Đơn giản và minh bạch hóa để tạo thuận lợi thương mại
Đã có bước tiến dài về tính minh bạch | |
Minh bạch để ổn định thị trường |
Nhiều vướng mắc lớn
Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế khi thuế quan giảm đi thì số lượng các biện pháp phi thuế quan tăng lên là điều tất yếu không chỉ của Việt Nam và ở tất cả các nền kinh tế khác. Dù có những ý nghĩa và lợi ích không thể phủ nhận nhưng nếu được thiết kế, không tốt hay quá phức tạp và thực hiện thiếu phối hợp thì các biện pháp phi thuế quan thường làm tăng chi phí kinh doanh, giảm tính minh bạch và hạn chế năng lực cạnh tranh (NLCT) quốc gia.
Hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam hiện nay so với các nước |
Vấn đề đặt ra là trong khi các biện pháp phi thuế quan là cần thiết (nhằm bảo vệ các lợi ích chính đáng của nhà sản xuất và người tiêu dùng trong nước) thì cần làm sao để vẫn tạo thuận lợi cho thương mại, cắt giảm được chi phí thương mại, qua đó thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện MTKD, nâng cao NLCT và tăng cường hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ước tính dựa trên cơ sở dữ liệu của ASEAN-ERIA-UNCTAD, trong khi thuế quan ưu đãi trung bình của Việt Nam đã giảm từ 13,11% năm 2002 xuống còn 6,33% năm 2015 (do tham gia các FTA) thì số lượng các biện pháp phi thuế quan đã tăng lên nhanh chóng từ 15 biện pháp năm 2003 lên 330 biện pháp năm 2015.
Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở số lượng tăng lên mà hệ thống phi thuế quan của Việt Nam được đánh giá hiện chưa theo thông lệ quốc tế (thể hiện từ các định nghĩa chưa rõ ràng, phân loại chưa phù hợp với các thông lệ quốc tế và hệ thống dữ liệu từ rất nhiều nguồn, nhiều trường hợp không nhất quán với nhau) tạo ra khó khăn cho các DN trong việc tuân thủ.
Bên cạnh đó theo đánh giá của WB, hệ thống các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam hiện nay rất phức tạp. Cụ thể theo nguồn cơ sở dữ liệu của Cổng thông tin Thương mại Việt Nam (VTIP), với số lượng văn bản quy định (1.056 văn bản), số các thủ tục hướng dẫn thực hiện (398 thủ tục) và số các biểu mẫu quy định thông tin cần thiết (397 biểu mẫu) hiện có thì Việt Nam đang cao hơn rất nhiều so với các nước trong so sánh của WB.
Trong khi đó, thủ tục để tuân thủ các biện pháp quản lý nhà nước về các hoạt động xuất nhập khẩu cũng cho thấy quy trình còn hết sức phức tạp, thực thi chồng chéo và thiếu phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Tựu chung lại, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Việt Nam cho rằng: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực đơn giản hóa các quy định về các biện pháp phi thuế quan trong những năm gần đây, các quy định này hiện còn hết sức phức tạp và gây ra chi phí cao cho DN”.
Theo ông Đức, mức ảnh hưởng chi phí của các biện pháp phi thuế quan của Việt Nam cao hơn hầu hết các nước ASEAN. Hệ thống các biện pháp phi thuế quan hiện rất phức tạp với số lượng lớn các văn bản quy định tuân thủ các biện pháp, các thủ tục hướng dẫn thực hiện và các biểu mẫu cần hoàn thành. Bên cạnh đó, sự chồng chéo về các văn bản quy phạm pháp luật đối với từng mặt hàng xuất nhập khẩu được ban hành bởi nhiều cơ quan khác nhau và quy trình nghiệp vụ thực thi phức tạp, thiếu phối hợp giữa các cơ quan liên quan.
Cần đơn giản và tiêu chuẩn hóa
Những vướng mắc như nêu trên cho thấy, đã đến lúc Việt Nam cần thiết phải hiện đại hóa hệ thống pháp quy về thuận lợi hóa thương mại. Báo cáo chuyên đề: “Tạo thuận lợi thương mại bằng cách hợp lý hóa và cải thiện tính minh bạch của các biện pháp phi thuế quan tại Việt Nam” của WB công bố mới đây đã đưa ra một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ cho các vấn đề mà hệ thống phi thuế quan của Việt Nam gặp phải hiện nay.
