Bức tranh kinh tế dưới góc nhìn ADB
ADB sẽ tăng cường cho vay khu vực tư nhân Việt Nam | |
Thủ tướng: Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn vốn ADB | |
ADB ủng hộ định hướng và nhiệm vụ của Việt Nam trong thời gian tới |
Việc vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian qua vẫn rất mạnh cho thấy các NĐT nước ngoài có niềm tin đối với kinh tế Việt Nam. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao lưu ý điểm này trong buổi họp báo thông tin về chuyến thăm Việt Nam trong các ngày 16-17/6 vừa qua - khoảng thời gian ông đã hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao nước ta, thảo luận về việc tăng cường quan hệ đối tác giữa ADB với Việt Nam, cũng như định hướng cho các ưu tiên hợp tác trong tương lai.
“Với Việt Nam, chúng tôi muốn làm sao tăng cường thị trường tài chính và hướng cho vay vào các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo” - CHỦ TỊCH TAKEHIKO NAKAO |
Vẫn cần cẩn trọng nợ công
Những cải cách đúng hướng và sự thành công trong điều hành gần đây của Chính phủ Việt Nam đang từng bước tạo nên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định hơn, tăng trưởng bền vững hơn. ADB dự báo, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6,7% trong khi vẫn giữ lạm phát ở mức 3%, bất chấp các tác động tiêu cực do tình trạng hạn hán, xâm ngập mặn… nghiêm trọng đang tiếp diễn. Năm 2017, tăng trưởng GDP cũng được dự báo ở mức 6,5%.
Nhưng bên cạnh những mảng sáng nêu trên, nhiều gam màu tối cũng đang “đồng hành” cùng nền kinh tế, Một trong các thách thức mà ADB cảnh báo có thể tác động tiêu cực đến vĩ mô là tình trạng thâm hụt ngân sách. “Bội chi ngân sách đã tăng lên so với dự kiến ban đầu, cho thấy Chính phủ cần rất thận trọng với vấn đề này”, ông Nakao khuyến cáo.
Theo đó, tỷ lệ nợ công trên GDP có xu hướng tăng lên thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý là nợ trong nước tăng lên, còn nợ nước ngoài vẫn ở mức khá ổn định (khoảng 29%). Vì vậy ông Nakao cho rằng, công tác quản lý nợ là rất quan trọng, đòi hỏi Việt Nam cần tìm được các nguồn vốn có chi phí thấp hơn, hoặc đa dạng hóa nguồn vốn vay.
Các NĐT nước ngoài có niềm tin đối với kinh tế Việt Nam |
Bên cạnh đó, nếu tăng trưởng tín dụng quá nhiều hay dự trữ ngoại hối dù đã có những cải thiện nhưng cũng tiềm ẩn các rủi ro…“Đấy là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý, thận trọng, theo dõi sát sao và lường đón trước. Bởi nếu chuẩn bị được sớm các giải pháp cho những rủi ro ấy thì chúng ta sẽ không phải trả giá đắt về sau này”, Chủ tịch ADB cho biết.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần theo dõi sát sao tình hình bên ngoài bởi đây là yếu tố có thể ảnh hướng đến kinh tế trong nước. “Chúng ta đã nói rất nhiều về việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Điều đó có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng và dịch vụ, như có thể khiến du lịch suy giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang hướng tới tăng trưởng hài hòa, lạm phát của họ cũng có xu hướng giảm và sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua thì Trung Quốc cũng giảm các hoạt động đầu tư. Vậy thì với các quốc giá khác, trong đó có Việt Nam cần chú ý xây dựng được các đệm để bảo vệ mình”, ông Nakao nhận định.
Bước đệm này, theo Chủ tịch ADB là nếu tiêu dùng trong nước đủ mạnh sẽ giúp bớt lệ thuộc vào các đối tác thương mại bên ngoài. Và trong cầu tiêu dùng nội địa ấy, ông tin rằng tầng lớp trung lưu sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Sẵn sàng cho chặng đường dài
Cùng với những vấn đề trên, Chủ tịch ADB cũng khuyến nghị rằng, các hoạt động đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục… cần đảm bảo hiệu quả, bởi nó sẽ giúp tạo ra nền tảng để Việt Nam phát triển trong một chặng đường dài. Muốn vậy, một trong những cách thức là cần tăng cường thêm được nguồn thu nội địa để có được nguồn vốn cho các hoạt động đầu tư.
Về phần mình, ông Nakao khẳng định ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ Việt Nam, tiếp tục cung cấp các khoản vay trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. ADB cũng đang xây dựng chiến lược Đối tác quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu trọng tâm là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016-2020 của Việt Nam, cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.
Chủ tịch ADB cũng cho biết, ADB sẵn sàng và có thể hỗ trợ những lĩnh vực mà Chính phủ như cải thiện hiệu quả chi tiêu ngân sách, cải cách DNNN, tái cơ cấu hệ thống NH... Trong đó về vấn đề tái cơ cấu DNNN, ông Nakao nhấn mạnh một trong những mục tiêu là DNNN phải được quản trị tốt hơn, hoạt động có lãi và bền vững. Nhưng điều quan trọng là cần tìm được thời điểm tốt để bán cổ phần các DNNN này.
“Ở nhiều quốc gia, họ cân nhắc biện pháp tư nhân hóa bằng cách chọn thời điểm thật phù hợp để cung cấp tất cả những thông tin một cách đầy đủ và minh bạch nhất cho các NĐT tiềm năng để có được giá tốt nhất. Như vậy quan trọng là thời điểm phải phù hợp và cách bán cổ phần cũng phải phù hợp”, ông nói.
Trong vấn đề xử lý nợ xấu và tái cơ cấu NH, ông Nakao thông tin việc ADB đang cân nhắc chương trình cho vay hỗ trợ tái cơ cấu ngành TC-NH và hiện đang thảo luận với các cơ quan chức năng của Việt Nam về chương trình này. Ông cũng cho biết, việc bơm thêm tiền của Nhà nước vào NH có nợ xấu lớn cũng là cách đã được các quốc gia sử dụng trong xử lý các cuộc khủng hoảng trước đây, như Nhật Bản đã làm giai đoạn những năm 90 thế kỷ trước.
“Hiện tại tôi cho rằng, cái quan trọng nhất là làm sao hỗ trợ các NH quản trị rủi ro tốt hơn, bao gồm cả giảm nhẹ nghĩa vụ thuế và gánh nặng thuế cho các NH đang gặp khó khăn”, Chủ tịch ADB khuyến nghị.