Cơ hội tăng trưởng cho thị trường BĐS
M&A bất động sản hồi sinh dự án | |
Duy trì sức hút sau APEC 2017 | |
M&A bất động sản thu hút nhà đầu tư ngoại |
Nhiều yếu tố thuận lợi
Sau sự kiện APEC 2017 đang mở ra nhiều cơ hội phát triển các ngành nghề, dịch vụ tại TP. Đà Nẵng, trong đó có bất động sản (BĐS). Trên thực tế, là chủ nhà của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, thị trường BĐS ở địa phương đang có nhiều xung lực mới để phát triển...
Mới đây, ông Troy Griffiths - Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam đã đưa ra những nhận định về ngành du lịch cũng như BĐS tại TP. Đà Nẵng trong thời điểm này. Theo ông Troy Griffiths, gần đây một điều rất dễ nhận thấy đó là “thương hiệu” Đà Nẵng đang dần được công nhận trên toàn cầu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng ngành du lịch. Với lợi thế về khí hậu ấm áp, bãi biển tuyệt đẹp và nền văn hóa địa phương đặc sắc… phân khúc khách sạn, resort nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng đã thật sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình du lịch tại Việt Nam.
Thị trường BĐS tại Đà Nẵng đang có nhiều xung lực để phát triển |
Bên cạnh, đây cũng là một thành phố phát triển thịnh vượng với chỉ số GDP nửa đầu năm 2017 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI đăng ký tăng mạnh ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái với 269,5%, tương đương khoảng 14,3 triệu USD giải ngân; cùng chỉ số tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 là 7,5%, đạt mức cao nhất trong 6 năm…
Ngành du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng tiếp tục bùng nổ với số lượng các chuyến bay quốc tế và nội địa không ngừng gia tăng, cùng sự “đổ bộ” của chuỗi các tập đoàn khách sạn hàng đầu trên thế giới. Sự hình thành đúng lúc của các dự án cơ sở hạ tầng đáng chú ý như mở rộng sân bay và đường hầm Điện Biên Phủ để “đón” APEC cũng là những ví dụ điển hình cho việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ lâu dài cho sự tăng tưởng của thành phố trong tương lai. Ngoài ra, sự mở rộng nhanh chóng của các khu nghỉ dưỡng dọc theo bãi biển hiện nay đã góp phần khẳng định khả năng cung cấp các dịch vụ đẳng cấp của Đà Nẵng, đáp ứng tiêu chuẩn thế giới, đặc biệt là các thị trường Bắc Á.
Tương tự, theo ông Phạm Thái Bình - Trưởng bộ phận Bán Lẻ, Savills TP. Hồ Chí Minh, sức tác động của APEC tại Đà Nẵng, cụ thể là thị trường bán lẻ có lối mở tương đối khả thi. Bởi, sự phát triển của hạ tầng luôn dẫn dắt sự tăng trưởng bán lẻ. Hiện, sự kiện APEC đã giúp Đà Nẵng sở hữu hàng loạt cơ sở hạ tầng giá trị và trong tương lai, đây chính là chìa khóa cho việc tập trung hoạt động bán lẻ. Bên cạnh, nhiều người cũng kỳ vọng vào sự phát triển của các trung tâm thương mại tích hợp trong các dự án resort, du lịch nghỉ dưỡng giải trí, ngôi nhà thứ hai… đang “bùng nổ” tại địa phương. Đà Nẵng trước và cả sau APEC đang ở trong “tầm ngắm” của hàng loạt các thương hiệu lớn thuộc lĩnh vực ẩm thực như Mc Donald hay Phúc Long.
