Đầu tư thu phí BOT: Ai quản? Quản ai?
Tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển mới đây, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời cơ chế quản lý các dự án BOT.
Theo ông Phớc, sau kiểm toán, thời gian thu phí của 4 trạm BOT được đề nghị rút ngắn khoảng 5 năm trở lên. "Có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, thu phí 13 năm thôi," ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Đừng biến BOT thành miếng bánh ngon cho lợi ích nhóm
Không thể phủ nhận rằng chính sách về dự án BOT (Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là một chủ trương đúng đắn nhằm huy động nguồn lực về sức người, sức của cho sự phát triển hạ tầng giao thông của đất nước.
Trong quá trình thực hiện đấu thầu đầu tư các dự án BOT, về nguyên tắc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và các bộ ngành liên quan đều tính toán kỹ đến quyền lợi các bên, trong đó có quyền lợi của người dân và sức chịu đựng của các doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc triển khai các dự án BOT trong thời gian qua còn nhiều bất cập.
Theo phản ảnh của các nhà đầu tư thì trong chính sách đầu tư, đáng lẽ ra phải có sự hỗ trợ của nhà nước, cụ thể là hỗ trợ về giải phóng mặt bằng (GPMB), bởi nếu nhà đầu tư được bàn giao mặt bằng sạch, suất đầu tư sẽ giảm xuống. Nhưng trên thực tế hầu như dự án nào cũng đều vướng trong công tác GPMB. Có dự án như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, công tác GPMB chiếm tới 1/4 tổng chi phí dẫn đến nhà đầu tư phải bỏ vốn lớn, suất đầu tư tăng nên đương nhiên nhà đầu tư dựa vào đó để tăng mức thu phí.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã có những văn bản pháp quy như Nghị định 108, Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức BOT. Tuy nhiên, các bộ, ngành quản lý lại chưa có các thông tư hướng dẫn đầy đủ, các bộ ngành vừa làm vừa xin ý kiến nên chưa chuẩn hóa trong quá trình đầu tư.
Hơn thế, về nguyên tắc các dự án BOT là phải thỏa mãn quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Tuy nhiên, có cảm giác rằng các quyền lợi chưa được bảo đảm công bằng trong các hợp đồng đầu tư BOT. Đơn cử như về cự ly các trạm, về mức thu hiện hành và lộ trình tăng phí... là những vấn đề gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua.
Theo ý kiến của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường về quản lý trong các dự án BOT: Hiện có 5 vấn đề cần minh bạch, cần quan tâm nhất, đó là chủ trương và quy mô thế nào. Thứ hai là lựa chọn nhà đầu tư ra sao. Thứ ba là phương án tài chính của dự án. Thứ tư là quá trình đầu tư xây dựng và thứ năm là thu phí hoàn vốn, chống thất thoát thế nào?
Và Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận, thời gian qua chúng ta có phần chưa thực sự quan tâm công khai những vấn đề này để người dân biết, nắm rõ để từ đó kiểm soát.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, các trạm thu phí hiện nay bố trí quá dày nhau, người dân và doanh nghiệp không có quyền lựa chọn, như đoạn Hà Nội - Thái Bình có tới 4 trạm, tiền phí cao hơn tiền xăng. Bên cạnh đó, việc thu phí vẫn thiếu công khai, minh bạch do áp dụng thu phí bằng tiền mặt.
Theo kết quả rà soát của Bộ GTVT, trên các tuyến quốc lộ hiện nay có 86 trạm đang và sẽ thu phí khi các dự án hoàn thành. Trong số này chỉ có 53 trạm đảm bảo khoảng cách trên 70 km giữa hai trạm, 9 trạm có khoảng cách 60-70 km và 24 trạm có khoảng cách dưới 60 km. Như vậy, có tới 33 trạm thu phí không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70 km giữa 2 trạm theo quy định của Thông tư 159 của Bộ Tài chính.
Với những điều mắt thấy, tai nghe và dư luận phản ảnh thì rõ ràng đang có sự thiếu minh bạch trong quản lý và hoạt động đầu tư, thực hiện thu phí tại các dự án BOT mà hệ quả là mật độ các trạm thu phí dày đặc và mức thu phí cao.
Những con số mà Kiểm toán Nhà nước đưa ra trước báo cáo với Quốc hội khiến cho chúng ta có thể hình dung ra việc đầu tư và thu phí BOT trở thành một miếng bánh ngon cho một nhóm lợi ích nào đó mà cuối cùng thì người dân và doanh nghiệp vận tải phải è cổ để đóng phí cao ngất ngưởng.
