Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 tăng 0,21%
Các TCTD kỳ vọng CPI tháng 3 tăng 0,33% | |
Lạm phát 2017 sẽ tiếp tục xu thế tăng và có thể tăng mạnh hơn 2016, nếu... | |
Nhiều thách thức với mục tiêu giảm lãi suất |
Việc nhiều địa phương tăng giá dịch vụ y tế đã đẩy nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh 7,51% |
Trong tháng có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng giá. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 7,51% (dịch vụ y tế tăng 9,86%) do trong tháng có 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm CPI tăng khoảng 0,38%).
Bên cạnh đó, nhóm Giáo dục cũng tăng 0,75% (dịch vụ giáo dục tăng 0,87%) do trong tháng tỉnh Thanh Hóa thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Ngoài ra, nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5% (giá vật liệu xây dựng tăng 0,53%; giá nước sinh hoạt tăng 0,43%; giá điện sinh hoạt tăng 0,26%). Nhóm Giao thông tăng 0,39% chủ yếu do ảnh hưởng của lần điều chỉnh tăng giá xăng, dầu tại thời điểm 18/2/2017 (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,04%).
Các nhóm còn lại chỉ tăng rất nhẹ (Thiết bị và đồ gia đình gia đình tăng 0,06%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,04%; bưu chính viễn thông tăng 0,03%).
Tuy nhiên trong tháng cũng có 3 nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá. Đáng chú ý nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,87% (trong đó lương thực tăng 0,16%; thực phẩm giảm 1,22%) do nhu cầu giảm sau Tết. Do đây là nhóm hàng chiếm tỷ trong lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI nên mức giảm này khiến chỉ số chung chỉ tăng thấp.
Bên cạnh đó, nhóm May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,12%; Đồ uống và thuốc lá giảm 0,02% cũng do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh sau Tết.
Với diễn biến giá cả tháng 3 như vậy, tính chung 3 tháng đầu năm CPI tăng 0,09%; còn so với cùng kỳ năm 2016 tăng 4,65%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm nay tăng 4,96% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, cao hơn so với mức của cùng kỳ 3 năm gần đây.
Theo Tổng cục Thống kê, việc CPI quý I năm nay tăng do một số nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, các địa phương thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí. Thứ hai, 2 tháng đầu năm nay trùng với Tết Nguyên đán nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng lên. Thứ ba, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong 3 tháng đầu năm 2017 tăng mạnh, làm cho giá xăng dầu bình quân quý I tăng 34,92% so với cùng kỳ, đóng góp 1,45% vào mức tăng CPI chung.
Điều đó có nghĩa, lạm phát tăng chủ yếu do yếu tố chi phí đẩy, trong khi lạm phát cơ bản tháng 3/2017 không đổi so với tháng trước và tăng 1,60% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 3 tháng đầu năm 2017 tăng 1,66% so với bình quân cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, việc lạm phát bình quân những tháng đầu năm liên tục cao hơn mục tiêu đề ra cho năm nay khiến việc kiểm soát lạm phát vẫn là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới. Theo một chuyên gia kinh tế, hiện vẫn tiền ẩn nhiều yếu tố cả trong nước lẫn ngoài nước tạo sức ép ớn đến lạm phát.
Các yêu tố bên ngoài bao gồm việc giá dầu thế giới có xu hướng tăng cao hơn khi nhu cầu phục hồi, còn OPEC lại cắt giảm sản lượng sẽ tạo áp lực lớn đến giá xăng dầu và qua đó là lạm phát trong nước. Trong khi đồng USD có xu hướng mạnh lên nhờ kỳ vọng Fed tăng lãi suất cũng sẽ khiến chi phí hàng nhập khẩu tăng, qua đó tạo áp lực lớn đến lạm phát.
Trong nước, cầu nội địa đang phục hồi cùng với đà phục hồi của nền kinh tế cũng sẽ góp phần đẩy tăng lạm phát. Rồi còn lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý... "Không thể chủ quan", vị chuyên gia trên khuyến cáo.