Cần gắn kết khu vực FDI và trong nước
FDI - một năm thành công ấn tượng | |
Hội nhập quốc tế về kinh tế: Nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng | |
Thắt lại sợi dây liên kết FDI |
Tăng trưởng xuất nhập khẩu của tháng 12/2017 cho thấy, khu vực trong nước tăng trưởng, xuất nhập khẩu lần lượt đạt 7,7% và 7,1%; còn khu vực FDI tăng trưởng lần lượt ở mức 20,6% và 24% so với năm 2016. Tính chung cả năm 2017, tăng trưởng xuất, nhập khẩu của khu vực trong nước lần lượt ở mức 16,5% và 17%, còn khu vực FDI ghi nhận ở mức 23% và 23,4%.
Ảnh minh họa |
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, tuy khu vực FDI vẫn đóng góp chính vào tăng trưởng xuất nhập khẩu của cả nước, nhưng khu vực trong nước cũng đã có sự cải thiện đáng kể so với năm trước nhờ sự gia tăng của các nhóm hàng nông-thủy sản, khoáng sản, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2017 đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016.
Tuy nhiên, làm thế nào để thu hẹp hơn nữa khoảng cách giữa DN FDI và DN nội vẫn là vấn đề nan giải với Chính phủ hiện nay. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã luôn nhấn mạnh đến định hướng của Chính phủ trong thu hút FDI là tập trung vào những ngành có giá trị gia tăng cao, có công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, có chuỗi sản xuất, có quản trị tốt và sẵn sàng hợp tác kết nối với DN Việt Nam. Khi đến thăm và làm việc với Samsung vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao tập đoàn này trong việc tích cực nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của Việt Nam cung cấp…
Các khảo sát mới đây cũng cho thấy, nếu như giai đoạn 2014 - 2015, chỉ có 10 DN của Việt Nam được chọn là nhà cung ứng cho Samsung thì đến hết năm 2017, Việt Nam đã có 29 nhà cung ứng cấp 1 và khoảng hơn 200 nhà cung ứng cấp 2, cấp 3 được chọn là nhà cung ứng cho tập đoàn này.
Ban đầu các sản phẩm cung cấp chỉ đơn giản như đóng gói bao bì, nhưng qua thời gian với sự hướng dẫn của Samsung, số DN Việt Nam cung cấp sản phẩm đã mở rộng sang các lĩnh vực chuyên sâu hơn. Đặc biệt, để giúp cho nhiều hơn DN Việt Nam có thể trở thành nhà cung ứng của Samsung, mỗi năm tập đoàn tổ chức hai triển lãm/hội thảo tìm kiếm các nhà cung ứng.
Mới đây nhất, thông qua sự kiện này, Samsung đã lựa chọn được 138 DNNVV Việt Nam để đưa vào danh sách DN có tiềm năng, từ đó triển khai các hoạt động bồi dưỡng đưa các DN này trở thành nhà cung ứng cho tập đoàn này.
Trong các cuộc đối thoại thường niên với DN gần đây, Thủ tướng Chính phủ cũng luôn kêu gọi DN Việt Nam cần nỗ lực vươn lên, bởi nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển vững mạnh không thể không có một khu vực kinh tế tư nhân trong nước tăng trưởng hiệu quả, lớn mạnh. Đồng thời ông cũng kêu gọi tăng cường hợp tác cùng có lợi, cùng phát triển giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước và khu vực FDI trong nền kinh tế quốc gia.
Theo Thủ tướng, trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2016-2020, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định là tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh DN Việt Nam, nhất là DN tư nhân, làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. DN Việt Nam bao gồm cả các DN FDI đã đăng ký cấp phép (có tư cách pháp nhân Việt Nam) và các DN trong nước. Đây là định hướng lớn của Chính phủ về hình thành cộng đồng DN Việt Nam gắn kết, hợp tác hiệu quả trong một nền kinh tế quốc gia thống nhất.
Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2017, có đại biểu đã ví DN FDI như một “người khổng lồ” và đặt câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng là “đến bao giờ chúng ta có thể rời vai những gã khổng lồ, tự đứng vững được trên chân của mình”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận: “FDI đóng vai trò quan trọng cho xuất khẩu, cho giải quyết lao động, cho chuyển giao công nghệ và quản lý, đặc biệt góp phần thúc đẩy phát triển trong nước. Rất nhiều tấm gương của FDI đã phát triển ở Việt Nam. Chính FDI đóng góp cho phát triển kinh tế Việt Nam và luật pháp Việt Nam coi FDI là một thành phần của kinh tế Việt Nam. Nhưng, vấn đề quan trọng hơn là phải làm sao nâng cao nội lực của DN trong nước…”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nêu thực tế không thể phủ nhận, hàng chục ngàn DN FDI, đặc biệt là ở các nhà máy công nghệ cao như Samsung, LG, Intel, Bosch, Canon… đang thực sự có những đóng góp quan trọng để Việt Nam chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế. Trình độ người lao động theo đó mà tăng lên và nhờ vậy, năng suất lao động của nền kinh tế cũng đã được cải thiện. Trong vòng 30 năm qua, đã có gần 317 tỷ USD của 24.580 dự án FDI đến với Việt Nam.