Cần cẩn trọng với PPP
Phần lớn các quốc gia đang phát triển cho rằng hình thức đối tác công tư (PPP) rất phổ biến ở Hàn Quốc, song thực tế chỉ có 10% đầu tư công của đất nước này được thực hiện qua hình thức PPP. Chia sẻ của các chuyên gia đến từ Hàn Quốc tại một hội nghị liên quan tới cải cách quản lý tài chính công ở các nước châu Á, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, đã cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về hình thức đầu tư PPP, đang được coi là lời giải hiệu quả cho bài toán hạ tầng tại Việt Nam.
PPP đang được coi là lời giải tốt cho bài toán hạ tầng tại Việt Nam |
Những bài học nhãn tiền
Ông Choi Seok Joon, Giáo sư kinh tế, Đại học Seoul cho biết, Hàn Quốc rất thận trọng khi áp dụng PPP cho các dự án hạ tầng. Bằng chứng là Chính phủ đã đặt ra mức trần an toàn thanh toán cho các dự án PPP hàng năm không quá 2% ngân sách, hoặc 10-15% ngân sách chi cho đầu tư công.
Năm 2010, số tiền thanh toán cho các dự án PPP ở Hàn Quốc chỉ chiếm 0,8% tổng chi ngân sách, năm 2011 là 0,9%. Bên cạnh đó, Chính phủ đưa ra quy hoạch PPP trung, dài hạn dựa trên danh mục ưu tiên đầu tư và bám chặt vào danh mục dự án này để thực hiện.
Được đánh giá là hình mẫu tốt về xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, những thông tin mà chuyên gia đến từ Hàn Quốc chia sẻ là rất đáng tham khảo với Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, từ bài học thành công của Hàn Quốc và cả nhiều bài học thất bại từ các quốc gia khác, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng không nên quá kỳ vọng và cần cẩn trọng với mô hình PPP.
TS. Huỳnh Thế Du, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nêu quan điểm, nhìn trên bình diện quốc tế, mô hình PPP có vai trò rất khiêm tốn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia.
Ông Du dẫn chứng, trong giai đoạn 2001-2011, các nước Châu Á – Thái Bình Dương chỉ huy động được chưa đến 200 tỷ USD vốn theo mô hình PPP, chiếm chưa đầy 10% tổng vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của các nước này. Ông cũng nhấn mạnh, nhiều nước trên thế giới, nhất là khu vực châu Mỹ la tinh đã phải trả những bài học hết sức đắt giá vì áp dụng ồ ạt mô hình PPP.
“Sau giai đoạn hồ hởi với kỳ vọng cao là sự thất vọng tràn trề do chất lượng các dịch vụ trong rất nhiều trường hợp không những không được cải thiện mà còn gây ra vô số những rắc rối và lãng phí”, ông Du cho biết thêm. Kết quả là nhiều nơi đã phải thực hiện một tiến trình ngược lại, nhà nước phải quốc hữu hóa hoặc thu hồi các dự án, hợp đồng này.
Nhận diện rủi ro
Thực tế đang diễn ra ở Việt Nam cũng cho thấy các nguy cơ trên là hiện hữu. Bởi quá trình triển khai các dự án PPP thời gian qua chưa được mạnh mẽ như kỳ vọng của cơ quan quản lý, trong khi đã có một số NĐT ngậm ngùi trả lại dự án do lợi nhuận thu về không đạt được như tính toán ban đầu. Cuối cùng, rủi ro lại đẩy ngược trở về phía ngân sách nhà nước.
Trong khi đó những NĐT bên ngoài thì băn khoăn, nghi ngại khi nhiều rủi ro chưa được chia sẻ một cách công bằng, hợp lý. Có NĐT còn “dọa” không tham gia dự án BOT nữa nếu vẫn tiếp diễn tình trạng bị cơ quan nhà nước “ép” trong đàm phán hợp đồng, dẫn đến phải chịu quá nhiều rủi ro, càng làm càng lỗ.
Về vấn đề này, ông Choi Seok Joon cho biết Hàn Quốc có một số biện pháp và hệ thống để quản lý, chia sẻ rủi ro giữa NĐT và Nhà nước. Trong đó hiệu quả nhất là cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu, theo đó một phần thu nhập hàng năm của dự án được nhà nước bảo lãnh, nếu mức doanh thu thấp hơn dự kiến thì dự án sẽ được ngân sách đảm bảo cho phần thiếu hụt. Tuy nhiên công cụ này có rủi ro lớn với ngân sách, do đó phải thận trọng khi áp dụng trong các dự án PPP.
“Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy không thể tránh khỏi việc phải bảo lãnh doanh thu tối thiểu. Tuy nhiên phải có hệ thống theo dõi sát để dự báo nhu cầu, đưa ra các điều kiện đàm phán lại khi cần”, ông Choi Seok Joon nhấn mạnh.
Ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng, Văn phòng Đối tác công tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận, nhiều đối tác nước ngoài đã đến tìm hiểu và cũng yêu cầu Chính phủ đặt ra cơ chế bảo lãnh doanh thu tối thiểu để giảm thiểu rủi ro.
Tuy nhiên, “chúng tôi đang đắn đo vì vừa qua nhiều quốc gia giàu kinh nghiệm trong triển khai PPP đã không còn áp dụng cơ chế này. Vì sao lại không áp dụng nữa trong khi đây được coi là công cụ tốt để thu hút đầu tư tư nhân cũng như nước ngoài? Và có công cụ nào hiệu quả hơn để thay thế không?”, ông Dũng nghi ngại.
Cũng theo ông Dũng, Việt Nam hiện đã có nhiều chính sách, quy định ưu tiên cho PPP, có kế hoạch ngân sách 5 năm, song về báo cáo cũng như cơ sở dữ liệu về PPP rất hạn chế. Bên cạnh đó Chính phủ cũng không đặt ra ngưỡng trần ngân sách cho PPP.
Ngoài ra, cách quản lý dự án PPP của Hàn Quốc hiện nay là tập trung vào một cơ quan dưới thẩm quyền của Chính phủ, trong khi Việt Nam đang phân cấp xuống từng địa phương. Với cách phân chia ra nhiều đầu mối như vậy, DN phải đến các bộ ngành chủ quản, hoặc xuống từng địa phương tìm cơ hội đầu tư và làm việc trực tiếp với các cơ quan này.
Đây cũng có thể là một rủi ro, bởi kinh nghiệm từ các quốc gia đã thành công với PPP cho thấy phải quản lý tập trung do đây là hình thức rất mới và nhiều khó khăn. Sau khi đã có đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, mới bắt đầu phổ biến ở cấp địa phương. Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng khẳng định, mỗi quốc gia có thể chế và đặc thù riêng, do đó mỗi Chính phủ có thể áp dụng những phương pháp, cách tiếp cận khác nhau.