Cần siết chặt quản lý đầu tư, thu phí BOT
Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các dự án BOT giao thông”, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phát biểu: Có hai vấn đề trong quản lý các dự án BOT giao thông, đó là có hay không chuyện thất thoát và không minh bạch trong xây dựng, thu phí hoàn vốn.
TS. Ánh khuyến cáo: Hệ thống công khai giám sát hiện mới chỉ dừng ở 2 mối quan hệ là cơ quan quản lý Nhà nước - chủ đầu tư. Còn liên quan đến chủ thể thứ ba - người sử dụng dự án BOT, lại chưa được tiếp cận các thông tin minh bạch, công khai về dự án. Đối với người sử dụng và nộp phí BOT, nghi vấn tiêu cực của BOT, vị trí đặt trạm BOT đã hợp lý chưa là cái họ kêu nhiều nhất.
Trong thời gian qua, vấn đề được quan tâm lớn nhất chính là việc minh bạch về vốn đầu tư của các dự án BOT, bao gồm số vốn vay ngân hàng. Bởi tổng vốn đầu tư bao nhiêu, biết được số vay, lãi suất bao nhiêu thì sẽ biết được thời gian dự án thu phí bao nhiêu, mức thu phí ra sao. Tuy nhiên, hiện minh bạch vẫn là câu hỏi ngỏ cho các dự án.
Trước tiên, về việc đặt trạm thu phí BOT, Bộ GTVT cần phải có những tính toán hợp lý đảm bảo khoảng cách, mật độ các trạm thu phí được hợp lý nhất. Cần rà soát lại tất cả các trạm thu phí, hầu hết các trạm đều đảm bảo các tiêu chí đã đưa ra từ trước. Cương quyết xóa bỏ các trạm thu bất hợp lý.
Một trong những nguyên tắc của các nhà đầu tư khi đầu tư vào dự án đều mong được hoàn vốn sớm nhất. Nhưng phải bảo đảm sự công bằng bằng việc phân bố thời gian, mức thu phí để hoàn vốn nhưng cũng cần phải tính toán hợp lý cùng với quyền lợi mức chi trả của người dân và doanh nghiệp.
Thời gian vừa qua, dư luận dậy sóng trước sự phanh phui của báo chí trong việc gian lận thu phí tại các trạm BOT. Hầu như không có trạm nào không có tiêu cực và rõ ràng không thể kết luận rằng đó chỉ là những tiêu cực cá nhân mà đây chắc chắn đã có sự tiếp tay của các chủ đầu tư và cũng thấp thoáng đâu đây sự thiếu giám sát, buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành.
Hiện, Bộ GTVT đã cam kết áp dụng thu phí một dừng thông qua phần mềm có thể biết được có bao nhiều xe đi qua, thậm chí loại xe gì và thu bao nhiều tiền đều có thể kiểm soát được.
Ngày 11/3/2016, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận cho VietinBank triển khai mở rộng dịch vụ thu phí cầu đường tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe tại các điểm thu phí do VietinBank tài trợ vốn và các trạm thu phí thuộc khu vực miền Trung, miền Nam.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng chỉ đạo Cục Đăng kiểm phối hợp với VietinBank và các nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng triển khai dán thẻ RFID trên các phương tiện giao thông (thuộc diện chịu phí khi đi qua các trạm thu phí) tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.
Theo kinh nghiệm của các nước, việc áp dụng thu phí tự động thông qua tài khoản ngân hàng đã đem lại nhiều lợi ích, khi đó không có sự can thiệp của con người nên không thể tiêu cực, thất thoát khi xe qua trạm. Theo thống kê của Công ty TASCO (chủ đầu tư tuyến BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Bình), sau khi áp dụng thu phí tự động không dừng, nguồn tiền thu phí qua trạm tăng lên tới 20% so với trước (do giảm lao động, thất thoát vé...).
Theo chỉ đạo của Chính phủ thì Bộ GTVT cần phải đẩy nhanh việc áp dụng hình thức này để đến năm 2020, tất cả các dự án BOT chuyển sang thu phí không dừng. Với sự vào cuộc một cách quyết liệt của Chính phủ, trong tương lai các dự án BOT đầu tư vào hạ tầng giao thông sẽ ngày càng minh bạch.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Công văn số 6395/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. "Các TCTD cần theo dõi chặt chẽ để nắm bắt việc thay đổi chính sách thu phí các dự án BOT của Chính phủ và các bộ có liên quan, đánh giá lại hiệu quả các dự án BOT khi mức phí thay đổi để có biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn thu phí để thu nợ kịp thời, đầy đủ, đúng hạn", đó là một trong những nội dung chính của nội dung công văn số 6395/HNN-TD. |