CPI phát tín hiệu cảnh báo?
Lạm phát giảm tốc sau Tết | |
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,46% trong tháng Tết | |
Giá vẫn chịu chi phí trung gian vô lý |
Sáng hôm qua, 28/2, Tổng cục Thống kê chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) với diễn biến “hạ nhiệt” đã xuất hiện. Đây có thể coi là diễn biến lạ, bởi thực tế chuỗi số liệu tính cho CPI tháng này rơi vào giai đoạn Tết Nguyên đán. Trong khi đó, các phân tích của Tổng cục Thống kê cho hay, giá thịt lợn, rau tươi và quần áo lại giúp kéo chỉ số giá xuống.
Tuy nhiên, do tăng giá xăng dầu, tăng giá gas, kết hợp với hàng ăn “làm giá” dịp Tết và tăng giá ở một số mặt hàng Nhà nước quản lý nên CPI tháng này vẫn còn tăng. Cụ thể, CPI tháng 2/2017 chốt lại ở mức tăng 0,23% so với tháng trước, thấp hơn mức tăng 0,46% của tháng 1 đầu năm nay. Nhưng, sự chú ý lại liên quan đến một con số khác - CPI 2 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ.
Vào năm ngoái, chỉ tiêu pháp lệnh về lạm phát đã được chuyển từ so sánh tháng 12 năm kế hoạch so với tháng 12 năm liền trước sang CPI bình quân năm. Chỉ tiêu này của năm 2017 được ấn định là 4%, trong khi cả năm 2016 chỉ ở mức 2,66%, khiến cho nhiều ý kiến đặt vấn đề rằng điều hành vĩ mô dường như có “hơi hướng” nới lỏng? Nhưng sang đến đầu năm nay, CPI bình quân so với cùng kỳ đột ngột tăng lên, với 2 tháng đầu năm 2017 tăng tới 5,12% so với 2 tháng năm 2016.
Diễn biến này cảnh báo khả năng khó kiểm soát lạm phát so với mục tiêu đặt ra? Câu hỏi này đã được Thời báo Ngân hàng chuyển đến các chuyên gia về thống kê. Theo một cán bộ thống kê công tác tại Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê): “Chỉ tiêu CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2017 tăng trên 5% chưa nói lên được điều gì và chưa phản ánh chắc chắn chỉ tiêu này của cả năm 2017 sẽ vượt mục tiêu 4% đặt ra”.
Về mặt kỹ thuật, theo giải thích của vị cán bộ nọ, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2017 là bình quân mức tăng của tháng 1/2017 so với tháng 1/2016 và tháng 2/2017 so với tháng 2/2016. Do các tháng cuối năm 2016 có nhiều tháng CPI tăng cao và được cộng dồn lên, nên 2 chỉ tiêu nêu trên tăng rất cao, đều trên 5%.
“Trường hợp lạm phát các tháng tới tăng ổn định, không có đột biến, thì CPI bình quân cả năm sẽ có xu hướng thấp xuống. Nên việc chỉ tiêu lạm phát bình quân 2 tháng đầu năm cao hơn mục tiêu cả năm không thể là căn cứ để phát đi tín hiệu cảnh báo”, vị cán bộ thống kê nói trên cho biết.
Trên thực tế, diễn biến thương mại, đầu tư của nền kinh tế trong 2 tháng nay cũng cho thấy dấu hiệu trầm lắng. Công nghiệp tăng trưởng thấp xuống, đặc biệt là giảm ở ngành khai khoáng, với tồn kho cao. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cũng giảm tăng trưởng so với cùng kỳ. Hoạt động đầu tư, xây dựng chủ yếu tập trung vào thực hiện các dự án, công trình chuyển tiếp và triển khai kế hoạch đầu tư năm 2017…
Sản xuất và thương mại đã vậy, ở phía chính sách tiền tệ các dữ liệu cũng cho thấy quan điểm kiểm soát lạm phát vẫn duy trì. Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2/2017 chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 1,51% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ năm trước chỉ tăng 1,69%, thấp hơn mức tăng 1,83% của năm 2016 so với năm 2015.
“Trong tháng 2/2017, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Lạm phát cơ bản tháng 2/2017 so cùng kỳ ở mức dưới 2% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định”, Tổng cục Thống kê nhìn nhận.
Tuy nhiên, nhìn vào giai đoạn tiếp theo thì rủi ro lạm phát tăng cao vẫn còn. Giá xăng dầu đang là biến số khó lường, khi chiều hướng tăng giá đã xuất hiện trở lại một cách rõ ràng hơn kể từ khoảng tháng 8 năm ngoái. Trong khi đó, 2 nhân tố có khả năng tác động đến mức tăng đột biến của CPI là giáo dục và y tế vẫn còn cửa tăng giá tiếp.
Trong các nhân tố kể trên, giá dịch vụ y tế có lẽ là nhân tố đáng ngại nhất vì còn “room” tăng ở nhiều tỉnh. Có thể đo đếm tác động từ nhân tố này là rất “khủng khiếp”. Chỉ từ tháng 3/2016, khi Thông tư liên tịch 37 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính có hiệu lực tính cho đến cuối năm, có 36 tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh giá đã làm dịch vụ này tăng gần 77,6%, góp phần đẩy CPI tháng 12/2016 tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Tương tự, dịch vụ giáo dục năm 2016 được điều chỉnh tăng cũng góp sức tăng CPI 0,58%. Nói cách khác là 2 dịch vụ này góp đến hơn một nửa vào mức tăng CPI tháng 12 năm 2016 so với cùng kỳ (tăng 4,74%). Với giáo dục, giai đoạn chịu rủi ro tác động thường là vào CPI tháng 9, tháng 10, vì thế có thể tác động đáng kể đến CPI bình quân năm nay.
Trong bối cảnh như vậy, việc kiểm soát lạm phát tiếp tục đặt ra những thách thức cho năm nay. Và bài toán kiểm soát lạm phát cùng với hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý đặt lên vai cơ quan điều hành lại càng đòi hỏi chính sách tiền tệ phải chủ động, linh hoạt ứng biến với các vấn đề phát sinh trên thực tế…