Phải tiết kiệm từng đồng xu của ngân sách và của người dân
Người dân cần tham gia từ ý tưởng | |
Các chính sách ưu đãi thuế, hiệp định thương mại quốc tế và vấn đề DV công ở Việt Nam |
Khi vẫn độc quyền rất khó giảm giá, tăng chất lượng
Chủ trương thị trường hóa, xã hội hóa dịch vụ công – tức là thu hút khu vực tư nhân tham gia vào lĩnh vực này đã được đặt ra từ lâu, nhưng thực tế vẫn phần lớn dịch vụ công ích (DVCI) vẫn do các DN có vốn Nhà nước cung ứng. Xã hội cho rằng với số lượng rất ít DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực công ích thì DNNN vẫn là độc quyền và khi vẫn độc quyền rất khó giảm chi phí, hạ giá thành và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang nạo vét bùn mương |
Nhằm đánh giá về hiệu quả cung ứng DVCI tại các đô thị phục vụ việc xây dựng Đề án "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (sẽ họp vào tháng 5/2017), ngày 5/1/2017, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và CTCP Đầu tư xây dựng và Thương mại Phú Điền đã tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách cung ứng DVCI tại các đô thị ở Việt Nam”.
TS. Nguyễn Mạnh Hải (Trưởng ban Ban Chính sách DVC - CIEM) cho biết, DVC ở Việt Nam phân loại thành 3 loại: Dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, và DVCI. Hiện thực hóa chủ trương thị trường hóa DVC, tạo “sân chơi” công bằng cho tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế khi tham gia lĩnh vực này Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm DVCI (SPDVCI) đã được ban hành.
Từ góc độ của một DN tư nhân đã sớm tham gia lĩnh vực cung ứng sản phẩm, DVCI và hiện là DN có uy tín, ông Lê Thanh – Giám đốc CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Phú Điền ghi nhận lợi ích của Nghị định 130: Đã hướng tới việc bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác lựa chọn đơn vị tham gia sản xuất, cung ứng sản phẩm DVCI, đưa yếu tố cạnh tranh vào lĩnh vực này nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt với giá cả hợp lý. Cơ chế đầu thấu sản phẩm DVCI được áp dụng.
Lợi ích lớn khi áp dụng rộng rãi hình thức đấu thầu cung cấp DVCI theo Nghị định 130 cũng được TS. Nguyễn Mạnh Hải đưa ra với những con số thuyết phục: Tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), tỷ lệ tiết kiệm từ đấu thầu các gói thầu cung cấp DVCI của đơn vị này luôn đạt trên 60%. Tại TP.HCM, khi đấu thầu dịch vụ thu gom rác sinh hoạt của 2 lần đấu thầu tại quận Bình Tân, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 48%, 3 lần đấu thầu tại Quận Tân Phú, tổng giá trị hợp đồng so với giá trị gói thầu giảm 11%.
Bước cuối phá bỏ thành trì bao cấp
Thế nhưng cả cơ quan Nhà nước là Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND các địa phương, và CIEM cũng như DNNN và DN tư nhân đang hoạt động trong lĩnh vực công ích đều đã chỉ ra những bất cập từ cơ chế và chính sách hiện nay đang trói chủ trương xã hội hóa DVCI. Thế nên cho dù DVCI là lĩnh vực dễ thực hiện xã hội hóa nhất trong số 3 lĩnh vực công nhưng số DN tư nhân tham gia vẫn chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
Cũng vì thế nên cho đến hôm nay “Dịch vụ công là khu trú cuối cùng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, vẫn chưa mở cửa thực sự để thị trường hóa như các lĩnh vực kinh tế khác. Cần phải thị trường hóa để khu vực này hoạt động theo nguyên tắc thị trường, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả”, TS.Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM lên tiếng. Hơn nữa, xã hội hóa thành công lĩnh vực công ích sẽ tạo tiền đề cho xã hội hóa các lĩnh vực còn lại.
Nghị định 130 đã trở thành bất cập và đang được các cơ quan liên quan soạn thảo một Nghị định sửa đổi khác. Để Nghị định mới được ban hành và chủ trương thị trường hóa DVC thực sự thị trường, bằng những nghiên cứu chính sách khá bài bản và kinh nghiệm thực tế, ông Lê Thanh đã thay mặt các DN đưa ra những khuyến nghị đáng ghi nhận.
Trước hết cần làm rõ định nghĩa thế nào là “sản phẩm, DVCI”. Là DVCI vẫn phải tuân theo nguyên tắc tối thiểu “thu bù chi” cho dù đó là DNNN hay tư nhân nên cần có tiêu chí đấu thầu minh bạch. Chỉ nên quy định cụ thể những trường hợp nào được áp dụng phương thức đặt hàng hoặc giao kế hoạch, tất cả các trường hợp còn lại đương nhiên phải thực hiện đấu thầu.
Ông Thanh đề nghị khuyến khích áp dụng các hình thức hợp đồng với giá hợp đồng và phương thức nghiệm thu theo nguyên tắc Nhà nước quản lý đơn giá, chất lượng của sản phẩm – dịch vụ cuối cùng.
Nêu quan điểm “phải tiết kiệm từng đồng xu một của ngân sách và của người dân. Khi sử dụng mỗi đồng tiền thuế người dân nộp đều phải được dùng để tạo ra một giá trị nào đó và điều đó sẽ đạt được khi thị trường hóa thực sự”, TS.Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh và cho biết thêm: “Việc thu hút DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực DVCI là bước cuối phá bỏ thành trì bao cấp, là thị trường hóa một lĩnh vực lâu nay bị bỏ qua”.