Động cơ cho tăng trưởng đã sẵn sàng
Ủy ban Giám sát tài chính đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng | |
Kiên định, nhất quán thực hiện mục tiêu tăng trưởng và lạm phát đề ra | |
Tín dụng và độ trễ tăng trưởng kinh tế |
Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng 6,7% cho cả năm 2017. Thông điệp rõ ràng này đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng công bố hôm cuối tuần trước tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 4. Và để đạt được mục tiêu này thì trong 9 tháng còn lại, bình quân GDP phải tăng khoảng 7,1%. Đây là mức tăng khá cao so với cùng kỳ các năm từ 2011- 2016.
Nhiều ngành đang hồi phục
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cụ thể mức tăng trưởng phải đạt được cho từng quý là quý II tăng 6,26%, quý III tăng 7,29% và quý IV tăng 7,49%. Đây được xem là thách thức lớn, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất định và trong nước còn rất nhiều khó khăn.
Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh mẽ là động cơ quan trọng cho tăng trưởng |
Bỏ ngỏ câu hỏi liệu mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng mà Chính phủ đặt ra có thể trở thành hiện thực, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, “chắc chắn sẽ rất chật vật, song chúng ta hoàn toàn có động cơ đủ mạnh để kéo tăng trưởng”. Ông Kiên phân tích, đầu tư công vẫn là một động lực có tính chất quyết định đến tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là một trong những yếu tố rất quan trọng.
Bởi 1 đồng vốn bỏ ra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng bao gồm cả dân dụng và công nghiệp có thể huy động được khoảng 4 đồng vốn của các ngành và lĩnh vực khác vào đầu tư phát triển. Trong 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn xây dựng cơ bản tương đối thấp, những ngành cao nhất chỉ đạt khoảng 20% dự toán năm, có ngành chỉ đạt 4% tổng vốn theo kế hoạch. Như vậy dư địa để tăng trưởng nhờ lĩnh vực này vẫn còn khá dồi dào.
Động lực quan trọng thứ 2, theo ông Kiên chính là triển vọng tương đối sáng của sản xuất công nghiệp. Trong 4 tháng đầu năm 2017, cả nước đã nhập siêu khoảng 1,9 tỷ USD, song nếu nhìn cụ thể vào khối lượng các mặt hàng tạo ra nhập siêu, có thể thấy tỷ trọng nguyên phụ liệu để phục vụ cho sản xuất là tương đối lớn. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong 4 tháng đã tăng cao so với 3 tháng, đạt 16,8%. Bên cạnh tốc độ xuất khẩu cao của khối DN FDI thì các DN xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày… đã có đơn hàng đến hết quý III. Như vậy khả năng đóng góp vào tăng trưởng của các ngành hàng này là tương đối khả quan.
Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cũng chung nhận định sản xuất công nghiệp tăng mạnh hơn từ quý II/2017 sẽ là động cơ quan trọng của tăng trưởng. Chỉ tính riêng giá trị nhập khẩu máy móc thiết bị trong 4 tháng đã tăng khoảng 39% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2016 giảm khoảng 14%) đã cho thấy năng lực sản xuất sẽ được cải thiện trong quý II/2017.
Bên cạnh đó, những diễn biến thời tiết thuận lợi sẽ giúp cho mục tiêu tăng trưởng khu vực nông -lâm - thuỷ sản 2,7-2,8% trong năm 2017 khả thi hơn. Mức tăng trưởng này sẽ đóng góp 0,45 điểm % vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, gấp đôi mức đóng góp 0,22 điểm % của khu vực này vào tăng trưởng GDP trong năm 2016.
Chạy hết công suất để kịp tăng tốc
Dù chỉ ra nhiều “động cơ” quan trọng đã sẵn sàng để kéo cả nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 6,7%, song các chuyên gia nhấn mạnh, đây vẫn là một mục tiêu khá tham vọng vì nền kinh tế đã có quý đầu tiên khởi động chậm chạp, trong khi chặng đường còn lại chắc chắn sẽ có không ít cú sốc. Vì vậy để đạt được tốc độ này, tất cả các “động cơ” đều phải vận hành hết công suất.
Cụ thể là theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kịch bản tăng trưởng này đã tính đến điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội đạt mức 35% GDP, kế hoạch sản xuất và xuất khẩu tăng 20% của các nhà máy thuộc Tập đoàn Samsung, các điều kiện về kinh tế thế giới, kinh tế trong nước, thời tiết khí hậu... đều gặp thuận lợi.
Cơ quan này khuyến nghị, trước mắt cần tập trung vào các giải pháp nhanh. Cụ thể là giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tăng thêm sản lượng khai thác trong nước, tối thiểu đạt 1 triệu tấn nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu. Lực đẩy cho tăng trưởng đang nằm ở một số DN FDI lớn. Đó là Samsung dự kiến nâng doanh thu xuất khẩu năm 2017 lên 50 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2016. Đây sẽ là sự đóng góp đáng kể cho tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất khẩu và tăng trưởng GDP nói chung. Bên cạnh đó, nếu nhà máy của dự án Formosa được vận hành lò cao số 1 trong tháng 5 sẽ cho công suất 3,5 triệu tấn thép/năm, sẽ đóng góp khoảng 0,16 điểm % trong tăng trưởng GDP.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia, tạo cú hích trong đầu tư và tăng trưởng như dự án Cao tốc Bắc - Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án chống ngập thành phố Hồ Chí Minh...
Ngoài ra, rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho DN để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động, đóng góp chung cho tăng trưởng. Đồng thời, rà soát các dự án tư nhân và FDI đã đăng ký đầu tư, tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để DN nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế. Giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các NHTM thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao để đưa thêm vốn đầu tư vào nền kinh tế.