Điều hành chính sách tiền tệ: Thận trọng là cần thiết
Thay đổi chính sách: Bước đi và cách làm phải rất thận trọng | |
Quyết liệt lành mạnh hóa hệ thống | |
Gỡ nút thắt tín dụng bằng giải pháp căn cơ |
Chính sách tiền tệ đang diễn biến ra sao
Nhìn lại diễn biến thị trường tiền tệ những tháng đầu năm, xét trên tổng thể các chuyên gia NH đánh giá, ngành NH đạt được khá nhiều thành quả từ chính sách tỷ giá đến lãi suất, tín dụng…
Tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định bất chấp những áp lực từ thị trường quốc tế. Tính đến hết ngày 30/6/2017, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên NH đã giảm 0,1% so với thời điểm cuối năm 2016, kết quả này đồng nghĩa với việc tiền đồng đã lên giá so với USD. Không những vậy, NHNN tăng dự trữ ngoại tệ lên tới trên 42 tỷ USD… Đặc biệt, tín dụng và lãi suất đang ở mức lý tưởng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đến thời điểm này, tín dụng tăng hơn 10% và mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 – 6,5%/năm. Đối với khách hàng tốt, lãi suất thậm chí chỉ còn 4 – 5%/năm.
NHNN tập trung vốn rẻ cho lĩnh vực ưu tiên là động lực tích cực thúc tăng trưởng kinh tế |
“Điều hành chính sách tiền tệ đang góp phần quan trọng giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy dư nợ tín dụng tăng cao tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Đây là hỗ trợ rất lớn của NHNN”, Đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân nhận xét. Tất nhiên, bên cạnh những điểm cộng, hệ thống NH vẫn còn những "điểm trừ", đó là hiệu quả hoạt động kinh doanh chưa cao; năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD vẫn còn bất cập so với quy mô, nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu vẫn còn cao…
Để đạt được những mục tiêu đề ra từ đầu năm cũng như thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, chính sách tiền tệ chịu nhiều áp lực. TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách VERP cho rằng, Chính phủ kỳ vọng rất nhiều vào NHNN và coi chính sách tiền tệ là công cụ để thực hiện nhiều mục tiêu cùng lúc. Một trong những mục tiêu đó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng các giải pháp mở rộng tín dụng. Nhưng, theo ông Thành, đó là giải pháp chủ yếu dựa vào phía cầu, cũng có nghĩa chỉ là kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn. Trong khi, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phải cả từ cung và cầu. Mà ở phía cung thì NHNN không thể đảm nhiệm thay Chính phủ. Vai trò của tăng trưởng kinh tế trong dài hạn phải thuộc về Chính phủ với những chính sách lớn khác như cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho DN yên tâm hoạt động.
Hướng tới chất lượng thay vì số lượng
Cũng khá thông cảm với sự sốt sắng của Chính phủ đối với tình hình tăng trưởng kinh tế, nhưng với việc khuyến khích mở rộng tăng trưởng tín dụng lên tới hơn 20% theo nhìn nhận của một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đó dường như là thông điệp nới lỏng chính sách. Nhưng vì mức tăng trưởng tín dụng này cộng khả năng giải ngân đầu tư công tăng mạnh hơn tạo áp lực cung tiền, gây áp lực lạm phát trong những tháng cuối của năm.
“Thị trường tài chính rất nhạy cảm và diễn biến theo kỳ vọng. Nó thể hiện rõ là kỳ vọng của người dân đối với lạm phát, tỷ giá luôn diễn ra sớm, có thể ngay khi phát đi thông điệp nới lỏng chính sách được phát ra. Dù biết NHNN có cái khó khi là thành viên của Chính phủ, nhưng việc có “chính kiến” trong điều hành cũng rất cần thiết”, một chuyên gia khuyến nghị và tỏ ra lo ngại khi nền kinh tế mang tính chỉ huy nhiều hơn tính thị trường. Còn nhớ, bài học về nới lỏng tiền tệ ở vào giai đoạn năm 2007 vẫn còn nguyên giá trị. Giai đoạn đó, NHNN đã mua 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, đẩy tốc độ tăng cung tiền M2 lên 46% trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế không cải thiện được. Ngược lại, lạm phát đã tăng lên 23% vào năm 2008. Và thị trường tiền tệ đã phải chịu trận khi thanh khoản căng thẳng, các NHTM đã phải nâng lãi suất huy động lên tới mức gần 20%/năm để đảm bảo an toàn hoạt động.
Với sức hấp thụ của nền kinh tế hiện nay, theo tính toán của TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì việc bơm tín dụng ra nhiều quá sẽ lợi bất cập hại. Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận những bước điều chỉnh chính sách của NHNN như chỉ giảm nhẹ lãi suất điều hành cũng cho thấy sự thận trọng của cơ quan này. Mặt khác, ông tỏ ra lạc quan hơn khi NHNN đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất với những chính sách quyết liệt xử lý các điểm nóng thì thời gian tới, NHNN sẽ có những biện pháp điều hành phù hợp đảm bảo mục tiêu đặt ra.
Diễn biến của thị trường tiền tệ đang theo đúng với định hướng điều hành của NHNN. Vì vậy, từ nay đến cuối năm NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đề ra từ đầu năm. Đó là tiếp tục kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khá thận trọng khi đưa ra cảnh báo: dù tỷ giá đang duy trì sự ổn định khá tốt nhưng không có gì để bảo đảm chắc chắn tỷ giá không có biến động và áp lực vẫn còn ở phía trước cả về khách quan và chủ quan. Khi mà, từ giờ đến cuối năm Fed sẽ tăng lãi suất một lần nữa, xu hướng biến động khó lường của đồng ngoại tệ khác như đồng CNY… Trong nước, cầu ngoại tệ chịu sức ép nhập siêu tăng cao, vốn ODA bị sụt giảm… sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo lạm phát cả năm 2017 có thể tiếp tục giảm. Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý dự báo trên chưa tính đến yếu tố khả năng điều chỉnh giá các dịch vụ công, điều chỉnh giá điện, giá cả hàng hóa… Ngoài ra, điều mà các chuyên gia lo ngại nhất chính là việc mở rộng tín dụng nhanh mà không kèm theo kiểm soát được chất lượng sẽ làm tăng rủi ro hay nói cách khác là nợ xấu tiềm ẩn lớn.
Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, các chỉ tiêu Chính phủ giao cho NHNN cụ thể là tín dụng chỉ mang tính định hướng để cơ quan này cân đối nguồn lực chứ không phải chúng ta bằng mọi giá đạt mục tiêu; hoặc là không đạt được mục tiêu này NHNN không hoàn thành nhiệm vụ. Quan điểm của ông Lịch là ủng hộ NHNN tập trung vốn rẻ cho lĩnh vực ưu tiên. Đây là động lực tích cực tăng trưởng kinh tế hướng tới chất lượng thay vì số lượng.