Chính sách tiền tệ tương hỗ thị trường chứng khoán
Xây dựng một thị trường chứng khoán bền vững | |
20 năm TTCK Việt Nam: Tiếp tục sẽ đơm hoa, kết trái | |
Kỳ vọng từ thị trường chứng khoán phái sinh |
Theo Chủ tịch UBCKNN, ông Vũ Bằng: “Năm 2016, chính sách tiền tệ đã thực thi nhiều giải pháp linh hoạt và hỗ trợ rất nhiều cho thị trường chứng khoán (TTCK). Lạm phát nhích lên nhưng về cơ bản được kiềm chế, mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng gia tăng đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của TTCK”.
2016 - vốn nước ngoài vào nhiều
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng ông Vũ Bằng cho rằng, về cơ bản TTCK Việt Nam đạt được kết quả tích cực với việc có mặt trong top 5 TTCK có mức tăng trưởng lớn nhất thế giới. Vốn hóa thị trường đạt 1.923 nghìn tỷ đồng, chiếm 46% GDP, tăng 40%; thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt 6.888 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với cuối năm 2015.
TTCK tốt hơn, sẽ hỗ trợ trở lại cho NH trong việc xử lý nợ xấu |
Trong khi đó, huy động vốn đạt 348.000 tỷ đồng, tăng 54%, là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. Dù các tháng 10-11 vừa qua, khối ngoại rút ròng tương đối lớn nhưng sang đầu tháng 12, dòng vốn nước ngoài đổ vào cả trái phiếu và cổ phiếu đã tăng nhẹ trở lại. Tính chung cả năm 2016, thì lượng vốn nước ngoài đã đổ vào nhiều nhất trong 5 năm qua.
“Mặc dù kinh tế thế giới khó khăn, dòng vốn đảo chiều, nhưng tổng danh mục đầu tư đạt con số trên 17 tỷ USD là rất tích cực. Cộng đồng thế giới đã nhìn nhận và đánh giá cao những cải cách, đổi mới kinh tế và TTCK của Việt Nam”, ông Bằng cho biết.
Cùng với đó, giá trị cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước qua TTCK trong năm cũng đạt hơn 30.000 tỷ đồng, mức cao thứ 2 trong vòng 20 năm qua và chỉ đứng sau mức 50.000 tỷ đồng đạt được trong năm trước. Điểm đáng chú ý là trong năm 2016, TTCK đã bán được cổ phần của nhiều DN lớn và thu hút được dòng vốn nước ngoài khá cao.
Đây là dòng vốn được xem là “tiền tươi thóc thật”, bổ sung, hỗ trợ rất tốt cho thị trường. “Riêng đợt thoái vốn Vinamilk đã giúp thu về 500 triệu USD. Nguồn vốn này góp phần hỗ trợ tích cực cho tỷ giá và sức cầu thị trường”, ông Bằng nói.
Để đạt được kết quả này, theo Chủ tịch Vũ Bằng, là do UBCKNN đã có nhiều biện pháp hỗ trợ thị trường như trình Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư kinh doanh, thanh tra xử phạt, nâng cao quản trị công ty. Riêng với các vướng mắc hiện nay liên quan đến Luật Đầu tư, vừa qua UBCKNN đã định hình được vấn đề và bắt đầu tháo gỡ bằng việc nới room của DN. Năm 2017, cách thức tháo gỡ sẽ được xử lý nhanh hơn để tạo hướng đi mới cho TTCK.
Hàng loạt biện pháp giúp cải thiện thanh khoản thị trường đã được UBCKNN đưa ra, cùng với đó, UBCKNN cũng đẩy mạnh hoạt động thanh tra. Ông Vũ Bằng cho biết, vụ việc về CTCP mỏ và xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (MTM) phát sinh thời gian qua có gây sốc cho NĐT và thị trường, nhưng đây cũng là bài học để UBCKNN điều chỉnh việc triển khai các giải pháp, chỉ đạo HNX cấu trúc lại thị trường UPCoM.
