Khai thác tiềm năng, phát triển logistics
Nhiều chính sách hỗ trợ ngành logistics | |
Logistics Việt Nam "làm thuê" trên sân nhà? | |
Logistics phải tận dụng lợi thế |
Ảnh minh họa |
Theo TS. Trần Du Lịch, Quảng Trị có hệ thống giao thông rất thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy. Theo đó, địa phương có Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt chạy xuyên qua tỉnh theo hướng Bắc - Nam, Quốc lộ 9 gắn với Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo chạy theo hướng Đông - Tây. Cảng Cửa Việt được đầu tư nâng cấp có thể đón tàu có trọng tải 5.000 đến 6.500 DWT.
Ngoài ra, cảng biển Mỹ Thủy có khả năng đón tàu có trọng tải 50.000 DWT đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch, tỉnh đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xây dựng cảng Mỹ Thủy, góp phần phục vụ cho vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển hàng hóa qua tuyến đường Xuyên Á…
Chưa hết, việc cửa khẩu La Lay được nâng cấp từ cửa khẩu quốc gia lên cửa khẩu quốc tế La Lay, cũng góp phần để Quảng Trị thúc đẩy logistics phát triển. Bởi, sau khi nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, tuyến đường nối từ cửa khẩu quốc tế La Lay về Khu kinh tế Đông Nam và Cảng biển Mỹ Thủy hoàn thành, Quảng Trị sẽ có 2 hành lang kinh tế, đó là Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và một hành lang kinh tế mới song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu khai thác được những tiềm năng dịch vụ logistics sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Trị phát triển. Bởi, logistics phát triển sẽ góp phần thu hút vốn FDI, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa của địa phương.
Bên cạnh, logistics còn có vai trò trong tiết kiệm và giảm chi phí quá trình lưu thông hàng hóa, khai thác hiệu quả các nguồn lực của Quảng Trị trên EWEC. Đối với các DN sản xuất kinh doanh trên địa bàn, dịch vụ logistics phát triển góp phần sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn lực, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, tăng cường sức cạnh tranh cho các DN; cung ứng vật tư kỹ thuật đúng thời gian, đúng địa điểm, đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm…
Trong thực tế, tuy có nhiều tiềm năng nhưng việc phát triển dịch vụ logistics tại Quảng Trị cũng như một số địa phương khác ở miền Trung vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Tại Quảng Trị dịch vụ logistics cảng biển mới chỉ tập trung ở cảng Cửa Việt.
Trong khi, dịch vụ logistics ở đây còn rất hạn chế, hệ thống kho tàng bến bãi chủ yếu là các bãi chứa hàng, chưa có các trang thiết bị phục vụ xếp dỡ hiện đại. Nhiều kho hàng chưa được trang bị các máy móc thiết bị hiện đại để có thể đáp ứng tương đối các yêu cầu về các dịch vụ kho bãi. Khối lượng thuê ngoài dịch vụ giao nhận kho vận chỉ xấp xỉ mức 20%.
Phần còn lại là các DN chủ hàng tự tổ chức đầu tư phương tiện hoặc tự làm. Ngoài ra, với hơn 75km bờ biển nhưng nhìn chung vận tải biển của Quảng Trị hiện nay cũng chưa phát triển.
Để phát triển dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, Quảng Trị cần xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng dịch vụ logistics. Quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics, có sự kết nối với các cảng quốc tế nhằm phát triển bền vững hệ thống logistics trên EWEC.
Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của các DN logistics ở địa phương, bằng việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN về đất đai, kho tàng, bến bãi; Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao logistics. Đặc biệt, địa phương cần tập trung kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, địa phương cam kết sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư cũng như áp dụng các ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất; kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn vướng mắc cho DN; thực hiện tốt công tác an ninh, trật tự, đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi đến tìm hiểu và thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương trong đó có đầu tư phát triển dịch vụ logistics…