Cuối năm lo nợ công sát ngưỡng
Ba biến số quan trọng và thế lưỡng nan | |
Nợ công: Vẫn đảm bảo chi trả đầy đủ, đúng hạn | |
Lời giải cho bài toán nợ công |
Trong các dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016 của các định chế tài chính quốc tế gần đây, một điểm nổi lên là tăng trưởng GDP sẽ khó đạt mục tiêu đề ra, trong khi lạm phát có chiều hướng tăng cao hơn. Đồng thời, các chuyên gia cũng tỏ ra lo ngại về tình hình thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục xu hướng tăng cao.
Tăng trưởng khó đạt mục tiêu
Theo báo cáo nghiên cứu triển vọng kinh tế toàn cầu vừa công bố, Ngân hàng Standard Chartered nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm nay trong khi lạm phát nửa cuối năm dự báo sẽ tăng mạnh hơn ở mức 3,4% (qua đó dự báo lạm phát cả năm sẽ tăng ở mức 2,6%) do tiêu dùng tăng mạnh hơn.
Một báo cáo phát đi cùng ngày của Ngân hàng HSBC dự đoán tăng trưởng GDP năm nay sẽ quanh mức 6%. Trước đó, báo cáo cập nhật về kinh tế Việt Nam được WB công bố khoảng giữa tháng 7/2016 cũng dự báo GDP năm nay sẽ chỉ tăng 6% và lạm phát cả năm sẽ quanh mức 4% (tức nửa cuối năm, lạm phát có thể tăng mạnh).
Nguyên nhân chính được các tổ chức chỉ ra là các đợt hạn hán, xâm nhập mặn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp, qua đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng. Trong khi đó, bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chứa đựng nhiều bất ổn kéo theo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn yếu hơn dự báo cũng sẽ tác động đến ngành xuất khẩu, dù trên bình diện chung của khu vực thì Việt Nam vẫn được đánh giá là nước xuất khẩu có nhiều điểm sáng nhất.
Theo HSBC, nguy cơ lạm phát tăng cao hơn cũng đồng nghĩa với việc dư địa nới lỏng tiền tệ sẽ bị giới hạn. “Chúng tôi dự báo NHNN sẽ có nhiều khả năng tăng lãi suất OMO lên 5,5% trong quý III/2017 để kiềm chế lạm phát”, báo cáo của HSBC nhận định.
Bên cạnh đó, trong khi việc thặng dư thương mại trong 7 tháng đầu năm đạt mức 1,8 tỷ USD được HSBC đánh giá là “một sự chuyển biến đáng chú ý” nếu so với mức thâm hụt thương mại 3,9 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái, thì các chuyên gia của Standard Chartered lại cho rằng, nhiều khả năng xuất khẩu ròng sẽ chuyển qua thâm hụt trong nửa cuối năm nay do nhu cầu nhập khẩu từ phương Tây sẽ yếu hơn.
Thậm chí theo dự báo của PGS-TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), cán cân thanh toán quốc tế cũng sẽ chịu tác động do những khó khăn trong đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định tác động sẽ không lớn do nhập khẩu có thể cũng giảm, kiều hối tăng và xuất khẩu của các DN FDI vẫn được duy trì.
Tín dụng, tỷ giá “trong tầm kiểm soát”
Nhưng trong bối cảnh Chính phủ vẫn quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, HSBC băn khoăn tăng trưởng tín dụng có thể sẽ được đẩy vượt mức dự kiến 18-20% trong năm nay để hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên với một số chuyên gia thì tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP như vậy vẫn là hợp lý.
Theo TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia: “Rõ ràng, nếu tăng trưởng tín dụng gấp tới 5-6 lần tăng GDP (như trước đây) là tăng trưởng quá nóng. Nhưng tôi cho rằng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay, mức tăng trưởng tín dụng cao hơn khoảng 3 lần tăng trưởng GDP là chấp nhận được, bởi tăng GDP ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn”.
