Với EVFTA, đây là thời điểm cần tập trung cao độ
Cần chủ động cải cách | |
Lực lượng lao động khi tham gia EVFTA: Chất lượng cao, cơ hội lớn |
Ông Bruno Angelet |
Liệu có thách thức nào về khả năng EVFTA sẽ được Nghị viện EU phê chuẩn chậm hơn so với kỳ vọng không?
Tôi không phải là thành viên của Nghị viện EU nên cũng không dám chắc về điều này. Nhưng tôi có niềm tin là EVFTA sẽ được phê chuẩn trong năm nay. Một điểm cần lưu ý là vào mùa xuân và mùa hè này, Nghị viện EU không chỉ phê chuẩn EVFTA mà còn phê chuẩn FTA với Singapore, với Nhật Bản. Việt Nam cần lưu ý ở đây là, các thành viên Nghị viện EU sẽ đánh giá tình hình và so sánh Việt Nam với các nước sẽ phê chuẩn FTA còn lại.
Nếu qua đánh giá, họ thấy Singapore và Nhật Bản mọi thứ ổn mà với Việt Nam vẫn chưa thấy rõ quyết tâm lớn để thực thi FTA thì cũng có thể họ sẽ dừng lại chưa thông qua. Vì vậy, đây là thời điểm mà chúng ta cần tập trung cao độ, cần đưa ra những thông điệp, tín hiệu mạnh mẽ để Nghị viện EU thấy những nỗ lực của Việt Nam sẽ đáp ứng tốt mọi cam kết đã đưa ra.
Gần đây có một số vấn đề như thẻ vàng của EU đối với Việt Nam về nạn đánh bắt hải sản phi pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU fishing) hay vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn lao động. Liệu điều này có ảnh hưởng đến quyết định của Nghị viện EU về EVFTA?
Về IUU fishing, trong 5 năm qua EU đã làm việc tích cực với Việt Nam và hiện nay là thời điểm để Việt Nam phải xử lý nghiêm túc vấn đề này. IUU fishing là một trong những vấn đề được đề cập trong EVFTA và nằm ở chương về phát triển bền vững, với việc hai phía đều phải đưa ra các cam kết thực hiện nhưng không phải là điều kiện tiên quyết để EVFTA có được phê chuẩn hay không. Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để đảm bảo vấn đề này được tuân thủ.
Thời gian vừa qua Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã hành động rất mạnh mẽ trong xử lý vấn đề thẻ vàng IUU. Tôi hy vọng với những nỗ lực của Việt Nam thì vào tháng 4 tới (6 tháng kể từ khi EU đưa ra thẻ vàng vào tháng 10/2017) khi chúng tôi có đánh giá lại thì tình hình đã chuyển biến tích cực hơn. Tôi tin nếu nỗ lực hết sức thì sau 1 năm, phía EU có thể rút lại thẻ vàng này, nhưng Việt Nam cần phải nỗ lực rất lớn.
Nếu được rút lại thẻ vàng, Việt Nam vẫn phải nỗ lực tiếp tục để không bị “phạt thẻ vàng” trở lại. Nếu bị phạt trở lại thì tình hình sẽ xấu đi. Nhưng với nỗ lực của Việt Nam tôi không nghĩ sẽ xảy ra tình huống này.
Nghị viện EU sẽ xem xét hết sức độc lập. Việt Nam và EU cần rất tập trung trong giai đoạn hiện nay, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để Nghị viện EU khi nhận thấy rằng hai bên đã có những nỗ lực rất lớn để cải thiện tình hình, khắc phục những tồn tại. Bây giờ là thời điểm tốt nhất để chúng ta gửi đi thông điệp về những nỗ lực đó.
Vậy về vấn đề tiêu chuẩn lao động thì sao, thưa ông?
Trong chương về phát triển bền vững của EVFTA, hai bên đều cam kết sẽ phê chuẩn và thực thi quy ước của ILO về lao động và đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về lao động được tôn trọng. Trước khi phê chuẩn, Nghị viện EU sẽ xem tiến triển ở Việt Nam thế nào, có chắc là Việt Nam có thể hay sẽ thực hiện được các cam kết liên quan đến vấn đề này không.
Cảm nhận của tôi là Việt Nam sẽ thực hiện theo các cam kết đưa ra, tuy nhiên Việt Nam sẽ cần thời gian, lộ trình để triển khai. Vấn đề quan trọng nhất trước khi được Nghị viện EU phê chuẩn là Việt Nam cần gửi đến họ những động thái cho thấy sẽ thực hiện các cam kết này. Việt Nam cần cho thấy quyết tâm thực hiện, sau đó cần đạt các kết quả cụ thể để chúng tôi có cơ sở đánh giá lại về sự cải thiện đó.
Ý của ông là nếu các thành viên Nghị viện EU có hỏi ông về những vấn đề này như tôi vừa hỏi thì ông cũng sẽ nói với họ những gì mà ông vừa chia sẻ?
Tất nhiên rồi. Tôi là đại diện cho Chính phủ châu Âu, chứ không phải là cho Nghị viện EU. Như khi Nghị viện EU phê chuẩn FTA với Canada thì họ cũng hỏi về những vấn đề còn vướng mắc, bởi theo các thành viên Nghị viện EU thì FTA là một điều tốt nhưng trước khi phê chuẩn thì nó phải đảm bảo công bằng, trong đó những vấn đề liên quan đến môi trường, lao động phải được đảm bảo. Nghị viện EU trước khi phê chuẩn FTA với Canada cũng nói rằng, Canada phải chấp hành quy ước ILO nếu không thì sẽ không phê duyệt. Cái này thì đã là nguyên tắc của EU rồi.
Ông có thể cho biết nhìn nhận của các NĐT châu Âu nói chung, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) nói riêng về thị trường Việt Nam?
Đây là thời điểm mà nhiều tổ chức, DN của châu Âu muốn đẩy mạnh đầu tư ra bên ngoài. Việt Nam chắc chắn là một lựa chọn đầu tư hàng đầu. Việt Nam nên nỗ lực thu hút dòng đầu tư từ EU.
Dù các khoản cho vay của EIB không phải là vốn ODA nhưng rất cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp các nguồn vốn vay ODA từ WB và ADB. Hiện EIB là NH có vốn rất lớn, lớn hơn 2,5 lần so với WB nhưng có tới 95% các khoản vay chỉ trong lòng châu Âu.
Ở khu vực châu Á thì EIB đã có danh mục đầu tư lớn tại Ấn Độ, Trung Quốc hay Indonesia và tôi tin ở Việt Nam, họ có thể đầu tư lớn hơn trong tương lai. Đó là lý do vì sao trong thời gian qua chúng tôi đã cố gắng mời Phó Chủ tịch của EIB Jonathan Taylor sang thăm Việt Nam và tôi rất kỳ vọng phía Việt Nam tận dụng được cơ hội đó để Việt Nam xuất hiện trên bản đồ cho vay của EIB và đến 2020 trở đi thì EIB sẽ đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!