Chúng ta ứng xử với nông nghiệp rất lúng túng?
LienVietPostBank tiếp tục “Giải cứu đàn lợn” tại Quảng Trị | |
Không thể cứ ngồi chờ giải cứu | |
Mở rộng tín dụng cho chủ trang trại |
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường |
100 nghìn tỷ đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang được gỡ khó
Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại nền kinh tế nông nghiệp, vì vậy theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước), cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà rất phấn khởi với chủ trương của Chính phủ triển khai gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc triển khai gặp rất nhiều khó khăn, các doanh nghiệp hợp tác xã khó tiếp cận được vốn do các quy định bất cập, như phải có 3 năm hoạt động liên tục được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phải được công nhận quyền sở hữu tài sản trên đất, đòi hỏi nguồn lực tài chính rất lớn. “Bộ trưởng sẽ tham mưu giải quyết những bất cập của các doanh nghiệp hợp tác xã nông nghiệp như thế nào để họ sớm tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, bà Hạnh đặt câu hỏi.
Giải đáp về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, với mục tiêu nòng cốt là đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cần một gói kích thích cho sản xuất nông nghiệp 100 nghìn tỷ đồng để khuyến khích các doanh nghiệp, các hợp tác xã, bà con nông dân tập trung đổi mới công nghệ đưa vào sản xuất để chúng ta có những dạng hàng hóa tập trung hơn, phù hợp với thị trường hơn.
Trên tinh thần đó, sau khi có chủ trương của Thủ tướng, ngành nông nghiệp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để hướng dẫn các tổ chức thương mại, hướng dẫn các địa phương thực hiện triển khai thực hiện. Theo đó Bộ Nông nghiệp đã khẩn trương hoàn thành các bộ tiêu chí đánh giá nhóm sản xuất hàng hóa, đối tượng từ doanh nghiệp, từ hợp tác xã và sau này Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bổ sung thêm cả các nhóm hộ nông dân. "Chúng ta xây dựng bộ tiêu chí để hướng vào những dạng hình sản xuất, phân khúc sản xuất, những đối tượng sản xuất mà có thể chúng ta có thị trường, có tiềm năng", Bộ trưởng Cường cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, NHNN cũng đã vào cuộc rất nhanh, cho đến nay đã chỉ đạo được 8 ngân hàng thương mại với số vốn đăng ký là 120.000 tỷ đồng đưa vào chương trình này và theo hướng từng đối tượng, từng quy mô, từng vùng sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại bình thường là 0,5-1,5% tùy từng loại hình.
"Kết quả cho đến giờ phút này, chúng ta đã giải ngân được khoảng trên 30.000 tỷ đồng cho các dự án, cho các doanh nghiệp, cho các khu vực sản xuất và con số này sẽ ngày được tiếp tục tăng lên”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.
Thừa nhận có một số khó khăn như các đại biểu đã nêu, chẳng hạn như vấn đề tài sản trên phần đất khi hình thành tài sản làm điều kiện thế chấp đúng là có vướng... Đơn cử, một nhà kính, một nhà lưới trị giá hàng tỷ đồng, hàng chục tỷ đồng hình thành trên đất tại sao lại không được hoàn thiện tư cách pháp lý để trở thành tài sản tín chấp, trong khi chúng ta đang khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao. Bộ trưởng Cường cho biết, hiện Thủ tướng đã chỉ đạo cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể cả Bộ Tư pháp để xử lý vấn đề này.
"Vấn đề này đang tập trung tháo gỡ và Bộ Tư pháp cũng đã trình bày những điểm lý giải vấn đề này để cùng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa phần thông tư làm sao đảm bảo trở thành thuận nhất cho công tác tiếp cận vốn", Bộ trưởng cam kết.
Giải cứu lợn và trách nhiệm của Bộ trưởng
Giải cứu lợn là đề tài được nhiều đại biểu đề cập đến khi chất vấn vị Tư lệnh ngành Nông nghiệp. Đại biểu Nguyễn Sơn thẳng thắn, sự lúng túng trong giải cứu lợn thì đâu là nguyên nhân, ai chịu trách nhiệm? Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan hỏi, giá thịt lợn lao dốc không phanh gây thiệt hại kinh tế, ảnh hưởng an sinh xã hội thì đâu là giải pháp căn cơ? Đại biểu Trần Dương Tuấn thì đặt vấn đề, trong tầm nhìn của Bộ trưởng thì tới đây còn cái gì cần giải cứu để nói trước cho người dân còn biết?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dư thừa thịt lợn. Thứ nhất do sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh. Trong hơn 10 năm, thực phẩm thịt lợn tăng trên 3,6 lần, từ 3,4 triệu tấn lên 5,6 triệu tấn; sữa từ 511.000 tấn lên 800.000 tấn, cùng với đó là hàng chục triệu quả trứng. Bên cạnh đó, quy mô nông hộ chăn nuôi từ 7 triệu hộ đến nay gom lại vẫn còn hơn 3 triệu hộ, vẫn là quá nhiều. Thứ hai, liên quan rổ cơ cấu thực phẩm. Nếu như trước đây bữa cơm có 75% là thịt lợn thì bây giờ có nhiều thực phẩm khác để người dân lựa chọn như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò… Tất cả những điều đó gây mât cân đối cung cầu, khiến cho dư thừa thịt lợn tạm thời. Bộ trưởng Nông nghiệp cũng dẫn ra “ngay ở nước Bỉ, nền kinh tế có GDP 500 tỷ USD và chỉ có 3% dân số làm nông nghiệp, vậy mà họ vẫn có khủng hoảng thừa… Cho nên chúng ta phải cố gắng để tổ chức lại sản xuất, quy hoạch, chế biến”.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cảm thấy “không thuyết phục” và cho rằng, “trong việc giải cứu đàn lợn tôi thấy vắng bóng vai trò của quản lý Nhà nước. Nếu quy hoạch lập ra có căn cứ, tiêu chí phù hợp với giai đoạn đó, khi thị trường thay đổi thì vai trò của quản lý Nhà nước như thế nào trong việc cung cấp thông tin, định hướng sản xuất”. Ông Hồng chốt lại rằng, “Bộ trưởng nói bây giờ phải có nhà sản xuất thông minh, còn cử tri thì nói rằng phải có nhà quản lý thông minh. Cứ thế này thì có câu hỏi là ngoài lợn thì giải cứu gì nữa? Tôi nghĩ là cây cao su đang cần giải cứu, rồi cam, quýt, bưởi khả năng cũng phải giải cứu nữa”.
Còn đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề, “Bộ trưởng có nói năng lực sản xuất còn lớn, trong khi đó dân ta còn nhiều lựa chọn về thực phẩm khác mà không dùng đến thịt lợn. Tôi xin nói với Bộ trưởng, ví dụ ở New Zealand số lượng cừu, bò gấp mấy lần dân số thì người ta sản xuất, tiêu thụ đi đâu. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn, “Bộ trưởng có biết người nông dân đang nghĩ gì về trách nhiệm của Bộ trưởng không? Bộ trưởng có biết người nông dân đang mong muốn Bộ trưởng làm gì để thể hiện trách nhiệm của mình không?”.
Nữ đại biểu TP.Hồ Chí Minh còn nhận định, “chúng ta ứng xử với nông nghiệp rất lúng túng. Cái dễ thì chúng ta làm, nhưng cái khó nhất hiện nay là tổ chức sản xuất thì lại chưa tập trung làm, chưa có giải pháp đột phá”.