CPI tháng 10 bật tăng mạnh 0,83% do viện phí và giá xăng
Giữ không tăng giá điện trong năm nay | |
Nỗ lực hoàn thành cao nhất nhiệm vụ năm 2016, tạo đà cho các năm tới | |
Ngân hàng không chủ quan với lạm phát |
Tăng giá viện phí đẩy CPI tháng 10 tăng mạnh nhất trong ít nhất là 3 năm qua |
Cụ thể, trong tháng chỉ có 2 nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm giá với mức giảm khá nhẹ là Bưu chính – viễn thông giảm 0,12%; Văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,02%. Còn lại có tới 9 nhóm hàng hóa dịch vụ tăng giá.
Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 10,07% do một số địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế đẩy nhóm dịch vụ y tế tăng mạnh tới 13,28%.
Bên cạnh đó 2 lần tăng giá xăng dầu ngày 20/9 và 5/10 cũng đẩy nhóm giao thông tăng 2,02% - đứng thứ hai về mức độ tăng. Xếp thứ ba về mức độ tăng là nhóm Giáo dục (tăng 0,61%) do một số địa phương tăng học phí.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI – cũng tăng 0,17% (trong đó lương thực tăng 0,03%; thực phẩm tăng 0,26% và ăn uống ngoài gia đình tăng 0,02%).
Với diễn biến giá cả tháng 10 như vậy, tính chung 10 tháng đầu năm (so với tháng 12/2015) CPI tăng 4%; còn so với cùng kỳ năm 2015, CPI tháng 10 tăng 4,09%. Bình quân 10 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015, CPI tăng 2,27%.
Trong tháng 10, CPI của khu vực thành thị tăng 0,74% so với tháng trước, tăng 3,97% so với cuối năm 2015 và tăng 4,04% so với tháng 10/2015. Trong khi các con số tương ứng của khu vực nông thôn là 0,92%; 4,02% và 4,13%.
Về diễn biến của hai loại hàng hóa đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 10 chỉ số giá vàng giảm 1,69% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 15,13% so với cuối năm 2015 và tăng 11,22% so với tháng 10/2015. Trong khi chỉ số giá đôla Mỹ tăng o,07% so với tháng trước, song vẫn giảm 0,92% so với tháng 12/2015 và giảm 0,54% so với tháng 10/2015.
Như vậy 2 tháng cuối năm, CPI chỉ còn dư địa tăng chưa tới 0,9% để lạm phát đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Đó là điều không hề đơn giản trong bối cảnh giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, trong khi thông thường nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm khiến giá cả hàng hóa chịu sức ép tăng...
Bởi vậy, “không thể chủ quan. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện kiểm soát tốt giá cả thị trường trong những tháng cuối năm, tránh để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá”, một chuyên gia khuyến cáo.
Được biết, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá mới đây, mặc dù khẳng định Chính phủ quyết tâm và có khả năng kiểm soát lạm phát ở mức dưới 5%, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhận định, nhiệm vụ của Chính phủ, các địa phương còn khá nặng nề với những yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, Tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; tháng 11/2016, OPEC dự kiến sẽ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương giữ không tăng giá điện trong năm nay; đồng thời theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn để không tạo ra lạm phát kỳ vọng.