Đề xuất hai tội danh tài trợ khủng bố và rửa tiền vào BLHS: Để phù hợp với cam kết quốc tế
OCB hợp tác triển khai phòng chống rửa tiền | |
Thủ tướng phân công thành viên tham gia BCĐ phòng, chống rửa tiền | |
Miền Trung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống rửa tiền |
Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp cho ý kiến về một số vấn đề lớn liên quan đến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Theo đó, một số hành vi, tội danh liên quan đến hoạt động NH sẽ được bổ sung vào Bộ luật Hình sự lần này.
Bổ sung tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền là cấp bách
Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân liên quan đến hoạt động NH, NHNN tiếp tục đề nghị bổ sung hai tội danh: tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324) cho phù hợp với cam kết quốc tế. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội bà Lê Thị Nga cho biết, việc bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội tài trợ khủng bố (Điều 300) và tội rửa tiền (Điều 324) đã được Quốc hội khóa XIII cân nhắc và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết định.
Tuy nhiên, theo báo cáo của NHNN, nếu không quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 2 tội danh trên thì có thể dẫn đến gây bất lợi cho Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có quan điểm chính thức về vấn đề này trước khi UBTVQH cho ý kiến.
Trước đó, trong nhiều cuộc họp với các cơ quan Chính phủ và Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhằm phối hợp rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, NHNN đều đề nghị ban soạn thảo bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền, tài trợ khủng bố.
Hoạt động NH là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, có tác động lớn đối với nền kinh tế của đất nước |
Lý giải về đề xuất này, NHNN cho biết, mặc dù năm 2014 Việt Nam đã được đưa ra khỏi quy trình rà soát của FATF (là một tổ chức liên chính phủ, có chức năng đưa ra các tiêu chuẩn, xây dựng và phát triển các chính sách chống rửa tiền và tài trợ khủng bố) sau gần 4 năm nằm trong quy trình này, tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải tiếp tục giải quyết các thiếu hụt được chỉ ra trong báo cáo đánh giá đa phương, trong đó có nội dung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền. Vì vậy, Việt Nam vẫn phải tiếp tục hoàn thành nội dung này và định kỳ báo cáo cho Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG).
Việt Nam đã thông báo với APG và FATF rằng Bộ luật Hình sự 2015 dự kiến sẽ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố. Tuy nhiên, do Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại tại Bộ luật Hình sự 2015 chỉ quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 31 tội danh mà không bao gồm tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.
Tại Công văn số 2564/VPCP-PL ngày 30/11/2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng các phương án giải thích phù hợp đối với các tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề Việt Nam chưa quy định trong Bộ luật Hình sự về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền và tội tài trợ khủng bố.
Song điều này là không khả thi bởi theo Khuyến nghị số 3 về tội rửa tiền trong 40 Khuyến nghị (chuẩn mực quốc tế) về chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố của FATF, các quốc gia phải quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hoặc chứng minh việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là trái với nguyên tắc pháp luật của quốc gia.
Tại các cuộc họp với APG và FATF trước đây, NHNN đã nhiều lần phối hợp với các bộ, ngành chứng minh, giải thích việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân là trái với nguyên tắc pháp luật của Việt Nam. Cụ thể, theo Điều 72 của Hiến pháp năm 1992 và Điều 2 của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì chủ thể chịu trách nhiệm hình sự chỉ là cá nhân và hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có các chế tài hành chính, dân sự đủ nghiêm khắc để xử phạt hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân.
Tuy nhiên, với quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 thì APG và FATF có cơ sở để cho rằng: nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn cho phép việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; Hơn nữa Việt Nam đã không thực hiện đúng cam kết với APG và FATF về việc hoàn thành nội dung này vào năm 2015. Vì vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ bị xếp hạng “không tuân thủ” đối với nội dung này và khả năng một lần nữa bị đưa vào danh sách các quốc gia có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và phải chịu sự rà soát của FATF là tất yếu.
Do đó, trong kế hoạch sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự 2015 lần này, việc bổ sung tội rửa tiền, tội tài trợ khủng bố vào phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015 là cần thiết và cấp bách.
Thêm kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại tệ trái phép vào Điều 206
Một nội dung khác cũng rất quan trọng liên quan đến sửa đổi, bổ sung Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm quy định về hoạt động NH nước. Tại phiên họp lần này, có ý kiến đề nghị đổi tên điều luật thành “Tội vi phạm quy định về hoạt động NH” để bảo đảm tính bao quát và xử lý được cả các trường hợp tổ chức, cá nhân khác ngoài TCTD thực hiện các hoạt động NH khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Ủy ban Tư pháp cho rằng, khoản 1 Điều 206 của Bộ luật Hình sự năm 2015 không chỉ điều chỉnh đối với các TCTD mà còn điều chỉnh cả các tổ chức, cá nhân khác. Do đó, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Điều 206 đã được đổi tên thành tội vi phạm quy định về hoạt động NH.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung các hành vi kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại tệ trái phép vì các hành vi này ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của các TCTD cũng như ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế vào điều luật này. Phía Ủy ban Tư pháp cho biết, đơn vị này cũng đã chỉnh lý khoản 1 Điều 206 theo hướng bổ sung các hành vi kinh doanh vàng, kinh doanh ngoại tệ trái phép.
