Tăng trưởng có dấu hiệu chững lại
Tăng trưởng GDP 6 tháng chỉ đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ 2015 | |
WB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 6,2% năm 2016 | |
Lạc quan với tăng trưởng GDP |
Tín dụng tăng 6,2%
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chiều ngày 30/6, Chính phủ đã họp phiên trực tuyến với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và giải pháp những tháng cuối năm 2016. Phiên họp kéo dài đến hết ngày 1/7/2016.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại phiên họp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước và tăng 2,35% so với tháng 12/2015. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6 tăng 2,4%, bình quân 6 tháng tăng 1,72%. Lạm phát cơ bản (CPI đã loại trừ biến động của nhóm lương thực, thực phẩm, năng lượng và giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý) bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về tiền tệ tín dụng, tính đến ngày 20/6, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 8,07% so với tháng 12/2015; tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD ước tăng 8,23%; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,2%, tương đương với tốc độ tăng cùng kỳ năm trước.
FDI tăng cao, sự phục hồi của công nghiệp chế biến là yếu tố làm cơ sở cho tăng GDP những tháng cuối năm |
Cũng theo báo cáo tại phiên họp, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) quý II ước đạt 5,55%, cao hơn mức tăng 5,48% của quý I. Tính chung 6 tháng đầu năm, GDP tăng 5,52%, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước giảm 0,18%; khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 7,12%; dịch vụ ước tăng 6,35%.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 6 tháng qua, mặc dù chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, việc GDP 6 tháng đầu năm chỉtăng 5,52%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ cần phải được thảo luận, làm rõ nguyên nhân.
Trước những lo lắng về sự kiện Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể tác động tới nền kinh tế trong nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý khẳng định, tác động trực tiếp với Việt Nam không nhiều vì hoạt động thương mại giữa Việt Nam và Anh chưa cao, còn tác động gián tiếp thì phải đánh giá thêm. Nhất là về những tác động trung và dài hạn để có phương án. Tuy nhiên, ông Quý cho rằng, có thể có tác động qua nước thứ ba hay một số cam kết thương mại giữa Việt Nam và EU sẽ phải đàm phán lại. Brexit là sự kiện chính trị, chứ không phải sự kiện kinh tế nên tác động trước mắt chưa đáng lo ngại.
Tại phiên họp các ý kiến đều cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% và tốc độ tăng chỉ số lạm phát dưới 5% trong năm nay cần phải rất nhiều nỗ lực. Theo ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát 6 tháng đầu năm vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao. Ông Dũng so sánh, khác với những năm trước, CPI tăng liên tục trong những tháng qua, so với tháng trước, CPI tháng 2 tăng 0,42%, tháng 3 tăng 0,57%; tháng 4 tăng 0,33%, tháng 5 tăng 0,54%, tháng 6 tăng 0,46%. Và CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,72%, gấp 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2015. Nhiều yếu tố đầu vào và tổng cầu sẽ gây áp lực tăng giá trong thời gian tới và có khả năng lạm phát cả năm có thể cao hơn so với mục tiêu.
Cũng theo ông Dũng: GDP có dấu hiệu chững lại, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ. GDP suy giảm sẽ ảnh hưởng tới các chỉ tiêu về bội chi, nợ công và nợ chính phủ.
Để đạt mục tiêu Quốc hội đặt ra năm nay, GDP tăng 6,7%, thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,6%. Điều này là rất khó khăn, bởi không còn dư địa cho nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, theo kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy tổng đầu tư toàn xã hội, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao, sự phục hồi của công nghiệp chế biến, thương mại dịch vụ là yếu tố làm cơ sở cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Formosa bồi thường tổng số tiền là 11.500 tỷ đồng
Tại buổi họp báo Chuyên đề của Văn phòng Chính phủ, chiều ngày 30/6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Tháng 4/2016 tại bốn tỉnh ven biển Việt Nam gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế xảy ra sự cố môi trường, làm thủy hải sản chết bất thường hàng loạt.
Ngay sau khi có thông tin về sự cố, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thường xuyên chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ người dân bị thiệt hại; chỉ đạo các nhà khoa học tìm kiếm nguyên nhân, đối tượng gây ra cá chết một cách khoa học, chính xác để có biện pháp xử lý cụ thể.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết đã huy động trên 100 nhà khoa học, có sự phản biện của chuyên gia quốc tế, và xác định nguồn thải lớn nhất tại khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh, chứa các độc tố như Fenol, Xianua, kết hợp với Hidro, tạo thành phức hợp theo dòng hải lưu đến Thừa Thiên - Huế, làm hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt. Với chứng cứ khách quan, khoa học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp các bộ, ngành nhiều lần làm việc với Formosa Đài loan cũng như Formosa Hà Tĩnh. Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm làm hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung.
Theo đó, Formosa cam kết 5 điểm: Một là, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hai là, bồi thường thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường biển với tổng số tiền là 11.500 tỷ đồng, tương đương 500 triệu USD. Ba là, cam kết hoàn thiện công nghệ sản xuất để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua. Bốn là, phối hợp các bộ, ngành Việt Nam và các tỉnh miền Trung xây dựng giải pháp đồng bộ để phòng chống ô nhiễm, không để xảy ra sự cố môi trường, tạo niềm tin với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Năm là, thực hiện đúng cam kết nêu trên, không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho hay, với nhận thức sâu sắc sự cố môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ quan thực hiện ngay bồi thường, hỗ trợ chuyển nghề cho dân theo đúng quy định, tinh thần là đảm bảo công khai, minh bạch, sát thực tế, có giám sát của dân, mặt trận tổ quốc, cơ quan báo chí.
Yêu cầu Formosa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các cam kết. Đồng thời triển khai lắp đặt hệ thống giám sát môi trường biển ở 4 tỉnh và công khai số liệu.
“Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành địa phương, sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, Chính phủ hoan nghênh Chính phủ Đài Loan hỗ trợ để yêu cầu Formosa xử lý, nhận trách nhiệm về sự cố môi trường. Đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, trong đó có pháp luật về đầu tư môi trường” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, Văn phòng Chính phủ cũng đã phát clip lời xin lỗi của ông Trần Nguyên Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công tyTNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa). "Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân dân Việt Nam, đặc biệt là nhân dân Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Chúng tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Việt Nam vì đã gây ra sự cố môi trường thời gian qua, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, việc làm của người dân và môi trường 4 tỉnh miền Trung", ông Thành nói.