Do đó, dù có một số dự báo cho rằng tăng trưởng GDP năm nay khó đạt mục tiêu 6,7% đề ra, nhưng khi Chính phủ vẫn quyết tâm để đạt được và lạm phát dù tăng cao hơn năm ngoái nhưng nhiều khả năng vẫn trong mục tiêu dưới 5% thì tăng trưởng tín dụng như vừa qua là chấp nhận được.
Hơn nữa theo bà Mùi, điều quan trọng cần quan tâm hơn là chất lượng tín dụng. Và để tăng chất lượng tín dụng thì việc kiểm soát và lái dòng vốn vào nền kinh tế thực, vào sản xuất kinh doanh là rất quan trọng, qua đó sẽ giúp giảm đi vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như BĐS, hạ tầng giao thông BOT… vốn có thể tạo ra nguy cơ rủi ro và méo mó về kỳ hạn, thanh khoản.
Trong khi nhận định vấn đề tỷ giá cũng không thể chủ quan trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động hiện nay, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, áp lực là không lớn và NHNN có thể giữ được ổn định tỷ giá trong những tháng tới.
Chuyên gia về tỷ giá Eddie Cheung của Standard Chartered nhìn nhận, việc NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm điều chỉnh theo ngày đã giúp tỷ giá ổn định mặc dù thị trường biến động mạnh hơn sau sự kiện Brexit vừa qua. Hơn nữa, cho dù cán cân thương mại dự báo chuyển sang thâm hụt nửa cuối năm nay có thể gây chút áp lực lên VND nhưng dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào mạnh sẽ giúp phần nào hóa giải áp lực này. “Tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, xoay quanh mức 1 USD quy đổi 22.400 VND vào cuối năm nay”, chuyên gia của Standard Chartered dự báo.
Đồng quan điểm trên, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh ngoại hối và trái phiếu (Ngân hàng HSBC Việt Nam) tin rằng, với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới dự báo vẫn còn nhiều biến động, thời gian tới đây NHNN sẽ tiếp tục có những biện pháp và công cụ phù hợp nhằm đảo bảo sự ổn định của tỷ giá và nằm trong tầm kiểm soát.
Lo nhất thâm hụt ngân sách và nợ công
Tuy nhiên, một vấn đề mà các chuyên gia tỏ ra lo ngại nhất hiện nay là thâm hụt ngân sách và nợ công tiếp tục xu hướng tăng cao. Như theo PGS-TS. Đặng Ngọc Đức, bội chi ngân sách là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay. Bởi trong khi tăng thu rất khó, thậm chí không thể tăng (do DN khó khăn, thu nhập không tăng, sản lượng tăng chậm, nợ thuế...) thì chi tiêu, cả chi thường xuyên và đầu tư lại rất khó cắt giảm. “Khả năng nợ công sẽ tiếp tục tăng để có nguồn chi tiêu và đảm bảo trả nợ”, vị này nêu quan điểm.
Báo cáo của HSBC dự báo, thâm hụt ngân sách trong năm nay có thể tăng ở mức 6,6% GDP và khiến cho tỷ lệ nợ công trên GDP sẽ tiếp cận mức giới hạn 65% do Quốc hội đề ra. WB cho rằng, yếu tố chính dẫn đến tình trạng này là do tình trạng thâm hụt tài khoá lớn và dai dẳng mà phần lớn được bù đắp từ nguồn vay nợ trong nước.
Nhưng cũng theo WB, quyết tâm của Chính phủ về tăng cường kỷ cương ngân sách phải cân đối với các biện pháp cải cách tạo khoảng đệm tài khoá, nhằm đảm bảo các khoản đầu tư hạ tầng quan trọng và chi dịch vụ công vẫn được thực hiện.
“Cần nâng cao chất lượng các biện pháp điều chỉnh tài khóa, kể cả cân đối thu-chi và tăng cường tiết kiệm chi thay vì cắt giảm các khoản chi và đầu tư một cách chung chung”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB khuyến nghị.