Trước đó, ở góc độ chuyên ngành, NHNN đã góp ý sửa tên Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 thành “Tội vi phạm quy định về hoạt động NH, ngoại hối và các hoạt động khác liên quan đến hoạt động NH”. Bởi theo NHNN, việc sửa tên Điều 206 như trên sẽ đảm bảo phản ánh đúng bản chất của loại tội phạm này là hành vi vi phạm các quy định về hoạt động NH của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, tránh bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, đảm bảo bao quát được các hành vi vi phạm khác ngoài hoạt động NH và ngoại hối.
Hoạt động NH là một trong những lĩnh vực nhạy cảm, có tác động lớn đối với nền kinh tế của đất nước, là hoạt động kinh doanh có điều kiện, các điều kiện để được hoạt động NH được quy định rất chặt chẽ từ bộ máy quản lý đến quản trị rủi ro, chỉ các TCTD được cấp phép mới được thực hiện các hoạt động NH, do vậy, Khoản 2 Điều 8 Luật Các TCTD quy định: Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thực hiện hoạt động NH, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.
Hoạt động góp vốn, mua cổ phần cũng là một trong các hoạt động của TCTD, tuy nhiên việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD cần phải tuân thủ các giới hạn được quy định tại Điều 55 và Điều 129 Luật Các TCTD nhằm ngăn ngừa, hạn chế việc chi phối, thâu tóm, thao túng hoạt động NH liên quan đến các cổ đông lớn, việc sở hữu chéo giữa các NH, giữa NH và doanh nghiệp, lợi dụng để tài trợ vốn cho doanh nghiệp “sân sau” của doanh nghiệp/NH gây tiềm ẩn rủi ro trong hoạt động TCTD, dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động của TCTD. Do vậy, nhóm hành vi này cần được xếp trong nhóm các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động NH.
Ngoài ra việc sửa đổi tên điều cũng là để thống nhất với điểm g Khoản 2 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 “tiến hành các hoạt động NH khi chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến: Không bổ sung có thể gây bất lợi trong các hoạt động về kinh tế Giải trình thêm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất bổ sung tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền vào Bộ luật Hình sự, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, NHNN cũng thống nhất quan điểm cần xem xét vấn đề này một cách thận trọng theo luật pháp của Việt Nam. Xuất phát từ việc chúng ta đã tham gia các công ước quốc tế, các công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, công ước chống tài trợ khủng bố; chuẩn mực quốc tế về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, vì chúng ta là thành viên và đã cam kết tuân thủ. Bên cạnh đó, trong thực trạng hiện nay, các cơ quan phòng chống rửa tiền (PCRT) quốc tế sẽ phân các quốc gia thành 3 danh sách: Một là danh sách các quốc gia có rủi ro về PCRT và gây bất ổn cho hệ thống tài chính (có 2 quốc gia); Hai là danh sách các quốc gia có sự thiếu hụt nghiêm trọng về cơ chế chống rửa tiền hoặc thực hiện đúng kế hoạch đã cam kết; Ba là danh sách các nước có sự thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền nhưng có các cam kết cấp Chính phủ trong việc thực hiện kế hoạch hành động, phải chịu sự giám sát liên tục của các cơ quan về PCRT. Chúng ta đã từng bị đưa vào danh sách 2, là danh sách thiếu hụt nghiêm trọng, đồng thời chuẩn bị bị đưa vào hạng mục cao hơn trong danh sách này. Tuy nhiên với những nỗ lực của Chính phủ, cam kết của Chính phủ, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã giao cho NHNN thay mặt Chính phủ có văn bản cam kết với các tổ chức quốc tế là sẽ xây dựng cơ chế để PCRT, trong đó có sửa đổi Bộ luật Hình sự, cam kết hình sự hoá với pháp nhân trong tội danh về rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do vậy, chúng ta được đưa xuống danh sách 3, là danh sách các nước có thiểu hụt cơ chế PCRT nhưng đã có cam kết cấp Chính phủ. Do vậy, nếu chúng ta không xử lý thận trọng, có thể gây bất lợi trong các hoạt động về kinh tế tài chính của Việt Nam trên thị trường quốc tế. NHNN đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan như: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp... và Ban chỉ PCRT của Chính phủ sẽ có báo cáo với Quốc hội về vấn đề này để xử lý một cách thận trọng. |