Cơ hội đầu tư hàng không còn rộng mở
Cổ phiếu hàng không trước giá dầu cao | |
An toàn hàng không: Yếu tố sống còn | |
Vietnam Airlines lên kế hoạch niêm yết trên HoSE trong năm 2018 |
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong giai đoạn 2013 – 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế tăng trưởng bình quân 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế tăng 6,6%. Dự báo đến năm 2035, thị trường hàng không Việt Nam sẽ nằm trong nhóm 5 thị trường có lượng khách tăng trưởng cao nhất thế giới.
Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, thị trường hàng không trong vài năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, giai đoạn 2010-2016 thị trường vận tải có sự tăng trưởng rất cao, giữ liên tục ở mức 17% về hành khách và 12,2% về hàng hoá. Riêng trong năm 2017, tổng lượng hành khách và hàng hoá vận chuyển qua đường hàng không đã tăng trưởng lần lượt 16% và 23,8% so với năm 2016. Dự kiến tốc độ tăng trưởng nhanh vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nhờ lượng hành khách và hàng hoá tăng lên.
Phân tích các lý do thúc đẩy tăng trưởng ngành hàng không, ông Thọ cho biết đó là du lịch đang tiếp tục trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, thể hiện ở con số 13 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam năm 2017, duy trì đà tăng trưởng các năm và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay. Mặc dù hiện nay Việt Nam mới có 4 hãng hàng không, song cùng với đó đã có 50 hãng hàng không nước ngoài có đường bay đến Việt Nam. Cùng với đó, ngành hàng không đang hội tụ đầy đủ những mặt thuận lợi từ chính trị, an ninh quốc phòng đến dân số, xã hội, kinh tế vĩ mô, chính sách hội nhập kinh tế… Vì vậy, thời gian tới ngành hàng không có thể tiếp tục phát triển nóng.
PGS-TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bổ sung một dẫn chứng khác cho thấy ngành hàng không đang có nhiều cơ hội phát triển. Đó là Tập đoàn Samsung hiện chiếm tới hơn 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào Việt Nam và phương thức vận chuyển nguyên vật liệu, thành phẩm mà tập đoàn này lựa chọn là hàng không. Cùng với sản phẩm của Samsung, vận chuyển sản phẩm công nghệ cao hiện nay chủ yếu qua đường hàng không, cho thấy một phần rất quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất càng ngày càng hướng về phương thức vận tải này.
Câu chuyện này cho thấy cơ cấu vận tải hàng hoá thay đổi rất lớn, gắn với thời đại, với sản xuất liên kết theo chuỗi. Vì vậy ngành giao thông vận tải cần tập trung đánh giá cho đúng tiềm năng phát triển của vận tải hàng hoá qua đường hàng không để hoạch định phát triển dài hạn.
Đánh giá tổng quan về thị trường hàng không, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng trong số các ngành lĩnh vực của nền kinh tế, có 3 ngành đứng đầu và có thể “ngồi ngang mâm bát nói chuyện với thế giới”, trong đó có hàng không. Tuy nhiên, chính vì phát triển nóng cùng với sự xuất hiện của hàng không giá rẻ, đã khiến cho ngành hàng không trở thành mảnh đất đầy màu mỡ nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức khi sự cạnh tranh trong lĩnh vực này đang diễn ra khốc liệt.
“Ở Đức, hàng không giá rẻ có sân ga, đường lên xuống và đường băng khác với sân bay quốc tế và không được chung với sân bay thương mại. Còn ở nước ta, giá rẻ, giá đắt, thương mại… cùng hạ cánh một chỗ, dùng chung một cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ tạo ra sự quá tải và không công bằng. Hành khách trả giá đắt cũng chịu cảnh chen chúc như người đi giá rẻ”, ông Lịch cho hay.
Theo ông Lịch, hậu quả trước mắt của sự cạnh tranh phát triển nóng là phá vỡ toàn bộ dự báo về các sân bay, gây ra tác động ở tầm vĩ mô. Vì vậy chính sách giá rẻ phải ở cấp quốc gia chứ không phải tự phát. “Nếu phát triển tự phát theo kiểu cứ phát sinh tới đâu xử lý tới đó, sẽ như đánh cờ nước một. Vì vậy tôi ủng hộ phải phân chia giá rẻ, nhưng chính sách quản lý từ hạ tầng sân bay phải tạo môi trường tạo cạnh tranh bình đẳng sòng phẳng với nhau”, ông Lịch khuyến nghị.