Theo kế hoạch tới đây, nhà phân phối của các thương hiệu thời trang từ trung đến cao cấp Maison cũng đang thăm dò địa điểm cho hai thương hiệu PEDRO và Charles & Keith tại thành phố. Trong khi đó, đánh giá về sự quan tâm của các nhà đầu tư đến thị trường BĐS Đà Nẵng, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc, Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển (CBRE Việt Nam) cho rằng, làn sóng đầu tư, đặc biệt BĐS nghỉ dưỡng đang diễn ra mạnh mẽ ở TP. Đà Nẵng để đón đầu nhu cầu của du khách cả trước và sau sự kiện APEC. Nhiều nhà đầu tư còn gửi gắm kỳ vọng “lên giá” của thị trường, sau sự kiện có tầm quan trọng toàn cầu này.
Thị trường tiếp tục “nóng”
Ngay trước thời điểm diễn ra APEC 2017, tại diễn đàn xúc tiến đầu tư Đà Nẵng 2017, TP. Đà Nẵng cũng đã đưa ra chính sách ưu tiên kêu gọi các tập đoàn lớn đầu tư phát triển các sản phẩm công nghệ cao, du lịch, đặc biệt là các tổ hợp giải trí, BĐS nghỉ dưỡng... Ngay tại diễn đàn, tổng số vốn cam kết đầu tư từ nhiều dự án lên tới hơn 35 nghìn tỷ đồng. Theo nhiều người, với một dòng vốn tương đối lớn này sẽ chảy vào cơ sở hạ tầng, du lịch, giải trí, công nghệ đã tạo thành một đòn bẩy cực lớn cho thị trường BĐS tại TP. Đà Nẵng trong thời gian tới đây...
Theo ông Trịnh Việt Hưng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn The Empire, BĐS Đà Nẵng đón được “sóng lớn” từ APEC bởi lượng khách tham gia APEC sẽ kích cầu thị trường khách sạn và các loại hình dịch vụ khác tại Đà Nẵng. Bên cạnh, đây là cơ hội để quảng bá hình ảnh Đà Nẵng đến bạn bè quốc tế khi có đến hàng nghìn phóng viên các cơ quan truyền thông lớn trên thế giới đến đưa tin. Sau sự kiện, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng sẽ tăng trưởng mạnh và không chỉ dừng lại ở gần 6 triệu khách của năm 2016. Điều này có ý nghĩa lớn đối với các dự án BĐS nghỉ dưỡng đang triển khai tại đây. Ngoài ra, còn phải kể đến việc Đà Nẵng đã đón nguồn ngân sách trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm chuẩn bị cho APEC.
Trên thực tế, thời gian gần đây thị trường BĐS tại Đà Nẵng đang có sự tăng trưởng mạnh, hoạt động đầu tư sôi nổi ở nhiều phân khúc từ đất nền đến các hình thức căn hộ khách sạn. Trong đó, điểm khác biệt của thị trường BĐS Đà Nẵng đó là phân khúc BĐS căn hộ khách sạn (condotel). Thị trường BĐS tại TP. Đà Nẵng còn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư bởi mặt bằng giá BĐS còn “dễ chịu”, trong khi ở Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng trở nên đắt đỏ.
Ông Erik Billgren, Quản lý điều hành Savills Đà Nẵng cho rằng, thị trường BĐS Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục phát triển nhờ con số khách du lịch đến thành phố ngày càng tăng lên và cũng nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu đến từ Hà Nội và các địa phương khác, đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp giàu có ở địa phương.
Bên cạnh, thị trường BĐS ở địa phương cũng đang chứng kiến những thương vụ thâu tóm, chuyển nhượng có quy mô lớn để khai thác lợi thế. Nhiều dự án sau một thời gian “án binh bất động” cũng đang chuẩn bị tái khởi động sau khi được phép chuyển nhượng. Hoạt động sáp nhập, mua bán các dự án BĐS trên địa bàn sẽ tiếp tục bùng nổ thời gian tới, bởi quỹ đất của Đà Nẵng không nhiều tâm lý của các nhà đầu tư là luôn muốn săn những “dự án đắp chiếu” tiếp tục quá trình đầu tư, chứ không muốn mất quá nhiều thời gian thực hiện thủ tục từ đầu...