Chuyển phí thành giá: Kỳ vọng vào sự thay đổi nhận thức
Phải tiết kiệm từng đồng xu của ngân sách và của người dân | |
Người dân cần tham gia từ ý tưởng | |
Trợ thủ cho dịch vụ công hiện đại |
Từ 1/1/2017 sẽ bãi bỏ 94 loại phí và lệ phí theo Luật Phí và Lệ phí, có 44 loại phí sẽ chuyển thành giá. Trong đó có 17 loại phí sẽ chuyển thành giá do Nhà nước định giá và 27 loại được định giá theo thị trường.
Đây là những nội dung mới trong Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 8 Nghị định số 177/2013/NĐ-CP. Đáng nói hơn, khi đã là giá, có nghĩa là sẽ chịu ảnh hưởng của thị trường, là có sự cạnh tranh... Mặt tích cực của sự chuyển đổi này là sẽ làm thay đổi nhận thức “phải phục vụ tốt mới có nguồn thu” và người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn.
Phân rõ vai định giá, quản lý giá
Ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong 17 khoản phí và lệ phí chuyển sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá, hầu hết đều giữ nguyên mức phí như hiện hành. “Về cơ bản, việc chuyển từ phí sang giá không làm xáo trộn hoạt động cung ứng dịch vụ của đơn vị và việc sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân”, ông Liêm cho biết.
Ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, trên cơ sở Nghị định 149, Chính phủ giao thẩm quyền cho 6 Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông - Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công Thương, Y tế, quy định giá 10/17 hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, UBND các tỉnh quy định 9/17 hàng hóa, dịch vụ. Hình thức định giá gồm khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu và giá cụ thể.
Về cơ bản, việc chuyển từ phí sang giá không làm xáo trộn hoạt động cung ứng dịch vụ của đơn vị |
Đáng chú ý Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành, địa phương đối với một số hàng hóa, dịch vụ. Trong đó, thẩm quyền rà soát và tiếp nhận Biểu mẫu đăng ký giá, văn bản kê khai giá đối với mặt hàng sữa và thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Bộ Y tế, sẽ thuộc Bộ Công Thương và Sở Công Thương.
Đối với mặt hàng dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá, dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá, cước vận tải hành khách tuyến cố định bằng đường bộ, cước vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt, thẩm quyền tiếp nhận văn bản kê khai giá, thuộc Bộ Giao thông - Vận tải và Sở Giao thông - Vận tải.
Cùng với đó, Nghị định 149 cũng bổ sung thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với sản phẩm dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Bổ sung mặt hàng kê khai giá gồm: Dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Bộ Giao thông - Vận tải; ethanol nhiên liệu không biến tính, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), khí thiên nhiên nén (CNG) thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Bộ Tài chính và Sở Tài chính.
Cần tăng cường kiểm soát giá
Cũng theo ông Nguyễn Văn Truyền, Nghị định 149 đã bổ sung quy định: “Trường hợp kê khai giảm giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện giảm ngay, đồng thời gửi văn bản kê khai giá để thông báo mức giá đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.
Nghị định bãi bỏ quy trình rà soát văn bản kê khai giá. “Nội dung thay đổi này nhằm bãi bỏ thủ tục hành chính về kê khai giá, đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện cho các DN, tổ chức sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP”, ông Truyền cho biết. Với thay đổi này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ tăng cường hậu kiểm về mức giá kê khai phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá trong trường hợp cần thiết để phục vụ công tác bình ổn giá, quản lý Nhà nước về giá, kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định tại Nghị định 149 và pháp luật liên quan, Bộ Tài chính đã ban hành 12 thông tư quy định về giá của 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ từ phí chuyển sang cơ chế giá do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền quy định giá của Bộ Tài chính.
Đánh giá cao những quy định mới trong Nghị định 149, song PGS-TS. Ngô Trí Long cho rằng, để ngăn chặn việc giá tăng vô lối, thời gian tới, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế quản lý và mức giá đối với các dịch vụ chuyển từ danh mục phí sang quản lý theo cơ chế giá quy định tại Luật Phí và Lệ phí năm 2015, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 và pháp luật liên quan.
“Đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường từ ngày 1/1/2017 mà Nhà nước không định giá, giá các dịch vụ cần được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý phù hợp với thị trường, quy định của pháp luật đối với những dịch vụ này”, ông Long khuyến nghị.
Đối với các loại phí được chuyển sang giá do Nhà nước định giá, cần tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện theo phân cấp của Chính phủ; Chú ý kiểm soát hết sức thận trọng, trong đó cần chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động, tình hình cân đối thu chi, đánh giá mức độ bù đắp các chi phí phát sinh để cung ứng dịch vụ từ số tiền thu phí theo mức phí hiện hành để xây dựng phương án giá dịch vụ.
Trường hợp những loại phí sang giá có tính chất đặc thù, cần phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương pháp định giá, xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm, tính toán chi phí thực tế hợp lý để hình thành nên giá. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hàng hóa thì cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục quản lý, điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng bình ổn giá (xăng dầu, điện, dịch vụ sự nghiệp công...) theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. “Trường hợp phải điều chỉnh giá (nhất là dịch vụ y tế ngoài BHYT và dịch vụ giáo dục), các bộ, ngành, địa phương phải đánh giá tác động và cân nhắc mức độ, thời điểm điều chỉnh thích hợp để hạn chế tác động mạnh đến mặt bằng giá cả thị trường chung”, ông Long nói.
Nghị định 149 chỉ quy định lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu tiêu thụ nội địa và bỏ quy định lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng điện và thóc, gạo tẻ thường. |