Động lực tăng trưởng ở đâu?
Một gợi ý cho nền kinh tế | |
Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế | |
Mô hình tăng trưởng: Phá vỡ sự bế tắc từ… tư duy? |
Băn khoăn sức bật nền kinh tế
Mọi dự báo đều cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm nay rất khó đạt mục tiêu, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Cho dù con số tăng trưởng không phải là điều quá quan tâm nhưng diễn biến tốc độ tăng trưởng đang và đã có những biểu hiện sẽ tiếp tục chậm lại đòi hỏi giải pháp tạo sức bật cho tăng trưởng.
Theo TS.Lê Quốc Phương - Phó giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, tình hình liên tục xuất siêu trong thời gian gần đây không hề tạo nên niềm vui cho ngành công thương vốn đã liên tục cố gắng giảm nhập siêu trong hơn 20 năm qua. Xuất khẩu tuy có tăng nhưng tốc độ tăng chậm hơn kế hoạch. Sản xuất khó khăn, tổng cầu thấp thể hiện ngay ở lượng tồn kho nhiều do tiêu thụ hàng chậm. Thế nên doanh thu của DN thấp và hệ số sinh lời cũng rất nhỏ.
Khó khăn từ sản xuất kéo đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng kém, cho dù nền kinh tế luôn thiếu vốn, DN luôn nói cần vốn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 8 tháng vừa qua chỉ ở mức tương đương cùng kỳ năm trước và Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, chưa có dấu hiệu bứt phá trong quý III này.
Đáng lưu ý là “tín dụng các khu vực ưu tiên tăng trưởng thấp hơn mức chung của toàn hệ thống (tính đến hết tháng 7, TTTD tăng 9,45% so với đầu năm, trong đó cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chỉ tăng 6,1%, cho vay xuất khẩu tăng trên 3%, DNNVV tăng 3,3% so với đầu năm) cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao”.
Vậy làm sao tăng sức bật cho tăng trưởng kinh tế? Rõ ràng, vẫn còn những động lực nhưng phải được khai thác tốt mới giúp cho nền kinh tế cuối năm khả quan hơn.
Thanh khoản hệ thống NH dồi dào là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cao hơn |
Thực tế, nền tảng cho tăng trưởng kinh tế cao hơn trong những tháng còn lại của năm nay vẫn có. Cụ thể, hệ thống NH trong 8 tháng đầu năm về cơ bản đã đảm bảo tốt khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế nhờ thanh khoản dồi dào (một trong những biểu hiện là tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động - LDR - vẫn liên tục giảm). Mặt bằng lãi suất thấp và tiếp tục được duy trì ổn định. Thực tế này cũng đúng với thị trường ngoại hối, trong khi lạm phát dù tiếp tục xu hướng tăng nhưng mức độ tăng đã giảm dần so với cùng kỳ.
PGS-TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng, mặt bằng lãi suất đang rất ổn định và có xu hướng giảm cùng với tỷ giá ổn định tạo nền tảng tốt để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế cuối năm. Các DN nhờ đó có thể mở rộng quy mô đầu tư lớn hơn, phát triển hoạt động kinh doanh và gia tăng sản lượng.
Trong khi đó theo TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, “nếu 3 tháng còn lại của năm 2016 này, chúng ta giải ngân hết được vốn đầu tư theo kế hoạch đã được Quốc hội phê duyệt và giả sử điều kiện thị trường và giá hàng hóa xuất khẩu ổn định như những tháng vừa qua của quý III thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan hơn rất nhiều” - TS. Kiên nhận định.
Đồng quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia TC-NH cho rằng, việc hết 8 tháng mà giải ngân mới được đâu đó 37-38% so với kế hoạch cả năm là rất chậm và do đó, đầu tư công cần cú huých mạnh và nhanh hơn. “Bộ KH&ĐT và các bộ, ngành liên quan cần quyết liệt hơn để tháo gỡ những vướng mắc, qua đó giải ngân đầu tư mạnh hơn để đạt kế hoạch đề ra trong những tháng tới” - chuyên gia này khuyến nghị.
TS. Lực cũng cho rằng, tinh thần và hành động đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 đã mang lại những tác động tích cực nhất định. Số lượng DN thành lập mới, cả về vốn và số lượng tăng lên gần đây và cần được tiếp tục thúc đẩy. Điều này cũng thể hiện được tinh thần vì cộng đồng DN của Chính phủ mới và qua đó góp phần huy động tốt hơn nguồn lực của khu vực tư nhân để đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng, phát triển kinh tế.
“Những chuyển biến tích cực trong hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, NHNN, đặc biệt là sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn các DN như hiện nay là điều chưa bao giờ thấy có”, theo PGS-TS. Đặng Ngọc Đức. Đây cũng là yếu tố có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế ghi nhận mức tích cực hơn.
Theo các chuyên gia, một yếu tố khác cần đẩy mạnh là ngành chế biến chế tạo. 8 tháng đầu năm, tăng trưởng của ngành này khoảng 9% so với cùng kỳ, cho thấy đà tăng trưởng tốt và vẫn là trụ cột quan trọng cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Việc thúc đẩy các ngành sản xuất nói chung, ngành chế biến, chế tạo nói riêng cần tiếp tục đẩy mạnh.
Điểm đáng mừng là với niềm tin được củng cố, dòng vốn FDI chảy vào thời gian qua tiếp tục tăng, đặc biệt liên quan đến ngành sản xuất chế biến chế tạo. Theo báo cáo triển vọng kinh tế của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) phối hợp với Oxford Economics công bố mới đây, điều này cùng với các hiệp định thương mại đạt được gần đây sẽ giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2016 và thậm chí có thể tiến sát đến mức 7% trong năm tới.
Tuy tăng trưởng tiêu dùng 8 tháng qua chậm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng dư địa để tăng trưởng tốt hơn vẫn còn. Theo TS. Lực, để thúc đẩy tiêu dùng ngoài những chính sách thông thường thì cũng cần các chính sách mang tính chất kích thích tiêu dùng khác. Ví dụ như chính sách thúc đẩy du lịch để từ đó thúc đẩy các lĩnh vực khác có liên quan. Hay các chương trình khuyến mại, khuyến khích người Việt dùng hàng Việt… cần tiếp tục được đẩy mạnh.