Đầu tư công: Lúng túng chuyện “con gà, quả trứng”
Để đầu tư công thực sự trở thành nguồn vốn mồi | |
Trong tháng 4 phải hoàn thành giao vốn kế hoạch đầu tư công 2016-2020 | |
“Khó khăn đầu tư công cũng không giảm đầu tư cho nông thôn mới!” |
Câu hỏi con gà có trước hay quả trứng có trước những tưởng là một triết lý phi lời giải nhất quán, không vận dụng được để lý giải thực tế nhiều vấn đề, nhưng có vẻ như đang hiện diện “vững chắc” trong hoạt động phân bổ vốn đầu tư công. Tại báo cáo trả lời nhóm các vấn đề chất vấn đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết tình trạng lúng túng với “con gà, quả trứng” gây ra nhiều tồn tại, hạn chế của các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách.
Theo người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi lập kế hoạch đầu tư công hiện yêu cầu phải có danh mục dự án (dự án có trước) để đăng ký kế hoạch thì mới xác định được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có sau). Nhưng ở chiều ngược lại, để phê duyệt được chủ trương đầu tư 1 dự án và đưa vào đăng ký kế hoạch thì phải dự kiến được khả năng cân đối nguồn vốn (nguồn vốn có trước) và mới có dự án (dự án có sau) để đăng ký kế hoạch.
Ảnh minh họa |
Từ cách thức vận hành như vậy, lại đặt trong bối cảnh thực tế hiện nay không có quy định về tỷ lệ bố trí vốn cần thiết cho từng dự án trong kỳ kế hoạch (trước đây Chỉ thị 1792 có quy định tỷ lệ bố trí của năm đầu tiên), nên dẫn tới việc bố trí vốn của các bộ, cơ quan, địa phương cho từng dự án cụ thể không hợp lý.
Việc mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng nguồn vốn dẫn tới tình trạng co kéo trong bố trí vốn đầu tư tại các bộ, cơ quan, địa phương; bố trí không đủ tỷ lệ, không đáp ứng tiến độ thực hiện dự án; không rõ ràng về sắp xếp thứ tự ưu tiên; kéo dài thời gian thực hiện dự án, bố trí vốn dàn trải...
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, trong việc triển khai Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn kèm theo, do Luật Đầu tư công lần đầu tiên được ban hành và áp dụng, vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế, các văn bản hướng dẫn kèm theo còn chưa được thống nhất và đồng bộ, dẫn tới cách hiểu, cách tiếp cận của các bộ, cơ quan, địa phương còn khác nhau và nhiều tình huống chưa thống nhất giữa các bộ, cơ quan, địa phương với Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm rà soát và tổng hợp.
Vì vậy, trong một số trường hợp, bộ, cơ quan, địa phương cho rằng bố trí vốn thiếu là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhưng theo quy định, việc lựa chọn danh mục dự án và bố trí vốn cụ thể cho từng dự án lại thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương…
Theo chương trình kỳ họp lần này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trả lời trực tiếp các chất vấn của đại biểu Quốc hội vào chiều 14 và sáng 15/6. Cụ thể là trả lời về giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia…
Như vậy, các tồn tại trên cũng có một phần liên quan đến tái cơ cấu đầu tư. Chưa rõ kết thúc phần trả lời chất vấn sáng 15/6 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có làm hài lòng đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, với việc đề ra được giải pháp xử lý vấn đề “con gà, quả trứng” nêu trên không, nhưng chắc chắn đây là điểm thắt rất quan trọng đang rất cần tháo gỡ. Bởi kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn tới còn rất lớn.
Về nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tính toán, giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội dự kiến khoảng 32-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư thay đổi mạnh mẽ theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn Nhà nước, trong đó có ngân sách Nhà nước và đầu tư của DNNN, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước. Theo đó, vốn Nhà nước dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020, vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.
Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư phát triển, giải pháp tổng thể trong giai đoạn 2016-2020 là tiếp tục đẩy mạnh, cơ cấu lại nền kinh tế, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt được đưa ra tại Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư. Từ đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.
Cùng với đó, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể mang lại nguồn lực đầu tư đáng kể, đặc biệt từ việc đẩy mạnh quyết liệt thoái vốn Nhà nước tại các DN có thể tạo ra nguồn thu từ 15-20 tỷ USD trong giai đoạn 2016-2020. Hiện nay, giá trị vốn chủ sở hữu Nhà nước đầu tư tại DNNN lên đến hơn 1,5 triệu tỷ đồng, chưa kể vốn Nhà nước tại DN đa sở hữu và vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN…