Nông nghiệp Việt từ góc nhìn khác
Vốn tín dụng vào cuộc chống hạn, mặn | |
Tiếp sức cho nông nghiệp, nông thôn | |
TP. HCM: Hỗ trợ lãi vay chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị |
Nguyễn Đình Dương có thâm niên nhiều năm trồng hoa ở Hà Đông (Hà Nội), một ngày đẹp trời đăng tin về ước muốn trồng rau hữu cơ trên mạng xã hội. Hàng trăm người vào like và share, cùng nhiều lời ngỏ ý muốn hùn hạp vốn để thuê thêm đất, bao tiêu luôn sản phẩm.
Ảnh minh họa |
150.000 bệnh nhân mắc ung thư mỗi năm ở Việt Nam, trong đó 75.000 người tử vong là nỗi ám ảnh thực sự về hậu quả đau đớn từ sử dụng thực phẩm chứa hóa chất độc hại. Nên “tự sản tự tiêu” rau hữu cơ đang là xu hướng, có thể thấy ở khoảng đất hẹp trên giải phân cách đường, những thùng xốp xếp ngay ngắn góc ban công nhà cao tầng, hay góc vườn nhà phố…
Đa số mô hình trồng rau hữu cơ hiện nay không mang “màu sắc” kinh doanh. Lý do là thuê đất ven đô khá khó khăn, đặc biệt là nếu muốn khu đất cách ly với các ruộng rau khác. Công chăm sóc rất lớn, chủ yếu phải sử dụng phân cỏ ủ, sâu nhiều phun rượu tỏi… Giá rau hữu cơ phổ thông 35 nghìn đồng/kg, riêng xà lách 70 nghìn đồng/kg và cải bó xôi 55 nghìn đồng/kg, không phù hợp với nhiều đối tượng thu nhập.
Tuy nhiên, những mô hình “tự sản tự tiêu” nói trên đang thực sự là một thách thức với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong quý I năm nay, sản xuất nông nghiệp mà đặc biệt là ngành trồng trọt sụt giảm sản lượng nặng nề. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I/2016 giảm 1,32 % so với quý I/2015, trong đó riêng trồng trọt giảm 7%.
Tất nhiên, rét buốt và băng giá tại các tỉnh phía Bắc mới đây; hay hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tại các tỉnh phía Nam vừa qua là nguyên nhân chính tác động đến mức giảm sản lượng đột biến của ngành trồng trọt quý đầu năm nay. Nhưng đó chỉ là biểu hiện bất thường của thời tiết, có thể không quá thường xuyên diễn ra.
Trong khi, suy giảm lòng tin của người tiêu dùng là quan ngại lớn hơn, bởi ngày càng bào mòn cầu tiêu dùng với rau trái. Các thống kê nhiều năm trở lại đây cho thấy, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp có biểu hiện giảm dần.
Một đất nước nhiệt đới với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhưng nông nghiệp Việt Nam đang đuối sức để nuôi người dân ở các vùng nông thôn. Xu hướng di cư về đô thị đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Thất nghiệp có thể thấy ở ngay khu vực sản xuất nông nghiệp. Tất cả đang dần phát đi tín hiệu về sự “tan rã” của nền sản xuất ở các miền quê Việt Nam.
Sau hàng chục năm cải cách ruộng đất nhằm trao từng mảnh ruộng về tay người nông dân, sau rất nhiều đổi mới và hội nhập để thúc đẩy sản lượng nông nghiệp thông qua việc kích thích nguồn cung từ xuất khẩu… giờ đây trồng trọt cho thấy một xu hướng “hợp tác xã kiểu mới”.
Những người như Nguyễn Đình Dương đang nhen lên một mô hình hợp tác, với các bên cùng góp vốn, chung đất và tự bao tiêu sản phẩm. Thậm chí, nó còn không phải là mô hình nông nghiệp hàng hóa.
Rất rõ ràng, sự mất lòng tin càng lớn thì nông nghiệp sẽ đến lúc phải trả giá bằng bước lùi về quá khứ, khi các “hợp tác xã kiểu mới” được nhân lên và lan rộng…