Bệ đỡ cho thị trường chứng khoán
Có thể giải thể hoặc cho phá sản TCTD yếu kém | |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,21% |
Năm 2016, NHNN đã thành công trong nhiệm vụ điều hành tỷ giá, giữ được sự ổn định của VND, giữ được niềm tin của DN và nhà đầu tư, hỗ trợ tích cực nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Năm 2017, NHNN vẫn tiếp tục mục tiêu ổn định tỷ giá, trong xu hướng hoạt động cổ phần hóa DNNN, đây là điều kiện để đón dòng vốn đầu tư mới từ nước ngoài.
Nền kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định, đây là nền tảng quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư |
Củng cố niềm tin thị trường
Chốt lời trên diện rộng là diễn biến trên cả hai sàn trong những phiên giao dịch gần đây. Đối với nhà đầu tư, diễn biến trên đã gần như cuốn đi thành quả của cả tuần giao dịch trước đó. Lực bán xuất hiện mạnh ngay khi VN-Index giảm dưới mốc 720 điểm.
Nếu theo dõi xuyên suốt diễn biến của thị trường trong một tuần gần nhất, nhà đầu tư không khó để nhận ra thị trường chỉ trong 1 tuần đã và đang có xu hướng lặp lại cùng một kịch bản. Đó là: thanh khoản cao, VN-30 chinh phục những cột mốc mới và khối ngoại mua ròng mạnh.
Tuy nhiên, diễn biến mua bán của lần 2 không hoàn toàn giống như phiên trước đó khi dòng tiền chảy vào thị trường với quy mô rộng hơn và đà tăng cũng đồng thuận ở cả 3 nhóm vốn hóa lớn, trung bình và nhỏ. Từ đây, giới phân tích không loại trừ khả năng áp lực xả hàng sẽ lặp lại ở những lần giao dịch tiếp theo.
Tuy nhiên, dù đối mặt sức ép xả hàng cực lớn song điểm tích cực là dòng tiền đã quay lại khá ấn tượng. VN-30 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc cho thị trường với độ rộng rất tích cực.Thanh khoản thị trường tiếp tục được duy trì ở mức cao và khối ngoại cũng mua ròng khá mạnh.
Hơn nữa, các chỉ số VN- Index thực sự có thời điểm đã vượt qua được mốc cứng là 720 điểm và giá trị giao dịch đều tăng thể hiện tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán. Sự lạc quan này theo các nhà phân tích là nó xuất phát sự ổn định của kinh tế vĩ mô cũng như sự ổn định của tỷ giá VND/USD. Hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang có sức hấp dẫn mạnh đối với dòng vốn ngoại, nếu tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định, thị trường có thể có sức bật mạnh nhờ đòn bẩy từ dòng tiền ngoại.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cũng chia sẻ, năm 2016, điểm sáng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ là điều hành tỷ giá. Trong nền kinh tế vĩ mô, nếu đồng tiền bản tệ có biến động quá lớn sẽ rất khó có được niềm tin của nhà đầu tư.
Thí dụ như Trung Quốc, trong năm 2015-2016, thị trường này liên tục đối mặt với dòng vốn chảy ra. Cụ thể, năm 2015, trên 1.000 tỷ USD vốn đầu tư đã chảy ra khỏi Trung Quốc và năm 2016, xấp xỉ khoảng 600 tỷ USD. Trong 2 năm dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm khoảng 1.600 tỷ USD và sự sụt giảm đó gây áp lực với chính sách tỷ giá, điều hành tiền tệ và cả khu vực NH rất lớn.
Do đó, NHNN cũng quan ngại về việc nguồn vốn đầu tư chảy ra song việc điều hành tỷ giá ổn định cũng hạn chế xu hướng này. Thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong năm 2016 rất ổn định nhờ thực hiện cơ chế tỷ giá trung tâm, định giá VND dựa vào một số đồng tiền chủ chốt thay vì tỷ giá neo theo đồng USD như trước đây, giúp tỷ giá đủ linh hoạt, ứng phó với những cú sốc bên ngoài như sự thay đổi của đồng Nhân dân tệ và hiện tượng Brexit.
Cả năm 2016 tỷ giá chỉ tăng 1,2-1,5%, việc giữ ổn định đồng tiền đã giữ được lòng tin vào VND của người dân, các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.
Ổn định để đón dòng vốn mới
Cũng theo ông Phạm Chí Quang, năm 2017, NHNN sẽ tiếp tục phát huy điểm mạnh và khắc phục những điểm tồn tại trong năm 2017 để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Năm nay cũng là năm đặc biệt của Việt Nam khi vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ là cam kết thay vào đó là mệnh lệnh bắt buộc. Hiện có rất nhiều bộ như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định nếu như người đứng đầu DNNN không chịu cổ phần hoá có thể xử lý hình sự.
Với mức độ cam kết cổ phần hóa năm nay từ Chính phủ rất lớn, do đó, lượng hàng hoá cung cấp trên thị trường chứng khoán sẽ đa dạng hơn những năm trước đây. Các yếu tố này cộng với mục tiêu điều hành tỷ giá ổn định dự báo sẽ giúp nền kinh tế không những không đối mặt với việc dòng tiền chảy ra mà còn có cơ hội đón chờ dòng tiền hoàn toàn mới từ nước ngoài chảy vào Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý thêm vì năm 2017 sẽ có một số ngành được phát triển tín dụng nhưng một số ngành cần sẽ hạn chế. Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, trong dài hạn tiếp tục phát triển 5 ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, đó là gồm vừa và nhỏ, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao.
Đó là những ngành kinh tế mà NHNN sẽ điều hành chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD cũng như những công cụ khác để đưa nguồn vốn, mở rộng tín dụng đến những ngành đó. Còn đối với những lĩnh vực tín dụng có khả năng phát sinh rủi ro, NHNN cũng nêu rõ trong Thông tư 01 và yêu cầu NHTM hạn chế cung cấp tín dụng như tín dụng đối với những khách hàng có dư nợ lớn, tín dụng trung và dài hạn, tín dụng cho BOT, BT, bất động sản nhất là bất động sản thương mại giá trị cao.
Năm 2017, Chính phủ đặt ra kế hoạch tăng trưởng GDP ở mức 6,7%. Đây là một mức cao so với nền kinh tế toàn cầu khi IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu giai đoạn 2007-2008 chỉ đạt mức 3,3-3,4%.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Winston Lu, Giám đốc khối Phân tích và Tự doanh, CTCK Phú Hưng cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 sẽ ở mức ổn định và có thể thấp hơn mức 6,7% đề ra cũng chấp nhận được. Bên cạnh đó, nhìn nhận của nhà đầu tư về thị trường không chỉ là chỉ số tăng trưởng GDP bao nhiêu mà còn kèm theo nhiều yếu tố quan trọng khác như chỉ số lạm phát, chỉ số giá hàng hóa, mức độ tăng trưởng của tín dụng, của bất động sản.
Nếu tăng trưởng đó do giá hàng hóa quá cao hoặc do tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng GDP sẽ không ổn định. Về cơ bản, hiện nay, nền kinh tế vĩ mô đang ngày càng ổn định, đây là nền tảng quan trọng nhất để thu hút vốn đầu tư…