“Trên thế giới có nhiều sàn giao dịch khác nhau. Nếu các điều kiện quá chặt sẽ cản trở DN chân chính lên sàn. Nếu lỏng quá sẽ tác động xấu thị trường. UBCKNN sẽ có giải pháp thành lập nhóm hành động, kết hợp với cơ quan Công an để thanh tra tới tận đơn vị”, ông Vũ Bằng giải đáp những thắc mắc quanh câu hỏi liệu có nên xóa bỏsàn giao dịch UPCoM hay không.
2017 - có nhiều yếu tố tích cực
Theo đánh giá của người đứng đầu UBCKNN, năm 2017, nhiều khả năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tốt hơn. Dự kiến GDP đạt khoảng 6,5-6,7%; một số chính sách của NHNN sẽ tiếp tục linh hoạt và hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ, lãi suất, tỷ giá cũng sẽ tiếp tục được định hướng linh hoạt hơn. Các yếu tố vĩ mô này sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo thuận lợi trong năm tới để tiếp tục duy trì động lực kích thích cho phát triển TTCK và nền kinh tế.
Chủ tịch UBCKNN cho rằng, vấn đề xử lý nợ xấu hiện rất cần tháo gỡ về cơ chế. Đây sẽ là vấn đề khá quan trọng vì “cục máu đông” này đã gây cản trở tiếp cận vốn và phát triển lành mạnh hệ thống tài chính và TTCK trong những năm qua. Nếu được xử lý, dòng vốn sẽ được khơi thông, rất tốt cho DN và cho TTCK.
“Khi TTCK tốt hơn, sẽ hỗ trợ trở lại cho NH trong việc xử lý nợ xấu. Và như vậy, hai bên có sự tác động lẫn nhau”, ông Bằng nói và cho biết thêm rằng, việc cổ phần hóa gắn với niêm yết năm tới sẽ được đẩy mạnh. Đây cũng là điểm thuận lợi đối với TTCK năm 2017 bởi với chính sách này, nhiều DN sẽ phải lên TTCK, khi đó, sẽ có nhiều hàng hóa quy mô, chất lượng.
Để hỗ trợ TTCK phát triển mạnh mẽ hơn trong năm tới, người đứng đầu UBCKNN cho biết, sẽ tiếp tục thuyết phục Chính phủ cho phép áp dụng hình thức ghi sổ (book building). Được biết, năm 2016, UBCKNN đã xây dựng đề án chi tiết về vấn đề này trình Chính phủ với đề xuất sẽ làm thí điểm đối với đợt cổ phần hóa lớn bán cho NĐT chiến lược trong và ngoài nước. Nếu thí điểm thành công sẽ làm đại trà. “Nếu làm được, đây sẽ là một trong những phương thức hút dòng vốn lớn thực sự chảy vào Việt Nam. Điều này không chỉ tạo sức cầu cho TTCK mà khi đưa được nhiều hàng lên, sẽ tạo nguồn hỗ trợ cho tỷ giá”, ông Vũ Bằng nhận định.
Một điểm thuận lợi khác cho phát triển của TTCK trong năm 2017 là kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán, gỡ ách tắc cho dòng vốn đầu tư nước ngoài và khắc phục vướng mắc với Luật Đầu tư. Những thông tin mới nhất cho biết, bước đầu, luật này có thể thay đổi theo hướng sẽ coi DN có trên 60% vốn nước ngoài mới là NĐT nước ngoài. Luật mới cũng dự kiến bổ sung thêm thẩm quyền điều tra, tiếp cận tài khoản của UBCKNN để xử lý các sai phạm của các thành viên trên thị trường.
Tuy nhiên, ông Vũ bằng cũng nhận định, TTCK Việt Nam 2017 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi những dự báo về sự lên giá của đồng USD, diễn biến tăng lãi suất của Mỹ và sự dịch chuyển dòng vốn ngoại. Song, đây là xu thế phải chấp nhận và phải được theo dõi một cách chặt chẽ. “Nếu NHNN có ứng xử khéo léo và các cải cách tiếp tục được thực hiện như năm vừa qua, thì dòng tiền có thể không biến động mạnh và không khó để hóa giải việc này”, ông Vũ Bằng kỳ vọng.