BWG đánh giá cao NHNN trong giải quyết vướng mắc, kiến nghị
Phát biểu tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 ngày 4/7/2018, ông Nirukt Sapru – Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và hiện là Trưởng Nhóm BWG – đã chúc mừng Chính phủ và NHNN đã có một năm tiếp tục tăng trưởng kinh tế ấn tượng, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất trong nhiều năm và tiếp tục tăng.
“Sự quản lý, điều hành kinh tế hiệu quả của Chính phủ đã được ghi nhận bởi thị trường quốc tế, mà gần đây nhất là vào tháng 5, Fitch Ratings đã nâng hạng chỉ số tín dụng quốc gia của Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mà nòng cốt là hoạt động sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực điện tử. FDI năm 2018 dự kiến sẽ tiếp tục đạt kết quả cao”, Trưởng Nhóm BWG nhận định.
Bàn về chủ đề cụ thể của phiên “Phát triển nguồn lực tài chính phục vụ tăng trưởng bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn VBF, Trưởng Nhóm BWG tin tưởng các mục tiêu này sẽ thực sự đạt được nếu chính phủ và NHNN tiếp tục áp dụng chính sách phân bổ tăng trưởng tín dụng theo lĩnh vực và phân bổ tăng trưởng tín dụng căn cứ trên các thế mạnh, năng lực của từng tổ chức tín dụng, trong đó có Hệ số bảo đảm an toàn vốn, thay vì áp dụng một hạn mức cho toàn hệ thống.
“Điều này sẽ bảo đảm cung cấp nguồn vốn tín dụng đầy đủ cho các lĩnh vực ưu tiên và đến với tất cả những doanh nghiệp hoạt động tốt, có nhu cầu vay vốn, đồng thời cũng kiểm soát được việc cấp vốn tín dụng cho những lĩnh vực có rủi ro cao”, vị này kỳ vọng.
Nhóm BWG cũng đề nghị Chính phủ và NHNN tiếp tục tập trung vào việc điều chỉnh cơ cấu vốn và củng cố ngành tài chính; quan tâm đến các vấn đề về số hóa nền kinh tế trong nước, xây dựng khung pháp lý để hỗ trợ nền kinh tế công nghệ số phát triển, trong đó có vấn đề về hệ thống nhận diện sinh trắc học quốc gia… và cho biết BWG sẵn sàng hỗ trợ NHNN và Chính phủ trong các lĩnh vực kể trên.
Liên quan đến các kiến nghị và đề xuất giải quyết vướng mắc cụ thể, BWG đánh giá cao sự hợp tác tích cực của NHNN trong việc giải quyết phần lớn các vấn đề chuyên môn trong thời gian qua với việc tổ chức trao đổi, hội nghị, đối thoại một cách thường xuyên, chặt chẽ. Trong tổng số 23 vấn đề đã xác định được, có 7 vấn đề thuộc các Bộ, ngành khác và những vấn đề còn lại đã được NHNN giải quyết hoặc có phương án giải quyết trong thời gian tới.
Tại VBF lần này, Nhóm BWG đã nêu ra 4 vấn đề lớn còn tồn đọng liên quan đến nhiều Bộ, ngành gồm: (i) Phát triển các sản phẩm quản lý dòng tiền, điều chuyển vốn của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam; (ii) Quy định về nội dung chữ ký trên chứng từ điện tử; (iii) Chủ thể của các đối tượng mở tài khoản thanh toán theo Bộ Luật Dân sự Việt Nam; và (iv) Quy định về bù trừ nghĩa vụ trong Luật phá sản. Các vướng mắc này liên quan đến các quy định tại Bộ luật dân sự, Luật kế toán, Luật phá sản, quy định về nộp thuế... và BWG đề nghị Chính phủ hỗ trợ trong việc tăng cường phối hợp hoạt động để nhanh chóng tìm ra giải pháp.
“Chúng tôi tin tưởng rằng nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì Việt Nam sẽ có bước tiến dài trong việc củng cố ngành ngân hàng. Từ đó sẽ khuyến khích, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng như đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam”, Trưởng Nhóm BWG cho biết.
Phát biểu tại phiên thảo luận này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thông tin, trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Nhóm BWG nhằm xử lý các vướng mắc, kiến nghị của Nhóm. Theo đó, NHNN đã và đang xử lý đối với những vấn đề có thể xử lý ngay. Tuy nhiên, có những vấn đề nếu nhìn từ góc độ quản lý ngành ngân hàng cần phải xem xét và cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để đảm bảo mục tiêu an toàn hệ thống, hay có những vấn đề đòi hỏi phải có sự hợp tác với các Bộ, ngành khác nên cần có thời gian để xử lý.
Đối với 4 vấn đề Nhóm BWG nêu ra, NHNN đã trao đổi và làm việc kỹ thuật với Nhóm. NHNN cũng đã thống nhất trong thời gian tới, Nhóm BWG sẽ trao đổi, làm việc với các Bộ, ngành liên quan để giải quyết các vướng mắc, làm rõ trách nhiệm của các bên, qua đó NHNN có cơ sở phối hợp với Nhóm để giải quyết dứt điểm các nội dung này.
Đối với một số vấn đề khác được nêu tại Diễn đàn, NHNN ghi nhận và sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành chức năng để làm việc với các đối tác nghiên cứu, xử lý.