Trong đó, trước tiên là cần có các định nghĩa và phân loại thống nhất, nhất quán, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các mục tiêu chính sách rõ ràng đối với các biện pháp phi thuế quan (WB khuyến nghị nên áp dụng theo hệ thống phân loại UNCTAD-MAST của Cơ quan hỗ trợ liên ngành thuộc Liên hiệp quốc).
Bên cạnh đó, cần rà soát lại các biện pháp phi thuế quan (và quá trình này nên do một đơn vị độc lập tiến hành). Một nguyên tắc chính trong xác định và ban hành các biện pháp phi thuế quan là chỉ trường hợp có sự thất bại của thị trường.
“Việt Nam nên bắt tay vào một chương trình cải cách sâu hơn bằng cách học hỏi kinh nghiệm quốc tế để thiết lập một quy trình chuẩn để xem xét và áp dụng phân tích lợi ích - chi phí được thực hiện bởi các cơ quan khách quan và có năng lực để loại bỏ những thiếu sót do thiếu năng lực hoặc lợi ích riêng của các cơ quan quản lý trực tiếp các biện pháp phi thuế quan”, báo cáo này nêu.
Vấn đề cần giải quyết tiếp theo là cần phải có một hệ thống về cơ sở dữ liệu về các biện pháp phi thuế quan chính thức, minh bạch và nhất quán để cho các DN có thể thực hiện một cách rõ ràng.
Theo đó, cần ban hành quy định và sử dụng từ VTIP làm nguồn thông tin chính về các biện pháp phi thuế quan theo quy định tại Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của WTO. Hiện cổng thông tin này đã được thiết lập nhưng chưa được phối hợp một cách đồng bộ với tất cả các bộ, ngành liên quan.
WB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần có quy định về trách nhiệm đầu mối của các cơ quan quản lý chuyên ngành, thường xuyên phối hợp với cơ quan hải quan để cập nhật thông tin trên cổng thông tin này, qua đó vừa giúp cho các DN tuân thủ, mặt khác giúp các nhà hoạch định chính sách thực thi các chính sách một cách minh bạch và có hiệu quả nhất.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, tự động hóa trong thực thi các biện pháp quản lý phi thuế quan mang lại các lợi ích rất lớn. Tuy nhiên, trước khi áp dụng tự động hóa thì điều kiện tiên quyết là cần đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ liên quan. Theo chia sẻ của ông Phạm Minh Đức, nếu áp dụng tự động hóa vào các quy trình nghiệp vụ vốn đang phức tạp như hiện nay thì chỉ tạo nên một sự phức tạp hơn.
WB cũng khuyến nghị, các cơ quan quản lý biên mậu và các biện pháp phi thuế quan nên áp dụng công tác quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan để đạt được sự cân bằng giữa giảm thiểu rủi ro với việc tạo thuận lợi thương mại và nâng cao NLCT. Quản lý rủi ro sẽ giúp cho các cơ quan quản lý hiệu quả hơn bằng cách tập trung nguồn lực vào những giao dịch rủi ro nhất, tránh được tình trạng dàn trải, không làm phiền đến các DN, nhất là những DN đã và đang tuân thủ tốt. Hơn nữa, việc này cũng giúp tiết kiệm được nguồn lực cho phía cơ quan quản lý.
Giải pháp quan trọng nữa là cần phải tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành. Theo đó, việc thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại là một khởi đầu tốt. Bước tiếp theo là cần phải có một bộ máy giúp việc được trao đủ quyền và có kiến thức chuyên môn cần thiết để hỗ trợ Ủy ban thực hiện chỉ đạo liên ngành và giám sát việc thực hiện chương trình cải cách các biện pháp phi thuế quan. Nói cách khác, chúng ta đã có cái đầu nhưng còn thiếu cái tay, cái chân để thực hiện.