Mô hình tăng trưởng: Phá vỡ sự bế tắc từ… tư duy?
Kiên định mục tiêu, tạo chuyển biến rõ nét về tăng trưởng kinh tế | |
Bức tranh kinh tế với những lưu ý | |
Tạo chuyển biến tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm |
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị một Đề án về đổi mới mô hình tăng trưởng để trình ra Hội nghị Trung ương vào tháng 10 tới. Bản dự thảo của Đề án này đánh giá: mô hình tăng trưởng của Việt Nam đang ngày càng trở nên bế tắc.
Chưa tạo được nền tảng cho nội lực
Một trong những đánh giá rất đáng suy ngẫm là mô hình tăng trưởng của Việt Nam từ năm 2000 đến nay mặc dù vẫn giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối cao nhưng về bản chất tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ, đất đai và tài nguyên. Các nhân tố làm tăng năng suất lao động như: vốn, con người, công nghệ… còn quá mờ nhạt. Cải thiện về tổng năng suất các nhân tố (TFP) từ năm 2011 đến nay chủ yếu là do kết quả thực hiện một loạt chính sách, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại niềm tin cho thị trường và do đó tiếp tục huy động được lao động, vốn vào tăng trưởng.
Minh chứng là trong giai đoạn 2000- 2015, việc gia tăng đầu vào (vốn và lao động) đóng góp khoảng 85% vào tăng trưởng. Vốn con người, công nghệ, hiệu quả quản lý Nhà nước thể hiện qua TFP chỉ đóng góp khoảng 15%. Nếu bóc tách các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động thì vốn con người và TFP cũng chỉ đóng góp 6,3%, còn lại 83,7% là do tăng cường độ vốn, tức là gia tăng năng suất lao động cũng chủ yếu nhờ đóng góp của vốn.
Các chỉ số này cho thấy không có thay đổi trong mô hình tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh các nước khác trong khu vực ở cùng giai đoạn đều có đóng góp của TFP lớn hơn rất nhiều như: Trung Quốc 39%, Ấn Độ 49%, Thái Lan và Philippines hơn 70%, Malaysia 64%, Indonesia 37%, ngay ở Campuchia, con số này cũng còn đạt đươc mức 17%.
Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng ngày càng trở nên cấp thiết khi nhiều nước trên thế giới đã tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng |
Xét theo các yếu tố bên ngoài, mô hình tăng trưởng của Việt Nam mang tính hướng ngoại đậm nét, FDI và xuất khẩu đã và đang là hai động lực chính của tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng chưa tận dụng tốt cơ hội của hội nhập cho nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo đột phá cho tăng trưởng năng suất lao động, chủ yếu thu hút FDI về lượng và xuất khẩu những mặt hàng có hàm lượng chế biến và công nghệ thấp. Trong khi đó, mục đích quan trọng của tăng trưởng tận dụng ngoại lực là tiếp thu công nghệ, kỹ năng vào trong nước, làm tăng năng lực cạnh tranh quốc tế của khu vực trong nước thì Việt Nam lại không làm được.
“Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có xu hướng giảm dần, chất lượng tăng trưởng cải thiện chậm, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Tốc độ tăng trưởng trung bình 7,6% của giai đoạn 1990- 2000 không còn duy trì được nữa, giảm xuống chỉ còn 6,8% trong giai đoạn 2001- 2010 và 5,8% cho giai đoạn 2011- 2015. Mục tiêu tăng trưởng 6,7% của năm 2016 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn và mục tiêu tăng trưởng 6,5- 7% cho giai đoạn 2016- 2020 khó có thể đạt được”, một chuyên gia nhận định.
Thách thức lớn?
Trong khi đó, một loạt những thách thức lớn đang khiến kinh tế Việt Nam phải đối mặt và không dễ vượt qua cũng đã được bản Dự thảo Đề án chỉ ra. Đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam là cấp bách, trong khi chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng đã được đề ra từ Đại hội XI nhưng việc triển khai thực hiện còn rất nhiều lúng túng.
Các chính sách lớn được triển khai với tốc độ chậm và kết quả còn khiêm tốn, thậm chí chưa rõ ràng. Trong 3 đột phá chiến lược, xây dựng cơ sở hạ tầng đã có cải thiện, chuyển biến rõ nhất, nhưng cũng chỉ dừng ở hạ tầng giao thông đường bộ (cầu, đường). Đột phá thể chế thực hiện khá quyết liệt nhưng vẫn tập trung quá nhiều ở khâu ban hành, bổ sung, sửa đổi các văn bản, khâu tổ chức thực hiện còn nhiều lúng túng, hiệu lực thực thi thấp.
Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế vĩ mô chưa tạo tiền đề vững chắc và thuận lợi để đổi mới mô hình tăng trưởng. Việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững. Cân đối NSNN khó khăn, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn ảnh hưởng đến quy mô đầu tư công cho các lĩnh vực cần thiết như cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, công nghệ. Tăng trưởng dựa vào nguồn lực cũng không còn nhiều dư địa, nhất là khi lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng sẽ không còn duy trì được lâu.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung thấy rằng, trong thời gian qua, một số nỗ lực chính sách đã được triển khai thực hiện nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt, ba đột phá chiến lược và ba trọng tâm tái cơ cấu kinh tế, nhưng chưa mang lại những thay đổi căn bản trong cách thức tăng trưởng. Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng ngày càng trở nên cấp thiết khi nhiều nước trên thế giới tiến hành đổi mới mô hình tăng trưởng.
Các chuyên gia kinh tế thì cho rằng, đổi mới mô hình tăng trưởng đòi hỏi quyết tâm chính trị cao nhưng tư duy và quyết tâm chính trị về đổi mới mô hình tăng trưởng phải dứt khoát và thống nhất trong toàn bộ hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Tránh tình trạng nhiều ngành, địa phương còn lưỡng lự, chạy theo tốc độ tăng trưởng, thu hút số lượng đầu tư, tạo nhiều việc làm nhưng ít chú trọng đến chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động.
Bởi lẽ, đổi mới mô hình tăng trưởng không đơn giản là cải cách trên một khía cạnh mà liên quan đến xoay chuyển cách thức huy động và sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế để tạo ra tăng trưởng gắn với tăng năng suất lao động, do đó, liên quan đến nhiều đối tượng. Muốn làm được điều này, biện pháp đổi mới đòi hỏi một số ngành, địa phương, nhà quản lý và ban hành chính sách phải từ bỏ những lợi ích gắn với ngành, địa phương mình.