Cơ hội đầu tư cổ phiếu DN thép rộng mở?
DN thép: Loay hoay khai phá mảng miếng của nhau | |
Đà Nẵng: DN thép trước bài toán tồn tại | |
DN thép có “liều mình” khi đầu tư mới? |
Ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - CTCP Chứng khoán Công thương Việt Nam (VietinbankSc) cho biết, cơ hội đầu tư cổ phiếu ngành thép rất rộng mở, nhìn chung, DN toàn ngành đều có sự phục hồi rõ rệt với lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm cao hơn hẳn so với cả năm 2015.
Đặc biệt có những DN đã xóa hết lỗ luỹ kế trong năm 2015 như SMC, TLH… Xét về các chỉ số sinh lời, HPG và HSG vẫn là những DN đi đầu về tỷ suất lợi nhuận. Trong khi đó, NKG và SMC lại có tỷ lệ ROE cao nhất.
Ảnh minh họa |
Cung cấp thêm thông tin về quy mô và cơ cấu tài sản của các DN thép niêm yết, ông Đăng cho biết, đối với các DN sản xuất thép, tài sản cố định và hàng tồn kho là các hạng mục chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu tài sản, khác với các DN thương mại thép. Ngoài ra, xét về đòn bẩy tài chính, nợ vay ngắn hạn chiếm tỷ lệ lớn chủ yếu phục vụ nhu cầu vốn lưu động.
“Trong 6 tháng trở lại đây, đa số các cổ phiếu ngành thép đều có diễn biến tốt hơn VN-Index. Một số mã vẫn đang có các chỉ số P/E và P/B ở mức khá hấp dẫn so với thị trường, như: HSG (P/E: 5.33, P/B: 1.94), NKG (P/E: 3.82, P/B: 1.68), SMC (P/E: 1.96, P/B: 0.89) so với chỉ số ngành P/E 6.38 và P/B 1.85”, ông Đăng dẫn chứng.
Đánh giá triển vọng ngành thép Việt Nam, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết cho tới năm 2015, sản xuất phôi slab, thép cuộn cán nóng chính là điểm khuyết trong chuỗi giá trị mà Việt Nam chưa sản xuất được. Cùng với đó, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có. Chính vì vậy, trong năm 2015, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 14 triệu tấn thép thành phẩm, đứng thứ 6 trong danh sách các nước nhập siêu thép trên thế giới.
Một số chuyên gia cũng lạc quan khi cho rằng, mặc dù thị trường thép thế giới giai đoạn 2013-2015 biến động mạnh do giá quặng sắt liên tục ghi nhận mức thấp kỷ lục khiến cuộc khủng hoảng thép lan rộng trên toàn cầu, hầu hết các DN thép lớn thua lỗ. Nhưng vẫn còn một vài điểm sáng tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn này, chủ yếu đến từ các công ty tham gia vào khâu cuối của chuỗi giá trị thép, sản xuất các sản phẩm thép công nghiệp phụ trợ, đặc biệt là cho ngành sản xuất ô tô.
Cụ thể như Voestalpine AG - một công ty sản xuất thép phụ trợ của Áo đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 26,6% trong 9 tháng đầu niên độ tài chính 2014-2015 (từ 1/4/2016 đến 31/12/2016).
Thị trường thép trong nước cũng có cùng đà biến động với xu hướng của thị trường thép thế giới. Biên lợi nhuận gộp các DN trong ngành giảm mạnh, dao động từ -10% đến 6%. Chỉ riêng HPG và HSG vẫn giữ ở mức cao 17% đến 18%. Giai đoạn này tốc độ giảm giá diễn ra mạnh nhất khiến lượng hàng tồn kho sản xuất với giá nguyên liệu ở mức cao không tiêu thụ kịp so với tốc độ giảm giá của thành phẩm.
Tuy nhiên, tới quý I/2016, mặc dù giá thép vẫn giảm trong tháng 1 và chỉ hồi phục nhẹ từ tháng 3, nhưng các DN đã điều chỉnh chính sách tồn kho phù hợp hơn với diễn biến thị trường, do đó biên lợi nhuận dần được cải thiện.
Trong quý II/2016, khi giá thép phục hồi rõ nét, cùng với thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài bắt đầu có hiệu lực, tạo thành 2 yếu tố cộng hưởng giúp biên lợi nhuận gộp của các DN thép tăng lên rõ rệt. Đặc biệt, một số DN nhanh nhạy với biến động thị trường, chủ động tích trữ nguyên liệu giá thấp trong quý I/2016 còn đạt tăng trưởng lợi nhuận rất tốt trong quý II/2016, đảo ngược hoàn toàn so với quý IV/2015.
Cụ thể, HPG đạt biên lợi nhuận gộp 32%, HSG 24%, TLH 23%, KKC 18%, NKG 16%, SMC 10%… Sau giai đoạn phục hồi mạnh trong quý II/2016, giá quặng sắt tiếp tục biến động trong quý III và chưa thể hiện rõ xu thế phục hồi hoàn toàn. Do vậy, biên lợi nhuận gộp của các DN thép nhìn chung có xu hướng giảm.
Nhận định thêm về triển vọng ngành thép Việt Nam, ông Đăng cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới. Tuy nhiên, cơ hội tăng trưởng của các DN thép Việt vẫn còn tốt hơn nếu DN giải quyết 3 giải pháp.
Thứ nhất, tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình sản xuất khép kín. Bởi lẽ việc tổ chức quy trình sản xuất khép kín sẽ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết giảm tối đa chi phí sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu. Chu trình sản xuất khép kín cũng tạo cơ hội cho DN quản lý, đảm bảo chất lượng sản phẩm ở từng khâu sản xuất chặt chẽ hơn. HPG là một ví dụ điển hình cho việc phát triển theo hướng đi này và trụ vững trong giai đoạn khó khăn của ngành thép thời gian qua.
Thứ hai, khai thác những khâu còn khuyết trong chuỗi giá trị ngành. DN nếu nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, bài bản vào các sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được như phôi dẹt, thép cuộn cán nóng, hay các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như thép cơ khí chế tạo sẽ có tiềm năng phát triển rất lớn.
Thứ ba, DN cần đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tốt và biên lợi nhuận cao. Bởi hiện nay năng lực sản xuất của công nghiệp thép Việt Nam đã đáp ứng được nhu cầu trong nước về thép xây dựng, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Do đó, việc khai thác thị trường xuất khẩu là rất cần thiết để mở rộng dư địa tăng trưởng của DN.