Để chủ động hơn về nguồn cung nông sản
Nông sản hữu cơ có tiềm năng để xuất khẩu | |
Để nâng cao sức cạnh tranh với nông sản ngoại | |
Nông nghiệp xuất siêu 6,04 tỷ USD 8 tháng đầu năm. |
Nguồn cung phụ thuộc
Những ngày gần đây, trên thị trường TP. Đà Nẵng các mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau xanh liên tục biến động tăng giá do ảnh hưởng mưa lũ (khoảng 30% so với thời điểm trước). Trong đó, rau cải tăng mạnh từ 7 lên 12 nghìn đồng/bó; mồng tơi từ 6 lên 10 nghìn đồng/bó; cà rốt từ 17 tăng lên 20 nghìn đồng đồng/kg; khoai tây cũng tăng từ 18 lên 21 nghìn đồng/kg...
Và câu chuyện này đã trở nên phổ biến trong nhiều năm gần đây, cho dù mưa lũ có ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố này hay không. Nguyên nhân chính là do hiện nay, Đà Nẵng đang quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp nông sản tại nhiều địa phương khác trong cả nước. Mỗi khi có mưa lũ, nguồn cung về thành phố lại giảm mạnh do ách tắc cục bộ, vận chuyển khó khăn, hoa màu hư hỏng... thì giá các loại nông sản trên thị trường cứ thế “leo thang”.
Đà Nẵng đang phụ thuộc vào nguồn cung nông sản từ nhiều địa phương |
Theo thống kê của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. Đà Nẵng, trung bình mỗi năm thị trường Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 140 nghìn tấn rau, củ, quả các loại. Tuy nhiên, năng lực sản xuất tại địa phương chỉ vào khoảng 10 nghìn tấn. Đến nay, hầu hết việc sản xuất nông sản tại địa phương đều đang manh mún, thời vụ, chưa có sự chuyên nghiệp. Đơn cử, như tại vùng sản xuất rau an toàn Túy Loan, nằm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây là vùng sản xuất rau khá nổi tiếng của TP. Đà Nẵng. Thế nhưng, trung bình mỗi ngày HTX Rau an toàn Túy Loan chỉ cung cấp khoảng hơn 1,5 tấn rau, quả các loại cho các trường học, quán ăn và một vài siêu thị mini. Phần còn lại các xã viên phải tự đưa ra thị trường thông qua các thương lái.
Theo ông Bùi Dũng - Giám đốc HTX Rau an toàn Túy Loan, hiện nguồn rau sạch tại các siêu thị lớn ở Đà Nẵng như Mega, Co.op Mart chủ yếu được lấy từ Lâm Đồng. Đây là bạn hàng lâu đời, cung cấp đầy đủ số lượng rau sạch hàng ngày theo đơn hàng của từng nơi. Tương tự, tại Hợp tác xã rau La Hường, ở quận Cẩm Lệ cũng do diện tích đất sản xuất quá hẹp, gần bờ sông Cẩm Lệ cứ đến mùa mưa bão là bị nước ngập úng, vào mùa nắng nước sông Cẩm Lệ bị xâm nhập mặn nên không thể sản xuất một cách chuyên nghiệp với quy mô lớn. Bởi vậy, cũng không đáp ứng đủ số lượng để chen chân vào chuỗi cung ứng nông sản ở địa phương.
Chấp nhận thua ngay trên “sân nhà” đang là một thực tế đáng buồn của các HTX sản xuất nông sản ở Đà Nẵng. Mặc dù, những năm gần đây chính quyền thành phố đã có nhiều hỗ trợ sản xuất, kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại để nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản của địa phương. Những nỗ lực này nhằm đưa các mặt hàng nông sản có thể chen chân vào các siêu thị, chợ lớn trên địa bàn, cũng đồng thời để Đà Nẵng không quá phụ thuộc vào nguồn cung nông sản từ nhiều địa phương. Nhưng, xem ra mọi việc chưa cải thiện được là bao. Cứ đến mùa mưa lũ, giao thông cách trở thành phố lại khan hiếm rau xanh.
“Phao” nông nghiệp công nghệ cao
Nhằm cải thiện tình hình, cũng đồng thời phù hợp với tình hình thực tế khan hiếm quỹ đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương, một trong những phương án mà Đà Nẵng đang tập trung thực hiện đó là sản xuất nông sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, thành phố đã đưa ra các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Với mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đà Nẵng đang từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đồng thời có các cơ chế chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. UBND TP. Đà Nẵng cũng đã phê duyệt quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, tập trung vào sản xuất rau an toàn, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1:500 vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng công nghệ cao xã Hòa Khương và xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang). Tập trung quy hoạch vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn ứng dụng công nghệ cao kết hợp khu tham quan, nghỉ chân; quy hoạch khu trồng rau sạch, nhà lưới, vườn ươm, khu đất sản xuất... Khu trồng rau sạch có diện tích 37.395 m2, chiếm 23,06% tổng diện tích quy hoạch; đất vườn ươm ngoài trời có diện tích 2.022 m2, chiếm 1,25% tổng diện tích quy hoạch...
Trước đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản trên địa bàn thành phố cũng đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Tuy nhiên, dù đã sản xuất theo hướng công nghệ cao, xây dựng được quy trình sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn chung nhưng nhiều mặt hàng vẫn khó chen chân vào hệ thống các kênh bán lẻ trên địa bàn. Nguyên nhân, do thiếu thông tin kết nối, liên kết chuỗi trong sản xuất và kinh doanh giữa hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp phân phối.
Đại diện một HTX sản xuất rau sạch ở địa phương chia sẻ, đến nay HTX đã đáp ứng được yêu cầu về đóng gói bao bì, mẫu mã, sản phẩm có dán tem mã truy xuất nguồn gốc. Thế nhưng, để vào kênh phân phối của hệ thống siêu thị vẫn là một vấn đề lớn, do những yêu cầu về giá thành, số lượng cung cấp, thông tin kết nối...
Bởi vậy, theo nhiều người để TP. Đà Nẵng dần chủ động được nguồn nông sản, đặc biệt là rau xanh, tránh việc phụ thuộc vào các địa phương khác như hiện nay, ngoài nỗ lực của các HTX, người sản xuất, chính quyền thành phố cần có thêm những hỗ trợ về chứng nhận an toàn thực phẩm, bao bì nhãn hiệu cho các HTX, cơ sở sản xuất. Đặc biệt, đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các cửa hàng, siêu thị... với HTX, cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn.