Để đạt mục tiêu tăng trưởng cần hỗ trợ tổng cầu
Tăng trưởng có dấu hiệu chững lại | |
Tăng trưởng đối diện thách thức | |
Tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ 2015 |
Sản xuất nông nghiệp giảm, tiêu dùng tăng chậm |
Tăng trưởng ngắn hạn giảm
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã khuyến nghị như vậy trong Báo cáo tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016 trước bối cảnh tăng trưởng có dấu hiệu chững lại.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 5,52%, thấp hơn nhiều mức tăng 6,28% của cùng kỳ năm trước. Lý giải nguyên nhân GDP 6 tháng đầu năm tăng thấp, Ủy bán Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, chủ yếu do sự suy giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và lĩnh vực khai khoáng, cũng như tổng cầu có mức độ cải thiện thấp.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, nông nghiệp tăng trưởng -0,18% (cùng kỳ 2015 là 2,36%) và khai khoáng tăng trưởng -2,2% (cùng kỳ 2015 là 8,18%). Suy giảm tăng trưởng của hai khu vực này khiến cho tăng trưởng GDP 6 tháng/2016 giảm 0,8 điểm % so với mức tăng trưởng của cùng kỳ 2015 (nông nghiệp làm giảm 0,35 điểm %, khai khoáng làm giảm 0,45 điểm %).
Trong khi đó, tổng cầu cũng chỉ cải thiện ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều đó được thể hiện trên 2 giác độ: Tiêu dùng và nhập khẩu. Theo đó nếu loại trừ yếu tố giá tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm chỉ tăng 7,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng 8,3% của 6 tháng năm 2015.
Bên cạnh đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm cũng giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu 6 tháng năm 2015 tăng 17,7%. Giá trị nhập khẩu hàng hóa giảm không chỉ do giá hàng hóa thế giới giảm (giá nhập khẩu giảm 7,8%) mà còn do lượng nhập khẩu tăng chậm lại, chỉ tăng 7,9% so cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2015 tăng 22,1%).
Phân tích sâu hơn yếu tố chu kỳ của nền kinh tế, Ủy ban cho biết, mặc dù xu thế dài hạn của tăng trưởng (tiềm năng tăng trưởng) đang tiếp tục duy trì được xu hướng tăng, song tăng trưởng ngắn hạn (chu kỳ kinh tế) vẫn đang trong giai đoạn suy giảm kể từ Q3/2015 và chưa có dấu hiệu thoát đáy chu kỳ trong năm 2016.
Phân rã tăng trưởng, Q1/2005 - Q2/2016 (%, so cùng kỳ) |
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016, Ủy ban khuyến nghị, cần có biện pháp hỗ trợ về tổng cầu để bù đắp sự suy giảm của tổng cung, nhất là việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 16-18% và mở rộng thị trường hàng xuất khẩu.
Lạm phát cao hơn nhưng chỉ ở mức 4%-4,5%
Nhìn lại diễn biến giá cả từ cuối năm 2015 đến nay, Ủy ban cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng kể từ tháng 11/2015. Tính đến tháng 6/2016, CPI tổng thể tăng 2,4% so với cùng kỳ và tăng 2,35% so với đầu năm.
Nguyên nhân tăng lạm phát, theo Ủy ban, chủ yếu do tăng giá một số nhóm hàng như: dịch vụ y tế (tăng 23,15% so với đầu năm); giáo dục (tăng 4,47% so với đầu năm). Tính chung, trong 6 tháng đầu năm, 2 nhóm này góp phần làm cho CPI 6 tháng đầu năm tăng khoảng 1,08% so với đầu năm, đóng góp 46% vào tổng mức tăng kể từ đầu năm. Trong khi đó, lạm phát cơ bản vẫn duy trì ổn định ở mức dưới 2% từ đầu năm đến nay.
Phân rã lạm phát cho thấy, thành phần lạm phát có tính chu kỳ đã có 6 tháng tăng liên tục (kể từ tháng 12/2015). Điều này cho thấy chu kỳ tăng giá (dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm) của quý 1/2016 vẫn đang gây tác động kéo dài sang quý 2/2016. Song, nhờ các yếu tố cơ bản thuận lợi (giá hàng hóa thế giới thấp, tổng cầu tăng chậm...) thành phần lạm phát dài hạn vẫn duy trì được xu thế thấp ổn định.
"Tổng hợp các yếu tố đó, dự báo lạm phát cả năm 2016 sẽ tăng cao hơn so với năm 2015, nhưng sẽ chỉ ở mức 4% - 4,5%", Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo.