Đổi thay Sê Sáp
Đổi thay từ vốn vay ưu đãi ở Hòa Vang | |
Thanh Trì đổi thay từ xây dựng nông thôn mới | |
Đổi thay ở Lao Chải |
Băng rừng vượt núi
6 giờ sáng, chiếc xe hai cầu rời huyện A Lưới đến bản Sê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào. Nắng lên nhưng sương mù dày đặc, cách vài mét đã không nhìn thấy gì. Xe chở chúng tôi thận trọng bò lên dốc. Một bên vách núi, một bên vực thẳm, con đường ngoằn ngoèo, vừa lọt đủ chiếc xe.
Thiếu tá Hoàng Văn Nguyện, Chính trị viên phó đồn biên phòng Nhâm thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế cho hay, bây giờ mùa khô, việc đi lại thuận lợi, còn mùa mưa, con đường nhiều chặng nhão nhoét bùn lầy, xe máy cũng đành bó tay, chỉ có thể chân đất lội bộ.
Thiếu tá Nguyện vừa dứt lời thì ô tô bất ngờ mắc kẹt giữa đường trơn, lầy lội lại gặp khúc quanh rất gắt. Cả nhóm xuống xe vừa đi bộ vừa dò đường hướng dẫn tài xế chạy. Hồi hộp, lo lắng… Rồi qua thêm một con suối nữa thì bản Sê Sáp cũng hiện ra. Mặt ai nấy giãn ra khi ở phía đầu bản, hay tin bộ đội biên phòng Việt Nam sang thăm, bà con dân bản kéo đến quây quần.
Bản Sê Sáp hôm nay |
Bản Sê Sáp có tất cả 40 hộ dân với gần 300 người. Mười năm trước, bản nằm sâu trong núi, lại không có đường đi, muốn đến trung tâm huyện Kà Lừm phải mất mấy ngày vất vả băng rừng, lội suối. Rau rừng, rễ cây trở thành thức ăn chính nuôi lớn những đứa trẻ trong bản.
Trước tình cảnh đó, Đồn Biên phòng Nhâm tiến hành đưa lực lượng sang khảo sát giúp dân bản ổn định cuộc sống. Cán bộ chiến sĩ đơn vị không quản gian khó, vượt núi băng rừng, mang theo các trang thiết bị, vật dụng, cây, con giống sang bám trụ giúp dân phát đồi, làm nương rẫy, đầu tư công trình nước tự chảy...
Đồn Biên phòng còn tham mưu cho Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế lập kế hoạch vận động kinh phí xây dựng trường học, công trình dân sinh và nhà ở cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nơi đây. Kế hoạch nhanh chóng nhận được sự ủng hộ, tài trợ từ các cơ quan và doanh nghiêp..…
Qua đó, nhiều hộ gia đình trong bản có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được xây dựng nhà mới khang trang, với kinh phí hỗ trợ hơn 50 triệu đồng/hộ. Mới đây, dân bản lại vui mừng vì Sê Sáp đã được khởi công xây dựng ngôi trường học kết hợp nhà văn hoá sinh hoạt cộng đồng, với diện tích 140m2, có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng do Tổng công ty Cổ phần Thuỷ điện miền Trung tài trợ.
Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đường sá lầy lội, lũ dữ bất thường, việc thi công, đặc biệt là vận chuyển vật liệu từ Việt Nam sang hết sức khó khăn. Những tấm tôn cồng kềnh có lúc phải mang vác trên vai trong khi chân bấm xuống bùn dò từng bước...
Nhưng để đẩy nhanh tiến độ thi công, giúp dân bản Sê Sáp sớm an cư, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã cử cán bộ đến hiện trường trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, động viên cán bộ, chiến sĩ. Những ngày cao điểm, có hàng chục bộ đội biên phòng có nghề mộc được cử đến. Các anh thường xuyên đi bộ, lội qua dòng suối nước ngập ngang bụng sang Sê Sáp cùng ăn, cùng ở lán với lính biên phòng, cùng chia sẻ bát cơm cho trẻ em, người già trong bản. Ròng rã hơn 1 năm, 40 ngôi nhà và ngôi trường chắc chắn khang trang, đã hoàn thành.
An cư để lập nghiệp
Dẫn khách đi thăm các gia đình được Bộ đội Biên phòng Việt Nam hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà mới, ông Su May, Trưởng bản Sê Sáp phấn khởi chia sẻ. Mỗi ngôi nhà được xây dựng với diện tích 60m2, kết cấu chủ yếu bằng gỗ và mái lợp tôn xanh vững chãi. Hiện đang tiếp tục xây dựng 3 nhà hữu nghị do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ cho bà con dân bản…
Đặc biệt, từ khi có Bộ đội Đồn Biên phòng Nhâm sang cho con giống, vật nuôi và hướng dẫn bà con cách chăm sóc, chăm nuôi thì thu hoạch được nhiều hơn, vật nuôi khỏe hơn, cảm ơn bộ đội biên phòng nhiều lắm. Còn theo bà Nang Tụt, bản Sê Sáp trước đây chỉ dám mơ đủ ăn thôi, không dám mơ có nhà mới và con cái được đi học như bây giờ. Nhờ bộ đội biên phòng, mình đã có nhà mới khang trang, có điều kiện tăng gia sản xuất ổn định cuộc sống, dân bản còn được xây thêm trường học kết hợp nhà văn hoá, làm nơi ươm mầm, thắp sáng ước mơ cho các thế hệ mai sau...
Để tạo sinh kế lâu dài cho hàng trăm nhân khẩu của bản làng giữa đại ngàn là một thử thách không nhỏ đối với những người lính quân hàm xanh Việt Nam. Nguyên nhân là Sê Sáp bao bọc xung quanh là núi rừng trùng điệp, việc phát triển cây lúa nước rất khó, lương thực chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nương rẫy dốc, năng suất bấp bênh. Để giúp nhân dân cải thiện về vấn đề lương thực, cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Nhâm đã hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật. Đến nay cuộc sống của người dân bản Sê Sáp đã từng bước ổn định.
Sê Sáp nay đã khoác lên mình một màu áo mới, những công trình mang đậm dấu ấn của tình hữu nghị được chính những người lính quân hàm xanh Đồn biên phòng Nhâm thiết kế và xây dựng. Người dân nay đã ổn định cuộc sống trong những ngôi nhà kiên cố, trẻ em được học trong ngôi trường khang trang. Ấn tượng nhất là Sê Sáp đã có hệ thống nước sạch tự chảy được lấy từ đầu nguồn phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân, có nhà văn hóa cộng đồng, có trường học cho trẻ em đến tuổi được cắp sách đến trường học chữ. Hệ thống phát điện từ các con suối được thiết kế phục vụ sinh hoạt hàng ngày, nay dân bản đã có điện chiếu sáng, nhiều gia đình có xe máy, ti vi và nhiều vật dụng đắt tiền. Bản Sê Sáp như bức tranh tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.
Đi dọc biên giới Việt Nam – Lào những ngày này, khi loài hoa muồng vàng nở rộ, thời điểm mà người dân các bộ tộc Lào đang rộn ràng đón Tết té nước (Bunpimay), cầu mưa thuận gió hòa, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Ấn tượng không quên trong chúng tôi là giữa ánh hoàng hôn tỏa rạng, đã nghe được âm thanh tiếng chày giã gạo khoan nhặt vọng lại từ các bản làng dọc theo đường biên giới, tiếng trẻ con đọc bài và cả mùi ngai ngái của khói bếp bay thoảng đến từ những mái nhà sàn cheo leo. Cảm nhận được cuộc sống ấm no và yên bình trên vùng biên cương nghĩa tình.