngắn hạn ở mức -0,1% và lợi tức trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm quanh mức 0% sau cuộc họp chính sách ngày 21/12. Cơ quan này cũng tái khẳng định rằng sẽ đi sau các ngân hàng trung ương khác trong việc dừng chương trình nới lỏng tiền tệ sau khủng hoảng.
Thị trường chứng khoán
Chứng khoán Mỹ tăng 0,4% đạt 24.754 điểm sau khi Dự luật Cải tổ thuế đã được Thượng viện Mỹ thông qua ngày 20/12/2017. Chỉ số DAX 30 của Đức giảm 0,24%, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,4%. FTSE 100 của Anh tăng 1,36% đạt 7.593 điểm. Chỉ số Nikkei Nhật tăng 1,4% đạt 22.875 điểm sau khi BoJ tuyên bố giữ nguyên mức lãi suất cơ bản ở mức -0,1% và mục tiêu lợi suất Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. Chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,95% lên 3.297 điểm.
KINH TẾ VIỆT NAM
Kim ngạch thương mại Việt Nam chạm ngưỡng kỷ lục 400 tỷ USD
Tổng kim ngạch XNK lũy kế đến 15/12 ước đạt 405 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay. Quy mô xuất nhập khẩu đã tăng thêm hơn 200 tỷ USD chỉ sau 6 năm (tính từ năm 2011).
Báo cáo cũng cho thấy, cán cân cán cân thương mại hàng hóa của cả nước lũy kế 15/12 năm nay đạt mức thặng dư 2,72 tỷ USD.
Kinh tế tăng trưởng khả quan, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục
Năm 2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 153.307doanh nghiệp. Trong đó có 126.859 doanh nghiệp thành lập mới và 26.448 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Như vậy, số doanh nghiệp đăng ký thành lập năm 2017 đã vượt qua kỷ lục cao chưa từng có năm 2016 đạt được là 110.100 doanh nghiệp. Tổng số vốn đăng ký vào nền kinh tế trong năm 2017 là 3.165.233 tỷ đồng, bao gồm: số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới là 1.295.911 tỷ đồng và số vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn là 1.869.322 tỷ đồng với 35.276 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn.
Trong năm 2017, đã tiến hành thoái hơn 3.200 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngành
Theo Bộ Tài chính1 , trong năm 2017, các tập đoàn, tổng công ty và DNNN đã thoái được 182 tỷ đồng, thu về 292 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm; thoái được 1.803 tỷ đồng, thu về 2.953 tỷ đồng tại các lĩnh vực khác; tổng cộng thu về 3.245 tỷ đồng, giảm so với 7.098 tỷ đồng năm 2016.
Theo đánh giá, dù đã đạt được một số thành tựu nhưng việc thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ, kế hoạch đề ra.
THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ
Lãi suất năm 2018 được dự báo ổn định, NIM của ngân hàng khó tăng
Theo VCBS, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của hệ thống ngân hàng khó có thể tăng do lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Lãi suất huy động sẽ được duy trì ổn định nhờ:
(i) tỷ giá ổn định do dự trữ ngoại hối đang ở mức cao; (ii) lạm phát được kiểm soát; (iii) nợ xấu được xử lý tích cực.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2018, áp lực tăng lãi suất có thể sẽ tăng, do tác động của Fed có thể sẽ tăng lãi suất 3 lần trong năm 2018 và nửa cuối năm cũng thường là thời gian các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng, với tỷ lệ dư nợ/vốn huy động (LDR) của hệ thống ngân hàng đang ở mức khá cao (86,75%), nhiều ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lại biên độ lãi suất để thích ứng với thị trường.
THỊ TRƯỜNG NGÂN HÀNG
Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) vừa huy động được xấp xỉ 300 triệu USD từ đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), chỉ thấp hơn thương vụ IPO trong ngành ngân hàng của Vietcombank năm 2007 (463 triệu USD). Hiện HDBank có vốn điều lệ 8.828 tỷ đồng và sẽ tăng lên trên 9.800 tỷ đồng trước khi niêm yết cổ phiếu.
Đợt IPO này sẽ giúp đưa tỷ lệ vốn cấp 1 của HDBank lên 14,8%, đồng thời giúp nâng cao xếp hạng của NH trong thời gian tới.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tiến hành thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính
Ngày 18/01/2018, VNPT sẽ bán đấu giá nguyên lô 71,57 triệu cổ phần tại NHTM CP Hàng hải (Maritimebank) với giá khởi điểm 851 tỷ đồng (tương đương 11.900 đồng/cổ phần). Ngày 1/2/2018, VNPT sẽ tiến hành bán đấu giá toàn bộ tài sản của Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF) với mức giá khởi điểm 500 tỷ đồng. PTF được sở hữu 100% bởi VNPT, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
Thị trường cổ phiếu
Thị trường cổ phiếu tuần 18-22/12 tiếp tục hồi phục nhẹ, chỉ số VN Index đóng cửa cuối tuần trên 950 điểm. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu cuối năm 2017 đã đạt xấp xỉ 68,5% GDP, gần đạt mục tiêu 70% GDP đến năm 2020.
Trái với xu hướng giảm giao dịch nửa cuối tháng 12 hàng năm, khối ngoại thể hiện niềm tin vào thị trường bằng việc mua ròng hơn 51 triệu USD, tập trung vào cổ phiếu Vinamilk (VNM) và CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG).
Tuần qua cũng đánh dấu sự thành công của thương vụ thoái vốn Nhà nước tại Sabeco mang lại gần 110 nghìn tỷ đồng (4,8 tỷ USD) cho ngân sách Nhà nước. Với triển vọng tăng trưởng GDP năm 2018 tích cực có thể đạt từ 6,7% trở lên, các biện pháp cải cách quyết liệt và hỗ trợ kinh tế tư nhân của Chính phủ sẽ phát huy tác dụng, các đợt thoái vốn Nhà nước, cổ phần hóa DNNN sẽ tiếp tục thu hút mạnh dòng vốn ngoại, Ủy ban nhận định thị trường cổ phiếu có khả năng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018, tuy nhiên vẫn sẽ có những đợt điều chỉnh giảm.
Thị trường trái phiếu
Từ ngày 13/12/2017, KBNN đã ngừng phát hành TPCP do điều chỉnh giảm kế hoạch phát hành TPCP năm 2017 xuống còn 169.266 tỷ đồng từ 183.300 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết 22/12/2017, KBNN phát hành được hơn 159 nghìn 920 tỷ đồng TPCP, hoàn thành 94,5% kế hoạch phát hành TPCP điều chỉnh năm 2017.
Dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán
Trong tuần, khối ngoại mua ròng 35 triệu USD (trong đó mua ròng 51 triệu USD cổ phần và bán ròng 16 triệu USD trái phiếu). Từ đầu năm 2017, giá trị mua ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán chính thức đạt 1 tỷ 865 triệu USD (800 triệu USD trái phiếu, 1 tỷ 65 triệu USD cổ phiếu), tăng 6,5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Triển vọng của dòng vốn gián tiếp nước ngoài sẽ tích cực nhờ các đợt thoái vốn Nhà nước và IPO cổ phần hóa tại các doanh nghiệp có chất lượng sẽ diễn ra vào đầu năm 2018 (FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Domesco, Lọc hóa Dầu Bình sơn, Vinalines, PV Power, PV Oil...).